Trong tháng 6, khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc giảm 50% so với tháng trước. Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng vụ Thống kê tổng hợp- Tổng cục thống kê, cho biết tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm vào sáng 27 - 6.
Theo bà Vân, trong tháng 6, Việt Nam đón khoảng 539.000 lượt khách quốc tế, giảm 19,9% so với tháng trước. Trong đó giảm nhiều nhất là khách đến với mục đích du lịch thuần túy, giảm 21,2%. Đáng chú ý là số khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 44,7%.
Tuy nhiên tính cả 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam gần 4,3 triệu lượt, tăng 21,1% so với cùng kì năm ngoái.
Ngoài ra, bà Vân cũng cho biết hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kì năm trước. Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2%. Trong khi đó, nhập khẩu từ các nước ASEAN chỉ đạt 11,2 tỷ USD, Hàn Quốc 10,4 tỷ USD, Nhật 5,6 tỉ USD, EU 4,5 tỷ USD, Mỹ 3,2 tỉ USD.
“Phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là máy móc trang bị và nguyên vật liệu, chiếm khoảng 40 – 43%. Trong đó riêng các mặt hàng điện thoại, điện tử, linh kiện chiếm đến 70%. Một con số rất lớn”, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ phó Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, cho biết.
Trước đó, ngày 26 – 6, tại hội thảo Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp do bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, PGS Phạm Lợi trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, Việt Nam đang lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu cung ứng từ Trung Quốc từ 30 – 50%. Nếu chuyển nguồn cung ứng này sang các nước khác (không phải là Trung Quốc) thì chi phí sẽ đội lên khoảng 8% – 10%. Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay muốn chuyển nguồn cung ứng nguyên liệu sang các nước ASEAN có những mặt hàng phải đội giá thêm 15%.
T.HẰNG