ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẠM VĂN HÒA:

Nhu cầu quản lý các loại thuốc lá là phải làm, cẩn trọng từng bước và cần thiết

Thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới (hay thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử) đang là những sản phẩm thuộc nhóm đứng đầu trong danh sách sản phẩm nhập lậu vào Việt Nam. Hàng năm, ngân sách thất thu do buôn lậu từ sản phẩm thuốc lá ước tính đến 8.500 tỷ đồng.

Hiện đang còn rất nhiều ý kiến thảo luận về việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới… Việc xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới đã được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện trong nhiều năm qua.

Tại Công văn 8750/VPCP tháng 10-2020, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và trình Thủ tướng vào tháng 12 cùng năm.

Cho đến nay, việc quản lý thuốc lá thế hệ mới hiện đang ở giai đoạn chờ ý kiến Chính phủ. Trước đó, các bộ ngành nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc chưa biết phải ứng xử với nhóm sản phẩm này như thế nào vì chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Điều này đã gây khó khăn trong công tác kiểm soát.

Không như thuốc lá điếu, cách thức để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tùy vào quyết định của mỗi quốc gia. Có nước sẽ quản lý các sản phẩm này như thuốc lá, hoặc như hàng tiêu dùng, hoặc đưa vào danh mục các sản phẩm dược, hoặc một số nước không có khung quản lý.

Mỗi quốc gia đưa ra các chính sách khác nhau dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng nhiều khía cạnh như bằng chứng khoa học của sản phẩm giúp giảm tác hại hoặc ít nhất không gây hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường, cơ sở pháp lý, nguồn lực và quy trình cũng như năng lực để theo dõi, giám sát và quản lý sản phẩm. Các yếu tố khác như tỷ lệ sử dụng thuốc lá hiện hành và quy mô thị trường của các sản phẩm thuốc lá mới cũng được đưa vào xem xét.

Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) - đơn vị được Chính phủ giao chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất hướng quản lý thuốc lá thế hệ mới cho biết, hiện Bộ Công thương đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo đó, trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan vào cuối tháng 9-2021, Bộ Công thương đã có báo cáo về việc đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng và đang chờ ý kiến của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Việc xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới phải đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, căn cứ nhu cầu thực tế và phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm giúp công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được triển khai hiệu quả, đảm bảo lợi ích của các chủ thể liên quan và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan”.

Bên cạnh đề xuất thí điểm của Bộ Công thương, cũng có nhiều ý kiến đồng thuận lộ trình hướng tới chính sách phù hợp cho mặt hàng này cần một giai đoạn thí điểm để làm “phép thử đúng” cho các mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, cũng như trong chiến lược của quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung.

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là những sản phẩm công nghệ và khá mới so với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam cũng như đối với các cơ quan quản lý. Sự xuất hiện của sản phẩm thuốc lá “công nghệ” này đang cho thấy, các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chỉ là những sản phẩm hiện tại và trong tương lai với những thay đổi của khoa học thì có thể sẽ còn những sản phẩm thuốc lá mới khác.

Vì vậy, Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, chúng ta cần có cơ chế quản lý không chỉ với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà sẽ còn là những sản phẩm thuốc lá công nghệ mới trong tương lai gần.

Tôi cho rằng để có khung quản lý toàn diện đầy đủ, thí điểm là giai đoạn cẩn trọng cần thiết. Đây là giai đoạn để kiểm chứng toàn diện những vấn đề quan ngại mà các bộ, ngành đề ra, trong đó nhằm cân bằng giữa nhu cầu quản lý hàng hóa và lợi ích sức khỏe cộng đồng. Hay nói cách khác, thí điểm sẽ giúp cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và sở cứ xác đáng để đánh giá tác động kinh tế và xã hội, kể cả đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Ông phân tích thêm, những cơ sở thông tin thực tiễn chính là nền tảng để xây dựng một khung pháp lý phù hợp với Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá cũng như đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm: nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá. Mặt khác, thí điểm cũng chính là kiểm soát không cho các mặt hàng này nằm ngoài vòng pháp luật như suốt thời gian qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách phòng chống tác hại thuốc lá của quốc gia. (theo https://baophapluat.vn/)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm