Dù còn 10 ngày nữa mới tròn 5 năm ngày mất của GS.TS Trần Văn Khê, nhưng cuối tuần qua, Hội quán các bà mẹ (TP.HCM) đã tổ chức một buổi kỷ niệm ấm cúng để “Nhớ đến một người”- một người thầy đáng kính đã đi xa…
Ngày 24-6-2015, GS.TS Trần Văn Khê qua đời tại BV Nhân dân Gia Định sau một thời gian dài điều trị bệnh. Sự ra đi của GS.TS Trần Văn Khê đã để lại nhiều nuối tiếc cho đông đảo học trò, đồng nghiệp và những người mến mộ ông.
Nhớ thầy- nhớ đến cái hồn của văn hóa dân tộc
Nhớ đến ông, ắt hẳn rất nhiều thế hệ học trò sẽ không thể nào quên hình ảnh người thầy hồn hậu ngồi trên chiếc xe lăn, lúc nào cũng mỉm cười cùng lời dạy về nhân tình thế thái, về giá trị cốt lõi của từng điệu ru, câu hò trong văn hoá người Việt… Nhớ đến ông, là nhớ đến căn nhà lúc nào cũng rộn rã, tiếng đàn, tiếng sáo, giọng ngâm thơ… của nhiều thế hệ học trò thân quý xung quanh ông.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuý (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ) đã có thời gian 10 năm gắn bó với GS.TS Trần Văn Khê trước khi ông qua đời. Chị gọi GS.TS Trần Văn Khê là thầy, xem ông là người thầy lớn của cuộc đời mình.
Chị xúc động: “Ngày 24-6 của 5 năm về trước, thầy đã trút hơi thở cuối cùng, trở về cõi hư không. Nhưng với chúng tôi, ngày 13-6 mãi là một ngày đáng nhớ vì chính hôm đó, thầy đã gọi chúng tôi đến để trò chuyện, như một lời dặn cuối cùng trước lúc đi xa. Thầy dặn hãy cố gắng gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của nước nhà, gìn giữ áo dài, những điệu hát ru con…”
Chị Thuý hồi tưởng, khoảng thời gian thầy còn sống, hội quán may mắn được thầy làm cố vấn danh dự cho hầu hết các chương trình văn hoá như: Ứng xử văn hóa học đường, thai giáo, hát ru, Áo dài Việt, Âm nhạc dân tộc Việt… Thầy cũng chính là diễn giả chính thức của các chương trình này.
Nhắc đến thầy Khê, TS Xã hội học, Th.s tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy nói rằng, chị nhớ đến ngôi nhà của thầy nằm ở số 32, đường Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
“Căn nhà là nơi có hồn của thầy. Nơi chất chứa hồn của một con người, hồn của văn hoá dân tộc. Nơi mà thầy đã giảng dạy những lời hay về thai giáo, về giá trị văn hóa của dân tộc mình”, TS Thuý nói.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi GS.TS Trần Văn Khê là "chú Khê" và cảm nhận ông là người hòa đồng, giản dị. ẢNH: THANH TUYỀN.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi GS. TS Trần Văn Khê là “chú Khê” như người thân trong gia đình mình. Theo lời BS Ngọc, GS.TS Trần Văn Khê là bạn thiếu thời với người cậu của ông, khi hai người còn chung lớp chung trường ở Pétrus Ký (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay).
“Tôi gọi GS Trần Văn Khê bằng chú, chú Khê, như người trong gia đình vì từ nhỏ đã quen gọi như vậy”, ông nói.
Trong trí nhớ của BS Ngọc, “chú Khê” là người giản dị, dễ thương và rất hòa đồng. Ngày đó, khi được tin GS.TS Trần Văn Khê phải nằm viện điều trị, BS Ngọc đã ghé đến để thăm hỏi sức khoẻ.
“Hôm đó ông còn được xếp nằm tạm bên khoa ngoại tổng quát. Nhân có mấy sinh viên y khoa đang thực tập ở đó, tôi bảo mấy em theo thầy vào thăm một nhân vật hết sức đặc biệt. Lúc đến nơi thì em nào cũng ngạc nhiên vì đó là GS Trần Văn Khê, các em nghe tiếng ông đã lâu nhưng không có cơ hội gặp. Chú Khê hôm đó vui lắm. Ông tỉnh táo và rất hoạt bát, kể cho các sinh viên nghe trường hợp của ông bị viêm ruột thừa hóa mủ, gây biến chứng viêm phúc mạc được các bác sĩ Pháp thời đó chữa trị ra sao. Lúc đó, tôi thấy thú vị lắm vì dù nằm viện nhưng tinh thần chú vẫn rất lạc quan, khoẻ khoắn và còn kể chuyện y khoa cho sinh viên của tôi nghe!”, BS Ngọc nhớ lại.
BS Ngọc cho biết, GS Khê từng học y khoa gần hai năm trước khi sang Pháp nên ông cũng biết nhiều về y học.
Người góp phần định danh căn cước người Việt
Với nhạc sĩ Tuấn Khanh, những nghiên cứu về văn hóa mà GS.TS Trần Văn Khê đã tìm ra “là những thứ hoàn toàn đặc biệt, không phải nhà nghiên cứu nào cũng làm được chuyện đó”.
“Thầy đã tìm ra những điều vĩ đại ngay từ những cái nhỏ đã có sẵn. Điều đó còn vĩ đại hơn những sáng tạo mới nữa. Những điều đó giúp thế giới nhận dạng, định danh căn cước của người Việt Nam ngay trong khu vực này để nói rằng người Việt có văn hóa riêng của mình”, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ.
Đó là những nghiên cứu của GS.TS Trần Văn Khê về cách chơi đàn tranh của người Việt khác người Trung Quốc như thế nào; về ý nghĩa của chiếc áo dài của người Việt với 5 chiếc nút được GS Khê giải thích là đại diện cho 5 đức tính: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Hay cách mà GS Khê giới thiệu với thế giới về nhạc cụ Song Lang của người Việt, về 50 nhạc cụ dân tộc của người Việt Nam và những giá trị của nó với thế giới…
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói rằng, đó là cách mà GS Khê cố gắng để xây dựng lại giá trị riêng của âm nhạc dân tộc nước nhà.
“Với tôi, thầy Khê là người đặc biệt. Vì thầy biết chùi rửa lại qua năm tháng những bụi bặm cũ của nền văn hoá Việt Nam, tìm ra những chi tiết, những thứ rất đặc biệt, dù nhỏ nhặt để tạo ra văn hoá để rồi tổng kết nó, tìm ra con đường của người Việt Nam là cái gì. Đó là nền âm nhạc tự động mang một dáng vẻ rất Việt Nam, từ đời ông bà ta ngày xưa để lại”, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói.
Không chỉ trong âm nhạc, GS.TS Trần Văn Khê còn để lại những nghiên cứu có giá trị của mình cho kho tàng ẩm thực của người Việt.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, những nghiên cứu về văn hóa mà GS.TS Trần Văn Khê đã tìm ra “là những thứ hoàn toàn đặc biệt, không phải nhà nghiên cứu nào cũng làm được chuyện đó”. ẢNH: THANH TUYỀN.
Chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh chia sẻ, bà nhớ rõ nhất là những chia sẻ của GS Khê về ngũ quan ẩm thực trong ẩm thực Việt.
“Điều này đã được thầy ghi lại trong một cuốn sách. Thầy nói rất rõ về giá trị và ý nghĩa của ngũ quan ẩm thực mang giá trị rất riêng của người Việt. Tôi xem đó là cuốn cẩm nang cho tất cả những người làm về ẩm thực, để ghi nhớ và gìn giữ văn hoá người Việt ngay cả trong những món ăn”, bà nói.
------------------------
5 năm trôi qua, ở nơi này vẫn có những thế hệ học trò nhắc nhớ đến thầy, rồi tìm cách bồi đắp cho các giá trị văn hoá mà thầy đã cất công lưu giữ, cho lớn hơn cái mong ước “bảo vệ nền âm nhạc cổ truyền”.
"Điểm lại quãng đời đã qua, hạnh phúc nhứt là tôi đã làm được những điều mình thiết tha mong muốn: có cơ hội sưu tầm vốn cổ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, chắt lọc những cái hay để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau, cứu vãn những truyền thống sắp bị chôn vùi trong quên lãng. Rồi đem tiếng nhạc lời ca dân tộc đến mọi nơi để siết chặt tình thân hữu giữa dân tộc Việt Nam với bạn bè bốn biển năm châu, đem được vui tươi nhẹ nhàng cho người nghe, lại có dịp góp sức với đồng nghiệp các nước Á, Phi bảo vệ nền âm nhạc cổ truyền...”- trích “Hồi ký Trần Văn Khê”. |