Những chiến sĩ bốn ngày đêm tại vùng dịch chưa về nhà

Toàn bộ chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại thôn này dường như đã bốn ngày đêm không về nhà. Cho dù, có những chiến sĩ nhà chỉ cách vài kilomet. 

"Mẹ yên tâm, con ở đây tốt lắm"

Các chiến sĩ cùng với chính quyền địa phương làm công tác chốt chặn, bảo đảm an ninh, an toàn địa bàn. Trước khi thực hiện cách ly, các chiến sĩ còn đến tận nhà để trò chuyện, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về tình hình dịch bệnh hiện nay.

Nhờ đó mà người dân trong khu dân cư không còn tâm lý bất an, lo lắng hay tích trữ lương thực, nhất là khi quyết định cách ly được thực hiện.

Thượng tá Phạm Đức Bảo, Trưởng Công an huyện Thuận Nam, cùng lãnh đạo huyện Thuận Nam chỉ huy hiện trường cách ly thôn Văn Lâm 3 phòng, chống dịch COVID-19.

Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Vũ Văn Hoài - Phó Trưởng Công an huyện Thuận Nam, nói: "Ngay khi có thông tin về một người dân ở Văn Lâm 3 sau khi đi Malaysia về đã dương tính với virus SARS-CoV-2, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, lãnh đạo Công an huyện đã triển khai kế hoạch cho toàn thể lực lượng công an trên địa bàn chủ động khoanh vùng, rà soát tất cả đối tượng có liên quan đến bệnh nhân đã có kết quả dương tính với COVID-19”.

Cũng theo Trung tá Hoài, để có được danh sách kết quả rà soát một cách nhanh chóng, hỗ trợ cơ quan y tế đưa ra phương án ngăn chặn dịch bùng phát có hiệu quả là cả một quá trình nỗ lực, hiểm nguy rình rập đối với từng cán bộ chiến sĩ của lực lượng công an huyện.

Thêm nữa, đây là lần đầu lực lượng vũ trang tham gia vào việc liên quan tới y tế nên gặp nhiều khó khăn từ thiết bị bảo hộ (khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt…) tới kinh nghiêm phòng, chống.

“Sau khi chính quyền tổ chức cách ly địa bàn thôn Văn Lâm 3, lãnh đạo công an huyện đã lựa chọn phân công các cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe, có năng lực, kinh nghiệm trong công tác dân vận để đảm nhiệm chốt chặn 24/24 ở bốn chốt cách ly. Đồng thời phối hợp cùng các lực lượng địa phương tuần tra, kiểm soát các điểm đã rào chắn, để hạn chế đến mức thấp nhất người dân ra vào khu vực cách ly" - Trung tá Hoài một lần nữa nhấn mạnh.

Trung tá Vũ Văn Hoài - Phó Trưởng Công an huyện Thuận Nam chia sẻ thông tin về khó khăn của lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Trung tá Hoài cho biết bản thân ông và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nhiều ngày không về nhà. “Vợ tôi cũng là công an nên cô ấy hiểu chúng tôi đang làm gì” - vị trung tá này nói thêm.

Tại khu vực dã chiến, có những chiến sĩ mồ hôi còn nhễ nhại, những tiếng vui đùa giải trí khi vừa tan ca trực. Ở phía hành lang có một chiến sĩ đang mở điện thoại gọi về nhà, nghe loáng thoáng câu: "Mẹ yên tâm, con ở đây tốt lắm, không sao đâu ạ...".

Một thiếu úy công an đang làm nhiệm vụ tâm sự: “Nghe xã (Ủy ban xã Phước Nam) nói bà con bên trong sống tốt, có nhà hảo tâm đến hỗ trợ ăn uống, nhu yếu phẩm là tôi vui rồi, không có cảm giác mệt hay nắng nóng nữa”.

Trưởng công an huyện bốn ngày chưa về nhà

Không chỉ phối hợp tốt với chính quyền địa phương, Công an huyện Thuận Nam đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Lãnh đạo Công an huyện thường xuyên có mặt tại địa bàn động viên, khích lệ tinh thần, nhất là đối với các bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, để các anh phát huy hết tinh thần phục vụ của người chiến sĩ CAND trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

PV cũng đã ghi nhận hình ảnh ngay từ ngày đầu triển khai cách ly, đêm tối hay giữa trời nắng chang chang, lãnh đạo và các chiến sĩ Công an huyện Thuận Nam cùng xắn tay khiêng lưới rào chắn các chốt, tổ chức nơi ăn ở dã chiến tại chỗ cho 16 cán bộ, chiến sĩ. Các anh cũng tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực dã chiến và các chốt cách ly.

Lực lượng công an huyện chốt chặn tại các hẻm ra vào thôn Văn Lâm 3.

Thượng tá Phạm Đức Bảo - Trưởng Công an huyện Thuận Nam gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm tâm sự: “Tôi cũng như cán bộ chiến sĩ, bốn ngày nay (tính cả ngày khảo sát cách ly) gần như ăn ngủ tại đơn vị".

“Một phần là do nhiệm vụ, mặc dù cán bộ, chiến sĩ đã được hướng dẫn đeo khẩu trang, vệ sinh diệt khuẩn nhưng vẫn cứ lo mình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với người dân, vì không biết trong những người dân có ai bị nhiễm bệnh hay không, bởi thế nên có nhớ nhà thì cũng phải chịu" - Thượng tá Bảo nói.

Cũng theo Thượng tá Bảo, ngoài việc không dám về nhà với vợ con, ông cùng với tập thể lãnh đạo công an huyện và các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại thôn Văn Lâm 3 cũng hạn chế tiếp xúc với người dân ngoài vùng dịch để bảo đảm an toàn cho người dân. Ông hi vọng trong quá trình công tác thực hiện nhiệm vụ công an nhân dân tại nơi khác người dân hiểu và thông cảm.

Trên thực tế đã có chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, tiếp xúc gần với người bị nhiễm là không thể tránh khỏi, như trường hợp ở quận 2, TP.HCM, ba cán bộ, chiến sĩ phải cách ly. Từ đó, có thể cảm nhận thêm sự nguy hiểm, hy sinh và gian khổ của lực lượng chiến sĩ CAND.

Họ đang góp phần giữ cho cuộc sống nhân dân luôn được bình an.

Tâm sự người có con làm công an

Tôi cũng có con đang là sĩ quan CAND, cháu cũng thường xuyên công tác xa nhà, những ngày lễ tết, ngày nghỉ ở nhà ít hơn ở đơn vị. Con dâu có lần tâm sự: "Bữa rồi thằng cu bệnh khóc cả đêm, anh ấy gọi về hỏi thăm mà con phải nói dối là con bớt bệnh và ngủ rồi".

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới