Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 7 (phần 1)

Thay đổi cơ cấu tổ chức Thanh tra tư pháp

Từ ngày 20/07, ngoài hai cơ quan thanh tra Nhà nước là Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp, Thanh tra ngành tư pháp còn được tổ chức thêm 2 cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Trong đó, Thanh tra Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra Sở Tư pháp giúp Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 4 Điều 67 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013.

Đây là nội dung quy định tại Nghị định 54/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành tư pháp do Chính phủ ban hành ngày 29/05.

Nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí

Những đối tượng không phải đóng học phí bao gồm: học sinh tiểu học trường công lập; học sinh, sinh viên ngành sư phạm và người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

Những đối tượng được miễn học phí bao gồm: người có công và thân nhân của người có công với cách mạng; anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh; con của người hoạt động cách mạng; trẻ mồ côi; người tàn tật, khuyết tật thuộc hộ cận nghèo; trẻ bị bỏ rơi; trẻ thuộc hộ nghèo; con của hạ sĩ quan, binh sĩ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân… Ngoài ra, thông tư cũng quy định các đối tượng được giảm 50 đến 70% học phí và các đối tượng khác được hỗ trợ chi phí học tập. quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7.

Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập quy định như trên.

Phải hạ giá tài sản bảo đảm nếu không bán được

Đối với tài sản bảo đảm được bán không qua đấu giá và giá bán không theo định giá của tổ chức thẩm định giá, trong vòng 15 ngày, kể từ ngày không bán được tài sản, bên nhận bảo đảm được quyền hạ bán tài sản. Việc hạ giá bán này được thực hiện liên tục 3 lần, mỗi lần không quá 10% giá đã định và phải cách nhau ít nhất 30 ngày đối với bất động sản và 15 ngày đối với động sản... Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN của liên bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm quy định như trên.

Thông tư cũng quy định: người xử lý tài sản bảo đảm có thể gửi trực tiếp (hoặc qua đường bưu điện) thông báo về việc thu giữ tài sản đến UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản. Thông báo phải được lập bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do xử lý, thời gian, địa điểm xử lý, kế hoạch thu giữ và tài sản dự định thu giữ và phải được gửi trước thời điểm thu giữ tài sản bảo đảm ít nhất 7 ngày làm việc.

Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/07.

Quy định các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do UBND tỉnh quy định hoặc khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm 03 năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép sẽ phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/05/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

Ngoài ra, các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất còn bao gồm: Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra và khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu; khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra và khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn lợ; khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra hoặc khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn 1 km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác và khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực nêu trên và có chiều sâu lớn hơn 20 m cũng phải thực hiện đăng ký khai thác nước dưới đất từ ngày 15/07/2014. Trường hợp đã đăng ký khai thác nước dưới đất, nếu không tiếp tục khai thác, sử dụng, tổ chức, cá nhân phải thông báo và trả tờ khai cho cơ quan đăng ký hoặc tổ trưởng dân phố để báo cho cơ quan đăng ký và thực hiện việc trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định của pháp luật. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/07.

Tiêu chí công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em

Theo Quyết định 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/05 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, từ ngày 15/07/2014, việc đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được thực hiện được thực hiện 1 lần/năm vào tháng 11 hàng năm, thông qua các tiêu chí như: Mức độ chỉ đạo, điều hành, của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tỷ lệ trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lang thang kiếm sống, làm việc xa gia đình; tỷ suất trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bắt cóc và tỷ lệ trẻ em được khám sức khỏe tổng quát ít nhất 01 lần trong năm...

Các xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn nếu đạt từ 650 điểm trở lên sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; đối với các địa phương còn lại điểm đạt công nhận là 850 điểm và 750 điểm. Đặc biệt, việc đánh giá xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em phải bảo đảm dân chủ, công bằng và công khai. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/07.

Hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài

Hàng hóa của người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh sẽ được hoàn thuế GTGT nếu không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; không thuộc đối tượng cấm đưa lên tàu bay; không thuộc các mặt hàng được hoàn thuế GTGT của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; được mua tại Việt Nam, có hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được lập trong 60 ngày tính đến ngày người nước ngoài xuất cảnh; trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế mua tại 1 cửa hàng trong 1 ngày tối thiểu là 2 triệu đồng trở lên.

Người nước ngoài được hoàn thuế GTGT khi mang theo hàng hóa xuất cảnh

Số tiền thuế GTGT mà người nước ngoài được hoàn là 85%/tổng số tiền thuế của số hàng hóa đủ điều kiện được hoàn thuế do người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu hoàn thuế; 15% còn lại là phí dịch vụ hoàn thuế mà ngân hàng thương mại được hưởng. Người nước ngoài được hoàn thuế ngay trước giờ lên tàu bay của chuyến bay người nước ngoài xuất cảnh.

Thông tư 72/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh, có hiệu lực từ ngày 1/07.

Còn tiếp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều