Nhổ lông gà, vịt, heo... bằng nhựa thông: Tiện người bán, hại người ăn

Nhổ lông gà, vịt, heo... bằng nhựa thông: Tiện người bán, hại người ăn

Chỉ nên mua thịt gà, vịt, heo…ở những cơ sở uy tín, có dấu chứng nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác. Ảnh: Lê Kiên

Trong vai những người đang có nhu cầu tìm mua hoá chất giúp làm sạch nhanh lông gà, chúng tôi đến chợ Kim Biên ở quận 5 - TP.HCM.

Nhúng nhựa thông, lông rụng sạch

Hai trong bốn quầy bán hoá chất bên hông chợ đều chào hàng nhựa thông. Một nhân viên bán hàng hướng dẫn chúng tôi cho miếng nhựa thông vào nồi nước sôi, đợi nhựa tan rồi bỏ gà vào trụng, khoảng ba phút lấy ra lông gà tự rụng sạch. Cách khác là bôi trực tiếp nhựa thông với sáp đèn cầy lên toàn thân gà, đợi lớp hoá chất khô, lột lớp màu đen bên ngoài, toàn thân gà sẽ sạch bóng lông. Giá thành nhựa thông dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg, tuỳ thời điểm và số lượng mua. Trả lời câu hỏi làm vậy liệu có gây ngộ độc khi ăn thịt gà không, anh nhân viên nói chắc nịch: “Tôi bán cái này cả mấy năm nay, có nghe ai ăn chết đâu. Cái này chỉ để nhổ lông chứ có bỏ vô nồi nấu chung với thịt gà đâu mà sợ độc”.

Không chỉ dùng nhựa thông nhổ lông gà, vịt, thông tin từ chi cục Thú y TP.HCM cho biết, các đoàn kiểm tra liên ngành của trạm thú y Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh… từng phát hiện nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lậu sử dụng nhựa thông để làm sạch lông. Mới đây nhất là cơ sở Võ Hồng Trân ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh dùng nhựa thông làm sạch lông heo. Theo khai nhận của chủ cơ sở, sau khi thu gom đầu heo, da heo, tai heo… từ các nguồn về, nhân viên cho vào những hồ chứa nhựa thông đang sôi. Độ năm phút, lấy vợt vớt ra rồi dùng quạt máy thổi khô để tách lông heo dễ dàng. Sau đó, sản phẩm đóng gói đưa vào kho lạnh để chuyển đi tiêu thụ. “Sở dĩ họ dùng nhựa thông làm sạch lông heo mà không bị phát hiện sớm là do họ giấu rất kỹ, chế biến trong quy trình khép kín. Khi có lực lượng kiểm tra đến thì họ cho người canh cửa báo động”, một cán bộ chi cục thú ý nói.
Nhựa thông độc hại ra sao?

TS. Đặng Chí Hiền, trưởng Phòng thí nghiệm công nghệ hoá dược phẩm, viện Công nghệ hoá học cho biết, sau khi tinh chế nhựa thông lấy từ cây thông sẽ thu được tinh dầu thông, phần còn lại (chủ yếu là hợp chất colophan) sử dụng làm keo trong sản xuất giấy, công nghiệp điện, làm chất đốt, phối hợp với một số phụ gia làm keo dán giày dép, chấm mối hàn các vi mạch điện tử... Dầu thông thường sử dụng như một chất tạo mùi thơm trong các loại dầu tằm và làm thuốc tẩy uế, khử trùng, thuốc diệt cỏ... Về tính độc hại, dầu thông có độ độc tính tương đối thấp đối với con người, độ ăn mòn và độ tồn lưu hạn chế. “Tuy nhiên nó kích thích da và các màng nhầy, có thể gây ra các vấn đề hô hấp, ở liều cao sẽ gây suy nhược hệ thần kinh trung ương”, TS. Hiền nói.

Cũng theo TS. Hiền, sáp có thành phần chính là paraffin, không bị thay đổi dưới tác động của nhiều thuốc thử hoá học phổ biến, nhưng rất dễ cháy. Thông thường sáp dùng sản xuất nến, tạo lớp phủ cho các loại giấy hay vải sáp. Trong vai trò phụ gia thực phẩm, chất tạo độ bóng có số E bằng E905 chính là paraffin cấp thực phẩm, được dùng làm tăng độ bóng cho một số loại kẹo. Sáp paraffin có thể ăn nhưng nó không tiêu hoá được. “Riêng sáp paraffin cấp phi thực phẩm chứa dầu và các tạp chất khác thì có thể gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng con người”, TS. Hiền lưu ý.

Rửa sạch thịt, nấu chín kỹ

TS. Hiền cho biết, nhựa thông hay dầu thông là loại nằm trong danh mục các chất mà bộ Y tế cấm đưa vào khâu chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Dù chỉ sử dụng làm sạch lông gà, vịt, heo… nhưng nhựa thông có thể dính vào thịt, gây độc cho người ăn. “Hiện chưa có nghiên cứu nào về thành phần keo tạo ra từ sự kết hợp giữa nhựa thông và sáp, nhưng thực tế cho thấy hai hoá chất này là độc hại và chỉ được dùng cho công nghiệp. Nếu dung nạp vào cơ thể người qua thực phẩm, về lâu dài sẽ phát sinh bệnh tật, góp phần gây ra các chứng bệnh nan y không rõ nguyên nhân”, TS. Hiền khuyến cáo.

Theo TS. Phan Thế Đồng, nguyên trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, đại học Nông Lâm TP.HCM, bằng mắt thường rất khó phát hiện thịt gia súc, gia cầm có lạm dụng nhựa thông. Cách an toàn nhất vẫn là nên chọn mua ở những cơ sở uy tín, có dấu chứng nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác. Tuyệt đối không tiêu thụ thịt gia cầm, gia súc trôi nổi, không có kiểm soát của cơ quan chức năng về chăn nuôi, giết mổ. “Khi chế biến thức ăn từ thịt gà, vịt, heo… nếu rửa sạch, kỹ, hàm lượng nhựa thông còn sót lại trên thịt cũng sẽ mất đi hoặc còn không đáng kể. Trong quá trình nấu nướng, nấu chín kỹ cũng làm nhựa thông bị phân huỷ do nhiệt độ, giảm đáng kể nguy cơ gây độc hại cho người ăn”, TS. Đồng nói.

Theo Ngọc Hữu – Vi Thoại (Người đô thị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm