Hàng loạt các vấn đề về chi trả BHYT đã được các đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh tại phiên chất vấn chiều 14-6.
Lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng các giải pháp Bộ Y tế đang áp dụng để đuổi theo chính sách siết chi của BHYT dường như hướng nền y học nước nhà theo y tế giá rẻ. Cụ thể ở đây là: Thuốc rẻ, vật tư rẻ, tận dụng vật tư, áp trần độ cao... để giảm chi. Việc này đi ngược với chủ trương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tự chủ của cơ sở y tế, liên quan đến y đức.... Thậm chí có ý kiến cho rằng là nguyên nhân gây ra tăng tỉ lệ tử vong trong điều trị, khám chữa bệnh. Những vụ việc nổi cộm gần đây làm cử tri lo ngại.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: BHXH là cơ quan giữ quỹ, bảo đảm không bị phá quỹ thì có mức chi nhất định để hạn chế lạm dụng, chi quá mức quỹ BHYT.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nước ta cũng nằm trong quy luật chung của các nước khác. Hiện nay, quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh và bệnh nhân trong một tam giác co kéo lẫn nhau. Bệnh nhân muốn được hưởng quyền lợi cao nhất mà đóng thì thấp nhất, mệnh giá không cao, khó tham gia.
Bác sĩ, ngành y tế muốn thuốc tốt nhất, máy xét nghiệm hiện đại và chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất. Người khám chữa bệnh bao giờ cũng đưa ra phác đồ điều trị tiên tiến nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết BHXH là cơ quan giữ quỹ, bảo đảm không bị phá quỹ thì có mức chi nhất định để hạn chế lạm dụng, chi quá mức quỹ BHYT. Lúc nào cũng giằng co các yếu tố này trong quản lý BHYT, nếu tam giác này co kéo về hướng nào cũng sẽ xảy ra lạm dụng, trục lợi hoặc lạm dụng kỹ thuật, siết chi… “Vấn đề này rất nóng nên BHXH sẽ có giải pháp cân bằng thu chi, giúp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Còn Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chia sẻ: Luật BHYT mà Quốc hội thông qua năm 2015 là bước tiến rất dài về an sinh xã hội, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ. So sánh giữa quyền lợi được hưởng với mức đóng thì quyền lợi mà người đóng BHYT được hưởng rất cao. Khi luật ra đời, đối tượng nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên và những đối tượng ưu tiên khác được tiếp cận tốt với dịch vụ y tế.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Đối tượng phục vụ quá lớn nên tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT trong giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến.
Bà Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT trong thời gian vừa qua đã làm được khối lượng công việc hết sức lớn. Hiện mỗi năm trung bình khám chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người, độ bao phủ đạt 77 triệu người, chiếm khoảng 83% dân số (theo mục tiêu thì sau năm 2020 mới đạt 80%).
Tuy nhiên, bà Minh cũng nêu thực tế, vì đối tượng phục vụ quá lớn nên tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT trong giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến. “Giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết 100% công suất nhưng có những tỉnh báo lên để thanh toán lên đến 200%-300% công suất, điều đó rất không bình thường” - bà Minh nói.
Tổng quỹ BHYT được phép sử dụng trong năm 2017 chỉ là 73.000 tỉ đồng nhưng theo số liệu BHXH dự báo thì số bội chi quý I-2017 do các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo, năm 2017 sẽ phải chi khoảng 80.000 tỉ đồng, tăng 7.000 tỉ đồng so với dự kiến.
Giám định viên dọa cắt BHYT
Chưa đồng tình với phần giải trình của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đã tranh luận lại.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng mục tiêu của ngành y là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Và chính người dân là chủ của số tiền mà BHXH đang quản lý thay. Nhưng ở đây chỉ thấy tập trung một khía cạnh là tiêu cực trong lạm dụng, trục lợi BHYT. Tiêu cực này có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là khi cơ chế quản lý còn lỏng lẻo.
"Hiện nay BHYT chưa làm tốt việc liên thông các số liệu, cho nên nhiều khi phải làm thủ công, người này không biết người kia làm cái gì. Thế thì ở đây chúng ta phải xem lại trách nhiệm chứ không nên đổ lỗi cho người dân và cho ngành y tế muốn tiêu cực” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan chỉ rõ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Muốn không vỡ quỹ thì phải tăng cường nguồn bảo hiểm ra sao, đa dạng hóa mức thu bảo hiểm thế nào… chứ không phải chỉ nhăm nhăm siết chi.
Liên quan đến nguy cơ vỡ quỹ BHYT, ĐB Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn chỉ rõ đây là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phải thấy ngay từ đầu, vì thu rất ít nhưng muốn chi nhiều thì đến một lúc nào đó cũng sẽ vỡ quỹ.
“Muốn không vỡ quỹ thì phải tăng cường nguồn bảo hiểm ra sao, đa dạng hóa mức thu bảo hiểm thế nào… chứ không phải chỉ nhăm nhăm siết chi. Đặc biệt trong siết chi này, anh em ở bệnh viện rất bức xúc vì siết chi bằng gọi điện thoại, gửi email… thì cũng tiềm ẩn những yếu tố về tiêu cực, không kém gì những người có thể trục lợi quỹ BHYT. Thực tế các bác sĩ, dược sĩ ở bệnh viện cũng rất khó khăn trong việc tập trung vào chuyên môn và phải xem xét để xem thuốc đó, kỹ thuật đó có nằm trong danh mục chi hay không, có bị xuất toán hay không?” - bà Lan nêu thực tế.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu phản ánh thực trạng giám định viên không phải là bác sĩ, không có kiến thức, về y sĩ xuống giám định BHYT và thích cắt ai thì cắt, cắt cật lực. Bác sĩ bức xúc, bệnh nhân thiệt thòi, chủ y tế ấm ức thực hiện, nếu không thực hiện dọa cắt BHYT.
Cho nên theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, cử tri yêu cầu Bộ Y tế cùng với BHXH cần ban hành bộ công cụ chuẩn quốc gia để công khai hóa toàn bộ công đoạn này, chứ không thể thực hiện chi cho giám định viên BHYT như thời gian vừa qua.
Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng giữa BHXH và Bộ Y tế còn bối rối, BHXH muốn giữ tiền cho chắc theo đúng quy định, ngành y tế muốn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt nhất - điều này rất vui mừng. Nhưng vừa qua, do vừa thực hiện thông tuyến vừa thực hiện một số chính sách thì khả năng mất cân bằng quỹ BHYT là hiện hữu.
ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị BHXH và ngành y tế phải ngồi với nhau, rà soát một số văn bản còn chồng chéo dẫn đến vướng mắc khi thanh toán cho bệnh viện và BHYT ở tuyến dưới.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế đứng về phía người bệnh và các bác sĩ. Thực tế, người bệnh muốn hưởng lợi cao nhưng BHXH thì hạn chế.
“Trước phiên chất vấn này, chúng tôi đã họp rất nhiều với các giám đốc sở và cán bộ y tế, quán triệt quan điểm dứt khoát trục lợi, lạm dụng là xử lý nghiêm. Đồng thời thực hiện phác đồ chẩn đoán, điều trị tránh lạm dụng các xét nghiệm. Tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý theo quy định của nghị định xử lý hành chính. Phối hợp với BHXH hệ thống công nghệ thông tin cấp cơ sở khám chữa bệnh với bộ phận giám định của BHXH” - bà Tiến nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu BHXH sẽ trả lời các ý kiến trên của ĐB Quốc hội bằng văn bản.