Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cách phòng tránh

(PLO)- Các bệnh lý ở người cao tuổi có xu hướng ngày càng tăng, thường gặp là các bệnh về huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, thoái hóa khớp...

Mới đây, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM vừa can thiệp cho 2 bệnh nhân là người cao tuổi bị tắc động mạch chủ nặng bằng kỹ thuật mới, ít xâm lấn là phẫu thuật nội mạch.

Tưởng chỉ đau chân...

Bệnh nhân thứ nhất là NVT (60 tuổi) nhập viện vì đau vùng đùi, cẳng bàn chân 2 bên đã 2 năm nay. Bệnh nhân bị đau và tê chân tăng dần cả khi nghỉ ngơi.

Sau khi thăm khám, chụp CT-scan mạch máu chi dưới, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp tắc động mạch chủ bụng và chậu 2 bên.

Bệnh nhân được lên lịch chụp và can thiệp nội mạch bằng phương pháp tái tạo ngã ba chủ chậu bằng stent phủ. Sau can thiệp 6 giờ, bệnh nhân được sinh hoạt bình thường, bớt đau chân.

Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất thăm khám cho người cao tuổi bị tắc động mạch chủ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhân thứ hai là NVB (70 tuổi) nhập viện vì đau và tê vùng mông, đùi 2 bên nhiều tháng nay. Cứ đi khoảng 50 mét là đau chân tăng dần.

Ông T đã đi khám, uống thuốc nhưng không bớt, ngày càng tê nhiều hơn. Ông tiếp tục đi khám và được phát hiện bệnh mạch máu.

Kết quả chụp CT-scan cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng đoạn dưới động mạch thận, kéo dài đến động mạch chậu ngoài 2 bên.

Bệnh nhân được lên lịch chụp và can thiệp nội mạch bằng phương pháp tái tạo ngã ba chủ chậu bằng stent phủ. Sau can thiệp 6 giờ, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, bớt đau chân.

TS.BS Nguyễn Duy Tân, Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Thống Nhất), cho biết bệnh lý tắc động mạch chủ thường gặp ở người cao tuổi trên 60, là bệnh lý nặng, nguy hiểm.

Tắc động mạch chủ dẫn đến thiếu máu. Ban đầu triệu chứng có thể là đau, để lâu sẽ nhiễm độc, nhiễm trùng, hoại tử chi dẫn đến phải cắt chân, tháo khớp háng, thậm chí tử vong do suy cơ quan.

Triệu chứng của bệnh lý mạch máu là đau cơ xương khớp, dễ nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, có khi nhầm với các bệnh nội tiết, tiểu đường. Có trường hợp bị tắc mạch dẫn đến nhiễm trùng ngón chân phải cắt, nhưng chân vẫn không lành vì bị tắc mạch máu, máu không xuống được.

Khi có các dấu hiệu trên, bác sĩ Tân khuyến cáo bệnh nhân nên đi siêu âm để phát hiện sớm các biểu hiện xơ vữa, nghẹt tắc.

Để phòng ngừa bệnh lý tắc động mạch chủ, bác sĩ khuyến cáo cần kiểm soát mỡ trong máu, đường huyết: chế độ ăn uống nhiều rau củ, hạn chế chất béo, nhiều đường, tập thể dục thể thao. Đặc biệt, cần tránh hút thuốc lá.

PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị lão khoa mở rộng lần thứ 8. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh lý về động mạch ngày càng tăng

Trao đổi với PLO bên thềm hội nghị lão khoa mở rộng lần thứ 8, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết hiện các bệnh lý lão khoa ngày càng tăng.

Đầu tiên phải kể đến bệnh lý về tim mạch như huyết áp, xơ vữa động mạch, các bệnh lý về động mạch vành, động mạch não và động mạch ngoại biên. Tiếp đó là ung thư, một gánh nặng cho nền y tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, bệnh lý về chuyển hóa cũng được xem là một gánh nặng lớn, thường gặp ở người cao tuổi. Trong đó có bệnh lý liên quan đến đái tháo đường, thoái hóa khớp.

Thừa cân và béo phì cũng là tình trạng đáng báo động hiện nay ở người cao tuổi. Chính tình trạng này dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, chuyển hóa ngày càng nhiều.

"Với những người thừa cân béo phì, khi mắc các bệnh lý về tim mạch, chuyển hóa hay các bệnh lý về ung thư sẽ gây khó khăn hơn nhiều trong quá trình điều trị, đặc biệt là người cao tuổi" - bác sĩ Quế chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân các bệnh lý không lây nhiễm có khuynh hướng tăng, bác sĩ Quế cho rằng có liên quan đến vấn đề tuổi thọ tăng, bởi khi tuổi thọ tăng thì các bệnh lý sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Cạnh đó, lý do có thể đến từ việc thay đổi lối sống, thiếu vận động, stress... Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng làm ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung.

“Để phòng ngừa các bệnh lý này ở người cao tuổi, cần tăng cường truyền thông về phòng ngừa bệnh tật. Lưu ý việc phát hiện bệnh sớm vì khi không may mắc bệnh sẽ có phương pháp điều trị kịp thời, đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn” - bác sĩ Quế nói.

Chẳng hạn bị xơ vữa động mạch, hẹp động mạch vành và động mạch não, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị nội khoa, thay đổi lối sống, giúp giảm bớt các nguy cơ và biến chứng. Còn phát hiện ở giai đoạn muộn có thể phải can thiệp, phẫu thuật.

Riêng bệnh lý ung thư, việc rà soát để phát hiện sớm là rất quan trọng. Đơn cử ung thư phổi, ung thư gan nếu phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Quế chia sẻ thêm, hiện nay các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh lý không lây nhiễm ở nước ta đã phát triển rất nhiều, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam cấp phép, giúp điều trị hiệu quả hơn các bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt, nước ta đã áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh không lây nhiễm như can thiệp nội mạch, điều trị ít xâm lấn, phẫu thuật với đường mổ nhỏ, phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật bằng robot. Những phương pháp tiên tiến này giúp đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn, chất lượng điều trị cao hơn và thời gian hồi phục cho bệnh nhân được nhanh hơn.

Cấp thiết phát triển mạng lưới điều trị lão khoa

Hiện nước ta chưa có mạng lưới về điều trị lão khoa trên toàn quốc. Ở phía Bắc chỉ có Bệnh viện Lão khoa Trung ương, phía Nam có Bệnh viện Thống Nhất. Tuy nhiên, Bệnh viện Thống Nhất vẫn là bệnh viện đa khoa, chỉ là chuyên sâu về các bệnh lão khoa vì đa số bệnh nhân là người cao tuổi.

Một số bệnh viện đa khoa khác cũng có khoa Lão, nhưng với xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay thì việc phát triển mạng lưới điều trị lão khoa trên toàn quốc là điều cấp thiết.

PGS.TS.BS ĐỖ KIM QUẾ - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới