Nhà không có người giúp việc nên tôi cũng hay vào bếp. Với khả năng nấu ăn của mình, tôi nghĩ việc nhà không khó mấy. Cho đến gần đây, khi vợ ốm phải nghỉ ngơi nhiều ngày tôi mới nhận ra nội trợ không phải việc dễ dàng.
Những hôm vợ ốm, ngày nào cũng phải vào bếp, đưa đón con đi học, rồi chuyện đi chợ, đóng tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà … khiến tôi phát bực, công việc cứ rối tung lên.
Thì ra nội trợ không chỉ là chuyện nấu nướng, giặt giũ mà phải quán xuyến rất nhiều việc không tên khác trong gia đình. Thú thật, tôi không có đủ kỹ năng để thực hiện tốt cái danh sách dài dằng dặc ấy. Ngay cả việc vào bếp nấu ăn mà cánh mày râu như tôi vẫn lấy làm tự đắc thật ra cũng chỉ là múa rìu qua mắt thợ, tùy hứng chứ không thể bền bỉ được.
Có lần tôi đến một vài trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM để tìm người giúp việc nhà nhưng không được. Nhiều trung tâm cho biết nghề giúp việc nhà luôn trong tình trạng “cầu nhiều, cung chẳng bao nhiêu”.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM, trung bình mỗi năm TPHCM cần khoảng 10.000 người giúp việc nhà nhưng thị trường mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Dự báo, nhu cầu cần người giúp việc nhà sẽ còn tăng cao và tình trạng khan hiếm người làm công việc này sẽ còn kéo dài.
Dù đang thiếu nguồn cung trầm trọng nhưng nhiều lớp đào tạo nghề giúp việc nhà ở các trung tâm dạy nghề TPHCM lại thường không có học viên.
Khảo sát của một tờ báo lớn ở TPHCM còn cho thấy đến nay vẫn còn rất nhiều người có suy nghĩ “giúp việc nhà cũng giống như đi ở đợ” nên họ chỉ làm tạm thời.
Khác với suy nghĩ của người giúp việc nhà ở nước ta, nhiều phụ nữ Philippines, Malaysia xem giúp việc nhà là một nghề tốt, lâu dài nên trước khi đi làm họ trang bị kỹ kiến thức và nhiều kỹ năng cần thiết cho nghề này. Vì thế, hiện nay hầu hết người nước ngoài sống ở TPHCM đều thuê người Philippines, Malaysia giúp việc nhà. Tất nhiên, mức lương của họ cũng cao gấp nhiều lần so với người Việt.
Tôi hỏi một người quen lấy chồng ngoại quốc ( hiện đang sống tại quận 2, TPHCM) về sự khác biệt giữa người giúp việc nhà người Philippines và người Việt, chị giải thích: “Người Philippines giống như bà nội trợ còn người Việt chỉ như một người giúp việc nhà. Nôm na là người Philipphines có thể quản lý được việc nhà còn người Việt mình chỉ biết việc nấu ăn, giặt giũ”.
Do không tìm được người giúp việc nhà ưng ý nên bạn tôi - giám đốc một công ty tư nhân cũng phải để vợ nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ. Ở đô thị nước ta, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về những người vợ phải từ bỏ công của mình để ở nhà lo nội trợ.
Tuy nhiên, có một điều chăc chắn là hầu hết những người vợ ở nông thôn lẫn thành thị đều phải đảm đương một mình công việc khó nhọc này. Tôi nghĩ, nếu không được san sẻ bớt trách nhiệm trong việc nội trợ, không nhận được sự thông cảm, hỗ trợ và thấu hiểu từ người đàn ông, phụ nữ chẳng khác nào như người ở đợ trong chính căn nhà của mình.