Cuối năm, áp lực công việc dồn lên vai những công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco) càng nặng. Bình thường, ca làm việc của họ bắt đầu từ 7 giờ tối hôm trước tới 7 giờ sáng hôm sau. Nhưng trong những ngày Tết, yêu cầu đặt ra là làm hết việc chứ không hết giờ. Thế là bỏ quên không khí Tết sau lưng, họ hối hả lao vào công việc với nhiệm vụ thầm lặng nhưng quan trọng: Giữ sạch đường phố trong những ngày trước và sau Tết.
Nhiều nỗi buồn không tên
Chị Huỳnh Thị Tý, Tổ trưởng sản xuất, Đội Vệ sinh quận Tân Phú, tâm sự: “Tôi đã hơn 20 năm theo nghề. Cha mẹ và cả chị của tôi cũng làm ở đây. Tôi luôn phải làm đêm tất cả các ngày trong tuần, bất kể mưa nắng, chịu đựng đủ thứ bụi bẩn, mùi hôi, nguy cơ tai nạn giao thông, bị những người say xỉn chọc ghẹo…”.
Theo chị Tý, chính vì công việc này ẩn chứa quá nhiều nhọc nhằn, vất vả nên những người đến với nghề này đều “do cái nghiệp, cái số”. Cái giá họ phải trả không hề nhỏ, bởi dù có được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động nhưng họ dễ bị mắc các bệnh về da và truyền nhiễm.
“Công nhân vệ sinh môi trường thường chỉ làm những thao tác đơn giản như quét, gom rác, đưa lên xe rác và chở đi đổ. Nhưng hãy nghĩ xem, khi chạy ngang một xe rác, hầu hết ai cũng bịt mũi vì không chịu nổi mùi hôi. Vậy mà chúng tôi phải tiếp xúc hằng ngày, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Nếu không có sức khỏe, không ai theo nổi nghề này” - công nhân Nguyễn Thị Lan nói thêm.
Nhưng đối với các công nhân vệ sinh, điều đáng buồn nhất là nhiều người tỏ thái độ kỳ thị với họ. “Nhiều khi mệt quá, ngồi nghỉ trước hiên nhà một chút thì bị chủ nhà xua đuổi. Chúng tôi đi khỏi, họ lấy vòi nước ra xịt rửa chỗ ngồi…” - chị Vũ Thị Hải rơm rớm kể.
Những công nhân vệ sinh vẫn âm thầm, lặng lẽ hằng đêm làm sạch cho TP. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ước mong giản dị trong năm mới
Khi được hỏi về những mơ ước trong năm mới, các chị đều có chung ý tưởng: Có đủ sức khỏe để theo nghề, thu nhập được cải thiện để có thể lo cho gia đình… Nhưng trên hết, họ ước mong người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung hơn để họ đỡ vất vả trong công việc, cũng như TP sẽ luôn sạch đẹp.
Anh Nguyễn Trí Hùng, công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho hay: Không hiểu sao thùng rác công cộng có sẵn nhưng nhiều người tiện đâu xả đó, thậm chí xả đại xuống kênh. Quét rác trên đường đã cực, vớt rác dưới kênh còn cực hơn. Nhiều khi rác mắc kẹt, dùng vợt kéo không được, anh em phải lội xuống gỡ từng búi rác. Chuyện đạp phải đinh, miểng chai, kim chích… là bình thường mặc dù đã mang ủng và găng tay, khẩu trang. “Mỗi lần bị tai nạn anh em đều được lãnh đạo công ty cho đi chích ngừa, thăm hỏi ân cần. Chúng tôi rất cảm kích về điều đó”.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Citenco, chia sẻ: “Một TP văn minh, sạch đẹp không thể thiếu vai trò thầm lặng của hàng ngàn công nhân vệ sinh đang từng ngày, từng giờ căng sức trên những cung đường. Họ chăm sóc những tuyến đường xanh như chính cuộc sống của họ”.
Khi thực hiện những công việc thầm lặng nhưng hết sức cần thiết đối với TP, những công nhân vệ sinh rất xứng đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người. Họ cần được hưởng chế độ chăm sóc tốt hơn, thu nhập thỏa đáng hơn (hiện chỉ vài triệu đồng/tháng) để có thể gắn bó lâu dài với cái nghề nguy hại, cực nhọc này.
“Trong năm 2017, Citenco sẽ cố gắng hết sức để nâng cao thu nhập cho công nhân vệ sinh. Công ty cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp để chăm lo tốt hơn cho công nhân, từ vật chất tới tinh thần” - ông Nhựt bày tỏ.