Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM (BHXH) thì năm 2019 có 19 trường hợp được BHXH TP.HCM chi trả từ 1 tỉ đồng trở lên với tổng số tiền là 45,4 tỉ đồng, trung bình là 2,5 tỉ đồng/trường hợp.
Trường hợp chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) cao nhất là 11,1 tỉ đồng, kế đến là 8 tỉ đồng và 5 tỉ đồng.
Từ số liệu trên cho thấy việc có chiếc thẻ BHYT trong tay luôn là cứu tinh cho tất cả bệnh nhân nghèo không may mắc bệnh mà không có tiền điều trị.
Chi trả tiền tỉ
Tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM) có hai trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng được thanh toán BHYT với số tiền lên đến cả chục tỉ đồng. Một trường hợp là bệnh nhân DV, điều trị căn bệnh máu khó đông với chi phí lên đến gần 10 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bệnh nhân này có tham gia BHYT nên được quỹ chi trả 80%, tương đương 7,9 tỉ đồng. Một trường hợp khác, một bệnh nhân điều trị căn bệnh liên quan đến di truyền hơn 10 năm qua, viện phí lên đến vài chục tỉ đồng. Bệnh nhân này cũng được BHYT thanh toán phần lớn số tiền điều trị.
Theo ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội - BV Chợ Rẫy, gần đây nhất bệnh viện có điều trị cho một bệnh nhân bệnh nặng với chi phí khá lớn là gần 11 tỉ đồng, phần lớn số tiền trên được BHYT chi trả.
“Chính sách BHYT hiện nay cho thấy việc tham gia BHYT là rất cần thiết cho người bệnh.
Phòng công tác xã hội bệnh viện đã tư vấn cho người bệnh việc sử dụng BHYT là bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và gia đình. Tại bệnh viện có một số bệnh nhân điều trị mà chưa có BHYT thì chúng tôi cũng tìm các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân để giúp đỡ mua BHYT cho họ để phần nào giảm gánh nặng chi phí mà họ bỏ ra trong quá trình điều trị.
Ngoài ra, có những trường hợp bệnh viện liên hệ với chính quyền địa phương người bệnh để đề xuất địa phương xem cấp BHYT cho bệnh nhân. Trong năm qua, bệnh viện đã tặng cho các bệnh nhân hàng trăm BHYT.
Chính sách BHYT hiện nay cho thấy việc tham gia BHYT là rất cần thiết cho người bệnh. Ảnh: HOÀNG GIANG
Với những bệnh nhân có bệnh mạn tính, bệnh nhân phải chạy thận… thì việc sử dụng BHYT là rất có lợi, nếu không sẽ lo chi phí rất lớn” - ông Hiển cho biết thêm.
Phát biểu tại buổi sơ kết năm tháng thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn TP.HCM vừa qua, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết nguyên tắc BHYT là có đóng thì có hưởng. Nghĩa là một người khi tham gia BHYT thì sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định.
Một nguyên tắc nữa là những người mắc bệnh nhẹ thì hưởng ít, còn bệnh nặng thì hưởng nhiều, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong chính sách BHYT.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có đề xuất thanh toán BHYT theo gói dịch vụ, đóng BHYT bao nhiêu sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo mức đóng…
Tiết kiệm tiền cho bệnh nhân
Để chia sẻ gánh nặng tài chính cho những trường hợp tham gia BHYT liên tục trong thời gian dài và mắc bệnh phải điều trị tốn kém, BHYT có chính sách cấp giấy miễn đồng chi trả. Nghĩa là bệnh nhân được hưởng 100%, không phải đóng đồng nào.
Cụ thể, với mức hưởng 95%, 80% trên tổng số chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi BHYT thì người bệnh cùng trả ở mức tương ứng là 5%, 20%. Những trường hợp này muốn có giấy miễn đồng chi trả phải đáp ứng đủ ba điều kiện như: Tham gia BHYT từ năm năm liên tục trở lên; số tiền đồng chi trả trong một năm từ sáu tháng lương cơ sở trở lên (hiện nay là 1.490.000 x 6 = 8.940.000 đồng); thực hiện khám chữa bệnh đúng tuyến.
Giấy miễn đồng chi trả có thời hạn có giá trị sử dụng trong năm tài chính (tính từ ngày 1-1).
Hiện BHXH TP.HCM đã cấp giấy miễn đồng chi trả cho hàng ngàn lượt người bệnh.
Thủ tục cấp giấy miễn đồng chi trả Để được cấp giấy miễn đồng chi trả, người bệnh liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để làm thủ tục cấp giấy miễn đồng chi trả. Hồ sơ gồm: CMND, thẻ BHYT ghi nhận quá trình tham gia năm năm liên tục và hóa đơn tài chính phát sinh trong cùng một năm. Nếu người bệnh vẫn đang nằm bệnh viện hoặc chẳng may qua đời trong quá trình điều trị thì người nhà vẫn có thể mang những giấy tờ liên quan đến cơ quan BHXH để làm thủ tục cấp giấy miễn đồng chi trả và thanh toán phần chênh lệch trong năm. Nếu người bệnh có số tiền đồng chi trả trong một năm trên sáu tháng lương cơ sở trở lên sẽ được nhận lại khoản tiền chênh lệch. Khoản này sẽ được tính như sau: Số tiền đồng chi trả - Sáu tháng lương cơ sở = Khoản tiền chênh lệch được lãnh. Sau khi được cấp giấy miễn đồng chi trả thì người bệnh sẽ được hưởng mức BHYT là 100%. |