“Chúng ta muốn hòa bình hữu nghị để xây dựng đất nước nhưng hòa bình không phải là lệ thuộc vào nước khác, van xin nước khác” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp tục khẳng định như thế tại buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM với các ủy viên Ủy ban MTTQVN TP.HCM sáng 26-6.
Ta luôn đấu tranh bền bỉ, kiên nhẫn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi bà con cử tri quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
Tại buổi làm việc này, trước các băn khoăn về việc vì sao QH trong kỳ họp thứ 7 vừa qua không ra tuyên bố hoặc nghị quyết về vấn đề biển Đông, Chủ tịch nước nói: “Ra nghị quyết là chuyện cần hết sức thận trọng, trên cơ sở bảo vệ, không phương hại đến quốc gia của mình, tôn trọng, bình đẳng với quốc gia khác”.
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam đang ứng xử một cách phù hợp những gì Việt Nam đã ký kết, không đi ngược lại với xu hướng ứng xử văn minh của thế giới. “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Việt Nam đặt bút ký nêu rõ rằng “các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực…” nên chúng ta hành động ngược lại thì chướng lắm” - Chủ tịch nước nói.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tái khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ đi theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa… “Cũng có người này người kia nói Việt Nam phụ thuộc nhưng tôi phải khẳng định rằng ta không phụ thuộc ai cả!” - Chủ tịch nước cho hay.
Nói về mối quan hệ Việt - Trung, Chủ tịch nước nhìn nhận dù quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những thăng trầm nhưng chúng ta đều mong muốn duy trì lâu dài quan hệ láng giềng hữu nghị, hữu hảo. Đó là đường lối nhất quán, không thay đổi. “Ta luôn đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Kể cả thời gian qua tình hình biển Đông có nhiều căng thẳng ta cũng đã và đang làm như vậy, rất kiên trì, bền bỉ” - Chủ tịch nước nói.
Việt Nam rất quan tâm đến giải pháp pháp lý
Chủ tịch nước cũng nhìn nhận cuộc đấu tranh trên biển là đại sự nên sẽ tốn nhiều công sức và hành xử theo nhiều cách, trong đó có cả vận dụng luật pháp quốc tế.
“Chúng ta xác định chủ quyền ở biển Đông có quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo thuộc chủ quyền của ta. Ta có chứng cứ về pháp lý, lịch sử. Trung Quốc cũng nói đây là lãnh thổ của họ nhưng họ đâu có tọa độ, kinh độ để chứng minh mà chỉ có những tuyên bố, những tư liệu và họ tự cho rằng mình đúng” - Chủ tịch nước nói và cho hay. “Ta không đồng ý và quốc tế cũng không thừa nhận. Biển của ta thì tất nhiên là ta phải giữ chứ”.
Về dư luận, truyền thông quốc tế, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam không hung hăng mà chỉ nói sự thật cho nhân dân thế giới và cả nhân dân Trung Quốc. Còn “Về mặt pháp lý, trên thế giới không có nước nào không lưu tâm đến vấn đề pháp lý cả, Việt Nam cũng không ngoại trừ” - Chủ tịch nước đề cập.
Về dự báo tình hình trong thời gian tiếp theo, Chủ tịch nước nhìn nhận có lẽ sẽ gay gắt, phức tạp hơn hiện nay. Chỉ khi nào họ tuyên bố từ bỏ đường lưỡi bò thì mới yên. Vì thế, “ta phải hết sức kiên trì, bền bỉ mới bảo vệ được an ninh quốc gia. Sức mạnh vô địch của dân tộc ta chính là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là truyền thống hàng ngàn năm để ta tồn tại và phát triển. Đội quân để tạo nên sức mạnh ấy không bao giờ dừng lại, người trước ngã người sau sẽ tiến lên” - Chủ tịch nước nói.
Phải thực túc thì binh mới cường Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh rằng thực có túc thì binh mới cường. Tức phải mạnh mới tự đứng được. Vì thế ta phải có nền kinh tế độc lập, hùng mạnh. “Độc lập tự chủ mới đứng vững được trước những khó khăn, biến cố. Muốn được như vậy mỗi người dân cố gắng sản xuất, cơ quan hành chính làm việc nghiêm túc, doanh nghiệp hăng say sản xuất” - Chủ tịch nước yêu cầu. Theo Chủ tịch nước, ta phát triển để ta vun đắp, xây dựng đất nước chứ ta không bao giờ đi xâm chiếm ai. “Nếu ta hùng mạnh, tiếng nói của ta sẽ có sức nặng hơn. Còn khi ốm yếu quá, tiếng nói cũng trở nên yếu ớt. Do vậy, ta phải phát triển kinh tế thật mạnh để thực túc rồi từ đó binh cường. Có như thế mới có sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch nước kêu gọi. *** Cử tri nói Cần phải có giải pháp quyết liệt hơn Trong kỳ họp vừa qua, QH đã dành khá nhiều thời gian bàn đến vấn đề biển Đông. Trong khi trên biển, Trung Quốc ngày càng lấn tới, ngoài giàn khoan phi pháp Hải Dương 981, họ còn làm đang xây dựng đường bay ở đảo Gạc Ma (chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1988)… thì việc QH ra nghị quyết về biển Đông là điều cần thiết. Đồng thời, tôi cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần phải có những giải pháp cứng rắn, quyết liệt hơn nữa về vấn đề này. Nhìn sâu vào mới thấy tất cả hoạt động vừa qua trên biển Đông của Trung Quốc đều đã có sự tính toán kỹ lưỡng từ trước. Do đó Đảng, Nhà nước cũng cần có sự chủ động hơn, lường trước được mọi tình huống để ta không bị bất ngờ. Cử tri Nguyễn Xuân Đáng (phường Tân Định, quận 1) Đã đến lúc phải dùng tới biện pháp pháp lý Trong việc ứng xử với Trung Quốc trên biển Đông, hầu hết người dân vẫn luôn đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước với phương án giải quyết tình hình theo hướng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy vậy, nhiều lúc chúng tôi thấy chúng ta nín nhịn nhiều quá. Có lẽ đã đến lúc chúng ta sử dụng biện pháp pháp lý bằng cách kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Nếu đơn thuần chỉ đấu tranh như hiện nay với một Trung Quốc ngày càng hung hãn thì khó có được kết quả như mong đợi. Cử tri Nguyễn Đăng Cường (phường Tân Định, quận 1) Nghĩa tình đầy đủ nhưng đúng sai phải rõ ràng Những biện pháp đấu tranh của ta đã đủ chưa. Trung Quốc liên tục đưa giàn khoan ra biển Đông, tại sao mình chưa đưa ra tòa. Bác Hồ từng nói “đối với Trung Quốc thì nghĩa tình đầy đủ nhưng đúng sai phải rõ ràng”, chẳng lẽ cứ để hoài vậy sao? Ông Trần Thiện Tứ (Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM) |
THU HƯƠNG - HOÀNG LAN