Tôi đã hơn một phen “chết đứng” như thế. Lần thứ nhất, khi con trai học lớp 8. Trưa đi học về, cu cậu bưng chén cơm lên rồi đặt xuống, thở dài… Những câu hỏi con bệnh à, cơm không ngon sao?... đều nhận được cái lắc đầu nặng nhọc. Vậy thì vì lý do gì mà một “chiến binh” luôn xung phong “dẹp hết lũ giặc sườn ram, rau trộn, cá kho, canh bầu giúp mẹ” lại ủ dột?
“Nó bỏ con rồi mẹ ơi!”. À… bây giờ ốc đã chịu mở miệng. “Nó” là cô bé học chung từ lớp 6, tóc xoăn như uốn kẽm, là “đại bàng” trong lớp nhưng chơi rất thân với con tôi. Tội thằng bé, là con trai nhưng khá nhút nhát và tướng tá cũng thấp bé hơn bạn bè, dễ bị ăn hiếp, nên cô bé “đại bàng” ấy bảo: “Ai muốn ăn hiếp thằng An thì phải bước qua xác tao”. Vậy là với con trai tôi, cô bạn dữ dằn như thế hóa ra là thần tượng.
Sáng hôm ấy, trong lúc dung dăng dung dẻ ra căng tin, con tôi bảo cô bạn: “Bạn đừng bỏ tui nghen!”. Ý cu cậu là "bạn và tôi hãy chơi chung với nhau hoài đừng giữa chừng nghỉ chơi như bao bạn bè khác". Nhưng chẳng hiểu cô bé ấy hiểu gì mà liếc “bằng nửa con mắt”: “Chuyện đó sau lớp 12 hãy tính”. Vậy là bữa ăn không thèm ngồi chung bàn, vô lớp suốt buổi không nói với nhau lời nào. Cu cậu về nhà buồn bã bỏ cơm và kết luận như trên.
Lần thứ hai là gần cuối học kỳ I năm nay. Cô bé “đại bàng” năm trước đã chuyển sang lớp khác. Lớp cũ thì có một cô bé “hiền như ma-xơ” chuyển đến. Nếu nhiều môn khác cô bạn này học khá thì môn văn lại kém nhất. Mà con trai tôi lại là “trùm” môn này. Vậy là cô giáo nhờ cu cậu hướng dẫn để thành “đôi bạn cùng tiến”. Qua bốn tháng học, “tình yêu” đã nảy sinh tự bao giờ.
Tôi không ngần ngại kể cho con nghe về “mối tình đầu” của mình. Người ấy là một anh hàng xóm của mẹ. Chú đó bây giờ làm nghề bơm ga, vá ép đầu đường mà có lần mẹ đến vá xe. Con ạ, nếu mối tình đầu nào cũng suôn sẻ, cũng nên vợ nên chồng thì bây giờ con không phải là con của ba mẹ để lướt web nhoay nhoáy, biết quả đất này có mấy châu lục, biết dân tộc ta có mấy ngàn năm lịch sử…
Con băn khoăn ngồi lặng im đến mươi phút rồi vớt vát: “Vậy… hồi đó mẹ với chú có nắm tay nhau không? Cảm giác ra sao?”. “Có. Một lần và run sắp xỉu vì sợ bà ngoại con bắt gặp. Sau đó vì công việc làm ăn, ông bà ngoại chuyển nhà sang ấp khác”. Con gật gù ra bộ hiểu chuyện rồi ấp úng. “Con cũng run y như vậy”. Thế là tôi lại trở thành nhà tâm lý khi con “tung chưởng” gần chục câu hỏi như “Làm sao để tinh trùng gặp trứng và bị có em bé?”. “Khi yêu là người ta không hôn nhau bằng mũi như mình hôn em bé phải không?”. “Trong trắng là gì hả mẹ? Có phải chỉ mình con gái là có trong trắng, còn con trai thì không?”…
Toàn những câu hỏi “mất hồn” ! Thú thật là đầu tôi căng khi trò chuyện về giới tính với con. Nhưng thật sự tôi nghĩ, thà cố gắng chia sẻ khéo léo với con còn hơn cứ để mặc chúng tự bơi trong gập ghềnh khúc khuỷu của tình cảm tuổi mới lớn rồi sinh ra những điều đáng tiếc.
Theo Kim Cúc (PNO)