Đúng hai mùa sau, “đám trẻ” nhà bầu Đức đã cho thấy dấu hiệu trưởng thành khi chơi với các đàn anh.
Bốn trận đầu HA Gia Lai chỉ có 1 điểm qua ba trận thua, một trận hòa. Thế rồi từ vòng 5 đến 7, họ toàn thắng, một trận sân nhà và hai trận sân khách.
Tuy nhiên, HA Gia Lai ở sân nhà thắng Cần Thơ rất yếu, thi đấu rời rạc và thiếu động lực. Sau đó đội bóng phố núi thắng sân khách Bình Dương đang thời kỳ thoái trào và thắng Long An rệu rã 3-0. Thực tế sức mạnh của hầu hết đội V-League là tập trung vào các ngoại binh tiền đạo. Mà những đội như Cần Thơ, Bình Dương, Long An có ngoại binh rất “lởm” nên hàng phòng ngự HA Gia Lai chưa bộc lộ gương mặt thật.
Các cầu thủ trẻ HA Gia Lai mùa thứ ba chơi V-League. Ảnh: HUY PHẠM
Ba chiến thắng liên tiếp giúp HA Gia Lai thoát xa khu vực nguy hiểm. Nhưng để đánh giá họ một cách toàn diện có lẽ còn phải chờ. Khi gặp các đối thủ kiểu như Than Quảng Ninh, Thanh Hóa, SL Nghệ An… sẽ phần nào lộ ra “tuổi nho” của HA Gia Lai.
Cũng phải nhìn nhận rằng “lứa nho” của bầu Đức đã bắt đầu mọng nước, tức có dấu hiệu chín. Con số bàn thắng mỗi trận đã ghi rất lạc quan, nhất là Công Phượng sau khi từ tuyển U-22 ghi bàn trở về CLB, anh có ba trận ghi ba bàn và hai đường chuyền thành bàn. Văn Thanh tiếp tục thể hiện sự nhạy bén trong ba trận ghi đến bốn bàn.
Đặc điểm đáng chú ý khác là HA Gia Lai chơi đa dạng hóa và thích nghi với nhiều ý đồ chiến thuật khác nhau. Họ không còn mỗi kiểu “Tiki Taka” nghèo nàn như hai mùa trước. Đấy là bước ngoặt quan trọng, thể hiện sự tiến bộ.