Phải chăng kết tội 2 nông dân để né bồi thường oan?

Bản án này bị TAND tỉnh Bình Thuận hủy để điều tra lại với yêu cầu phải làm rõ ý chí của các hộ dân là họ tự trình bày ý kiến của mình hay do bị áp đặt bởi ý chí của ai khác. Thứ hai là công sức, thời gian, chi phí mà ông Tuấn bỏ ra lo cho các hộ dân vay tiền là có thật nhưng quá trình điều tra không làm rõ chi phí bao nhiêu, cụ thể những khoản gì so với số tiền đã nhận để tính toán số tiền bị cáo đã hưởng lợi. Riêng bị cáo Nam, tòa phúc thẩm cho rằng cần phải đánh giá tính đồng phạm trong câu nói trên, mục đích nói ra để làm gì, có thỏa thuận bàn bạc gì giữa hai bị cáo về số tiền yêu cầu các hộ dân bồi dưỡng hay không.

Sau đó, công an huyện này đã ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra đối với ông Nam và ông Tuấn theo khoản 1 Điều 25 BLHS (do chuyển biến tình hình). Hai ông không đồng ý với quyết định này nên đã gửi đơn yêu cầu được xin lỗi, bồi thường. Thế rồi công an ra quyết định phục hồi điều tra và chẳng hiểu sao lại được VKS phê chuẩn.

Khi điều tra lại, CQĐT, VKS và đặc biệt là tại phiên tòa sơ thẩm lần hai đã không chứng minh được những yêu cầu mà tòa phúc thẩm đặt ra. Ấy thế nhưng tòa vẫn kết án hai ông về tội nhận hối lộ. Phải chăng bản án này đã được ba ngành “thống nhất” từ trước?! Phải chăng đây là cách để né bồi thường oan?

Sự việc xảy ra chỉ là việc hai ông giúp bà con nông dân nghèo viết đơn vay vốn và mang hồ sơ của họ đi xác nhận rồi nộp cho ngân hàng. Theo quy định tại Điều 279 BLHS 1999 thì hành vi của hai ông không phải là hành vi nhận hối lộ vì hai ông không phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của các hộ dân. Hai ông cũng không làm điều gì trái với chủ trương của ngân hàng. Việc ông Nam gợi ý bồi dưỡng tiền xăng xe cho ông Tuấn là xuất phát từ tình nghĩa, đạo đức bình thường của con người, vậy mà cũng bị ghép vào đồng phạm!

Nhiều chuyên gia, trong đó có cả những người đã từng là thẩm phán cũng cho rằng việc kết án hai ông Tuấn và Nam về tội nhận hối lộ là oan. Nhận hối lộ gì mà chính Ngân hàng CSXH huyện cũng khẳng định hai ông này chỉ có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ, trả lãi đúng hạn. Nhận hối lộ gì mà đại diện UBND xã Hàm Cần cũng nói cả hai bị cáo không có quyền hạn, chức vụ gì. Rồi những người được điều tra viên mời đến yêu cầu viết đơn, họ cũng chỉ nghĩ rằng đưa tiền bồi dưỡng cho hai nông dân giúp họ vay vốn chứ không phải tiền hối lộ.

Việc một số người dân chi tiền xăng xe cho hai nông dân đã được xác định ngay trong quá trình điều tra và được khẳng định tại phiên tòa. Theo lời khai của ông Tuấn, mỗi đợt xét duyệt cho vài hộ dân vay ông phải bỏ hết việc nhà và mất hơn một tuần lễ để viết giúp đơn, rồi đi nhiều nơi để ký xác nhận. Sau đó ông phải vượt hàng chục cây số đi làm thủ tục. Hơn hai năm trời ông bỏ công sức ra giúp cho nhiều người. Nếu tính toán thời gian, công sức, chi phí mà hai nông dân này bỏ ra giúp bà con thì thậm chí họ còn bị thâm hụt so với số tiền bà con bồi dưỡng cho họ. Còn ông Nam thì cho rằng số tiền hơn 1 triệu đồng là tiền ông tạm ứng ra cho ông Tuấn mua bốn con gà đem đến ngân hàng để làm cơm đãi các nhân viên. Sau khi nhận tiền bồi dưỡng của những hộ dân, ông Tuấn đã trả lại cho ông số tiền trên.

Dư luận chờ đợi phán quyết của TAND tỉnh Bình Thuận khi xét xử phúc thẩm vụ án này. Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không bao che hoặc né tránh thì TAND tỉnh Bình Thuận nên tuyên bố hai ông Tuấn và Nam không phạm tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm