Ngày 22-5, một nhóm nhà báo nước ngoài đã đến Triều Tiên chuẩn bị dự và đưa tin về sự kiện nước này đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri, theo hãng tin AP (Mỹ). Nhóm nhà báo này gồm các nhà báo đến từ các nước Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, không có nhà báo Hàn Quốc nào.
Máy bay chở nhóm nhà báo này đến cất cánh từ sân bay Bắc Kinh vào giữa buổi sáng 22-5, điểm đến là sân bay Kalma gần TP Wonsan của Triều Tiên. Nhóm nhà báo nước ngoài sẽ ở tại một khách sạn ở Wonsan, sau đó sẽ di chuyển đến bãi thử Punggye-ri bằng tàu lửa.
Có đến tám nhà báo Hàn Quốc vốn đã sẵn sàng tham gia chuyến đi sang Triều Tiên nhưng phải dừng lại ở Bắc Kinh sau khi phía Triều Tiên từ chối cấp thị thực. Chính phủ Hàn Quốc lấy làm tiếc nhưng cho biết vẫn hy vọng Triều Tiên sẽ phá hủy bãi thử Punggye-ri đúng kế hoạch và chứng tỏ mình thật sự tiến tới giải trừ hạt nhân.
Hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 20-4. Ảnh: DIGITALGLOBE
Sputnik dẫn thông tin từ các nhà tổ chức cho biết theo lịch thì nhóm nhà báo sẽ di chuyển đến địa điểm bãi thử Punggye-ri vào sáng mai 23-5 nếu điều kiện thời tiết cho phép. Lễ đóng cửa bãi thử Punggye-ri sẽ diễn ra bất cứ lúc nào trong vài ngày tới, tùy vào tình hình thời tiết.
Triều Tiên đầu tháng này thông báo sẽ cho phép một số nhà báo nước ngoài đến dự và đưa tin về sự kiện mình đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25-5, chứng nhận nước này giữ lời hứa ngưng mọi vụ thử hạt nhân, tên lửa.
Theo kế hoạch Triều Tiên công bố thì nước này sẽ phá hủy toàn bộ lối vào bãi thử cũng như các tòa nhà liên quan xung quanh - phục vụ nghiên cứu, bảo vệ… Toàn bộ nhà khoa học và nhân viên an ninh sẽ được rút khỏi bãi thử.
Triều Tiên quyết định loại tám nhà báo Hàn Quốc khỏi đoàn nhà báo sang dự lễ đóng cửa bãi thử Punggye-ri, sau khi ngưng tiếp xúc cấp cao với Hàn Quốc vì phản đối cuộc tập trung Thần Sấm đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Vợ chồng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) trong ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm 27-4. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 22-5 truyền thông Triều Tiên một lần nữa chỉ trích cuộc tập trận Thần Sấm.
“Nếu Mỹ và Hàn Quốc khăng khăng với chính sách đối đầu và với các bước đi chiến tranh chống lại Triều Tiên, họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả hậu quả phát sinh. Hành động hiếu chiến không thể đi cùng với đối thoại” - nhật báo Minju Joson viết, rằng cuộc tập trận đi ngược lại tinh thần hòa giải ở bán đảo Triều Tiên.
Cũng vì cuộc tập trận Thần Sấm mà Triều Tiên cảnh cáo có thể hủy cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore. Phần mình, ông Trump vẫn nói sẵn sàng gặp nhưng để mở khả năng cuộc gặp sẽ không xảy ra.
Theo AP, các thông điệp này từ phía Triều Tiên và Mỹ làm càng tăng thêm băn khoăn về khả năng thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng vào cuối ngày 22-5 (giờ Mỹ) bàn về cuộc gặp này.
Quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên được xem là một cử chỉ thiện chí của ông Kim Jong-un nhằm tạo không khí tích cực trước cuộc gặp giữa ông với ông Trump.
Tuy nhiên, theo AP - có một nhà báo trong nhóm nhà báo nước ngoài sang dự lễ đóng cửa bãi thử Punggye-ri - đây đơn thuần chỉ là một cử chỉ, không hơn không kém. Triều Tiên có thể xây dựng một bãi thử hạt nhân khác nếu cảm thấy cần thực hiện thêm chuyện thử hạt nhân, hoặc “đóng cửa” các đường hầm ở bãi thử Punggye-ri theo hướng có thể khôi phục về sau.
Chuyện Triều Tiên chỉ mời các nhà báo - chứ không phải các thanh sát viên hạt nhân quốc tế - đến dự lễ đóng cửa cũng là chuyện cần lưu ý. Quyết định gạt truyền thông Hàn Quốc khỏi sự kiện này cũng là một tín hiệu đáng ngại.