Tòa tuyên 2 nông dân phạm tội nhận hối lộ

Ngày 13-7, TAND huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận đã tuyên hai bị cáo Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn phạm tội nhận hối lộ. Tuy vậy, tòa đã tuyên miễn hình phạt cho cả hai vì cho rằng hành vi của hai bị cáo chưa đến mức phải cách ly ra khỏi xã hội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đề nghị của VKS.

Luật sư: Các bị cáo vô tội

Trao đổi sau phiên tòa, cả hai bị cáo cho biết họ sẽ kháng cáo phúc thẩm, tiếp tục kêu oan vì họ không phạm tội. Bốn luật sư (LS) bào chữa miễn phí cho hai bị cáo gồm: LS Đặng Huỳnh Lộc, Dương Phi Anh (Đoàn LS TP.HCM); Trần Văn Đạt, Nguyễn Hoài Tiến (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) cho biết sẽ tiếp tục giúp hai bị cáo kháng cáo và bào chữa cho họ tại phiên phúc thẩm.

Theo các LS, hành vi của bị cáo Tuấn không cấu thành tội nhận hối lộ. Bởi những hộ dân có nhu cầu vay vốn, có ý nhờ ông Tuấn làm giúp và hoàn tất các thủ tục vay nên được trả công và tiền xăng xe. Đây là quan hệ dân sự và việc bị cáo bỏ công, chi phí đi lại là có thực. Hơn nữa bị cáo là người không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc cho vay hay không cho vay tiền nên không thể kết án bị cáo tội nhận hối lộ được.

Đối với bị cáo Nam, trong cuộc họp với dân, ông chỉ phát biểu: “Bà con phụ tiền cho Tuấn đi làm giùm” không có nghĩa là ông Nam đồng phạm với ông Tuấn nhận hối lộ. Cả bốn LS đều cho rằng lẽ ra HĐXX tuyên cả hai bị cáo vô tội mới đúng bản chất của vụ án.

Hai bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: BPN

Công sức bỏ ra và tiền bồi dưỡng

Trong hai ngày xét xử, các LS đã tập trung hỏi người đại diện của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam về quyền hạn, chức vụ của hai nông dân trong việc xét cho các hộ nghèo vay vốn. Người đại diện khẳng định hai bị cáo chỉ có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng hạn và họ không có thêm quyền hạn gì trong việc quyết định cho vay hoặc từ chối vay.

Đại diện UBND xã Hàm Cần cũng cho biết cả hai bị cáo không có quyền hạn, chức vụ gì và UBND xã không ra quyết định nào bổ nhiệm hai người này phụ trách việc vay vốn. Vị đại diện UBND xã Hàm Cần khẳng định hai người này là do người dân tự chọn và Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng với họ.

Các LS cũng tập trung chất vấn những người dân tố cáo thì hầu hết mọi người đều cho biết do điều tra viên mời họ lên, yêu cầu viết đơn chứ họ chỉ nghĩ đơn giản là đưa tiền bồi dưỡng cho hai người giúp họ vay vốn, đó không phải tiền hối lộ.

Theo các LS, tại lần phục hồi điều tra lại CQĐT đã không làm rõ yêu cầu mà trước đây bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu.

Cụ thể, TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cần phải làm rõ ý chí của các hộ dân là họ tự trình bày ý kiến của mình hay do bị áp đặt hoặc ý chí của ai khác. Ông Tuấn bỏ công sức, thời gian, chi phí giúp các hộ dân vay tiền là có thật nhưng quá trình điều tra không làm rõ chi phí bao nhiêu, cụ thể những khoản gì so với số tiền đã nhận để tính toán số tiền bị cáo đã hưởng lợi.

Đối với bị cáo Nam, tòa phúc thẩm cho rằng cần phải đánh giá tính đồng phạm trong câu nói trên, mục đích nói ra để làm gì, có thỏa thuận bàn bạc gì giữa hai bị cáo về số tiền yêu cầu các hộ dân bồi dưỡng hay không… 

Theo các LS, nếu tính toán thời gian, công sức, chi phí mà hai nông dân này bỏ ra giúp vay vốn cho dân nghèo thì thậm chí họ còn bị thâm hụt so với số tiền bà con bồi dưỡng cho họ.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nam cho biết ông đang giữ nhiều chứng cứ chứng minh mình vô tội nhưng không tin tòa sơ thẩm và sẽ cung cấp cho cấp phúc thẩm hoặc TAND Tối cao. Còn bị cáo Tuấn thì chua xót: “Tôi giúp dân vay tiền, đổi lại họ bồi dưỡng, chỉ là quan hệ dân sự nhưng vẫn bị bắt giam, truy tố…”.

Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ theo dõi và đưa tin khi vụ án có diễn biến mới.

Không cấu thành tội nhận hối lộ

Hành vi nhận tiền bồi dưỡng chi phí xăng xe, điện thoại của hai nông dân không cấu thành tội nhận hối lộ.

Điều 279 BLHS 1999 và Điều 345 BLHS 2015 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”. Trong khi đó, đại diện của ngân hàng khẳng định hai nông dân này chỉ có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng hạn. Họ không có thêm quyền hạn gì trong việc quyết định cho vay hoặc từ chối vay. Đặc biệt, hai nông dân này cũng không làm gì trái với quy định của ngân hàng, ngân hàng cũng không bị thiệt hại gì. Do đó, hai nông dân trên không phải là chủ thể của tội nhận hối lộ. Như vậy, theo tôi hành vi của hai bị cáo không cấu thành tội nhận hối lộ.

Ông NGUYỄN MINH CẢNH,
nguyên thẩm phán TAND TP.HCM

Ngân Nga ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm