Đến đầu tháng Tư âm lịch vào mùa vải chín, bà nội sai tôi ra vườn chọn vài chùm đẹp nhất, bẻ vào dâng cúng ông bà. Việc đã thành lệ hàng năm, bà bảo đó là đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để tưởng nhớ ông tôi, người đã lập ra vườn vải này. Khi tôi lớn lên thì ông nội đã ra người thiên cổ và vườn vải đã thành cổ thụ. Cây nối tiếp cây từng hàng cao vút và thẳng tắp, gốc to người lớn ôm không xuể. Được chăm sóc đúng cách nên tàng lá xum xuê chụm vào nhau làm cho cả khu vườn mát rười rượi.
Thiếu nữ dịu dàng bên hàng cây vải thơm ngọt.
Đợi hoa vải kết trái, bà tôi ước đoán sản lượng rồi thuê thợ tới nhà đốn tre, đan lồng bọc lại số vải non ấy. Có năm được mùa, số lồng đan gần cả ngàn chiếc. Mỗi chiếc lồng hình chóp vuông được đan kín mít, cạnh đáy chừng gang tay người lớn, đựng được chừng trăm trái vải khi chín.
Nhưng cũng có năm bà ước đoán thiếu số lồng cần dùng. Vậy là… màu của những chùm vải nằm ngoài lồng chín đỏ hây hây, nổi bật trên nền xanh mướt của màu cây lá trong vườn, đung đưa theo gió giữa nắng vàng trời chiều mùa hạ. Đứng trong nhà ra nhìn cảnh đẹp đó, bà tôi lại lặng buồn, vì những chùm vải không được lồng hạt to cơm mỏng, tuy rẻ nhưng bán cũng gỡ gạc được ít tiền. Trong khi đó đám chim két, chào mào… từ đẩu từ đâu kéo về dự hội tiệc tranh nhau kêu inh ỏi cả vườn. Đến tối lũ dơi thi nhau “oanh tạc” vườn vải nghe xào xạc suốt đêm. Sáng ra chúng tôi âm thầm xách rổ ra vườn nhặt những hạt vải nằm lăn lóc dưới mặt đất đem giấu cho bà khỏi thấy mà buồn thêm.
***
Mùa vải chín là mùa vui nhất với gia đình chúng tôi nhưng cũng đầy vất vả. Mỗi sáng, tôi và người em họ phải dậy khi trời chưa sáng để bẻ những chùm vải chín còn ướt sương mai (nội tôi bảo như thế vải mới có vị ngọt thanh và bổ). Sáng từng chùm vải chín đỏ hây hây nhìn ưng con mắt, chiều lại thâm sậm như cà muối hở gió. Vì thế những ngày này chúng tôi phải nhanh tay làm mỗi người mỗi việc theo sự sắp đặt của bà. Từng lồng vải chúng tôi bẻ xuống được nội dùng dao cắt bung ra và nhanh tay lặt tỉa những trái sâu, trái đẹt, bó thành từng trăm trái một. Cô tôi chất vải đầy vào đôi thúng, phủ lá chuối lên rồi nhanh chân quảy gánh ra chợ bán đếm trái chứ không cân ký như bây giờ.
Chè trái vải
Nói thiệt là dù ở vườn nhưng chúng tôi chỉ được ăn những trái sâu, trái đẹt. Bù lại, nội bày cho cách chọn những trái vải tuy xiên đầu, vẹo cuốn nhưng hạt nhỏ xíu và cơm dày, ăn thơm ngọt không thua kém những trái bình thường.
Nhưng trẻ con không cưỡng được những thứ nhìn “ngon” con mắt. Một bận, hai anh em chúng tôi leo lên cây, mang theo trong người mỗi đứa một sợi kẽm. Chúng tôi chọn những trái vải to chín đẹp nhất mà xơi thử coi có đúng như lời bà nói là “đẹp con mắt chứ ăn chẳng ngon là bao”. Ai ngờ hương vị những trái vải nằm trong lồng được che mưa nắng quá thơm ngon, ngọt lịm. Rứa là mỗi đứa làm một bụng no nê, vỏ xâu vào sợi kẽm rồi buộc lại trên cây, hạt thì ném vút ra thật xa để nội ở dưới gốc cây không hề hay biết. Ranh mãnh đến rứa mà cuối cùng cũng phải cúi đầu nhận tội với bà.
* * *
Khúc ruột miền Trung quê tôi không năm nào vắng bão lụt. Năm ấy có cơn bão to lắm, sau một đêm mưa mô gió nấy, sáng ra vườn vải của bà tôi xơ xác tan hoang, có cây bật gốc chổng cả rễ lên trời. Nhìn vườn cây của mình, bà rầu rĩ, nói với anh em chúng tôi: “Rứa là tết năm ni không có áo mới và tiền mừng tuổi cho các cháu rồi”. Hai anh em tôi, một đứa là cháu nội, một đứa là cháu ngoại của bà. Cha tôi mất sớm, còn mẹ của em họ tôi không may bị vướng tật nguyền. Cả hai đứa về nương náu bà để được cắp sách đến trường. Những năm ấy bà tôi đã già, không ra đồng làm việc được, chỉ biết loanh quanh chăm chút cây trái trong vườn để độ nhật. Hai đứa tôi cũng buồn lắm nhưng chẳng biết làm gì ngoài chuyện đi học về cứ quanh quẩn bên chân bà đợi sai vặt. Rồi mùa xuân lại về. Cái không khí ngày tết hiện rõ trên khuôn mặt các bạn bè trang lứa. Riêng anh em tôi thì hờ hững với tất cả. Tết đến mà không có manh áo mới, không có tiền mừng tuổi thì háo hức nỗi gì.
Chiều cuối năm ấy, hai anh em tôi buồn thiu. Đang lui hui lau dọn bàn thờ thì bà tôi đi phiên chợ tết cuối cùng về. Miệng nhai miếng trầu bạc thếch, bà kêu chúng tôi lại bảo: “Hai đứa chúng bây ướm thử bộ áo quần này cho bà coi”. Mỗi đứa cầm một bộ áo quần mới trên tay mà quá ngỡ ngàng, không nén được niềm vui, chúng tôi thốt lên: “Ối, bà…!”. Chợt nhìn vào chiếc rổ bà vừa đi chợ tết về, lèo tèo vài miếng thịt nằm gọn trong miếng lá chuối, bên cạnh là cái bọc nhỏ đựng lưng lửng nếp… Đêm trừ tịch năm ấy trời trở rét, bà cháu tôi đón giao thừa không bánh chưng, bánh tét nhưng lòng hai anh em chúng tôi thì lại rộn ấm trong tình thương của bà.
Lại một mùa hoa vải đến, cảnh xưa thì còn mà bà tôi đã ra người thiên cổ.
TRẦN KIÊM HẠ
Huế, ngày 20-11-2013