Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 7 (phần 2)

Giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác

Theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP, từ ngày 15/7, các khu vực biển nhất định sẽ được giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng. Quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển với thời hạn tối đa 30 năm.

Thời hạn giao khu vực biển có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm và chỉ được xem xét khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải nộp tiền sử dụng. Tiền sử dụng khu vực biển được xác đinh căn cứ vào diện tích khu vực biển được phép sử dụng, thời hạn sử dụng khu vực biển và loại tài nguyên biển được phép khai thác, sử dụng.

Khi khai thác, sử dụng tài nguyên biển nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng khu vực biển gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; thực hiện khai thác, sử dụng tài nguyên biển khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cấp có thẩm quyền giao khu vực biển; sử dụng khu vực biển không đúng mục đích; lấn, chiếm biển; hủy hoại môi trường biển…

Phải lấy ý kiến người lao động để xây dựng chính sách về lao động

Các nội dung cần lấy ý kiến gồm: chính sách, pháp luật về lao động liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; các biện pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động và báo cáo thực hiện các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế đã được nước Việt Nam phê chuẩn. Đây là nội dung tại Nghị định 53/2014/NĐ-CP quy định việc cơ quan quản lý nhà nước lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động.

Theo đó, việc lấy ý kiến trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, quan hệ lao động phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động. Việc lấy ý kiến được thực hiện qua các hình thức lấy ý kiến bằng văn bản; thông qua ban soạn thảo mà đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia; thông qua các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn, hội nghị tham vấn. Quy định có hiệu lực từ ngày 15-7.

Điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội

Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là: người có công với cách mạng, cán bộ, công viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; người thuộc diện hộ gia đình nghèo và người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa tại các khu vực đô thị...

Điều kiện được mua, thuê là phải thuộc diện có khó khăn về nhà ở và đáp ứng những điều kiện nhất định về cư trú như:

Đối tượng có khó khăn về nhà ở là phải chưa có nhà ở và đang phải ở nhờ, thuê, mượn nhà ở của người khác hoặc có nhà ở nhưng đã bị Nhà nước thu hồi đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và không được bồi thường bằng nhà ở, đất khác; chưa được Nhà nước giao đất ở; chưa được thuê, mua, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hay nhà ở xã hội tại các dự án khác hoặc chưa được tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa.

Trường hợp người nộp đơn đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình, thì nhà ở (nhà ở riêng lẻ hay căn hộ chung cư) phải có diện tích bình quân của hộ gia đình dưới 08 m2 sàn/người hoặc nhà bị hư hỏng khung - tường, mái và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng (đối với nhà ở riêng lẻ).

Về điều kiện cư trú, đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng. Trường hợp không có hộ khẩu thường trú, người có nhu cầu mua nhà ở phải có đăng ký tạm trú, có hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội.

Riêng đối với trường hợp thuê mua nhà ở xã hội, ngoài các điều kiện nêu trên, còn phải nộp lần đầu số tiền bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua, số tiền còn lại được thanh toán theo thỏa thuận với bên cho thuê mua với thời hạn tối thiểu là 05 năm kể từ thời điểm bên cho thuê mua bàn giao nhà ở cho bên thuê mua. Thông tư 08/2014/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định, có hiệu lực thi hành từ ngày 8/07.

Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình

Từ ngày 15/7, cá nhân muốn hành nghề bác sĩ gia đình phải có ít nhất: bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa; Giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành y học có thời gian tối thiểu 03 tháng và văn bản xác nhận quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh có thời gian 18 tháng theo quy định của pháp luật (đối với người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề trước ngày 1/1/2016). Thông tư 16/2014/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình quy định.

Về phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập, phải đáp ứng các điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, thuốc và trang thiết bị y tế, nhân sự và phạm vi hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, phòng khám phải có nơi đón tiếp người bệnh; có buồng khám bệnh, tư vấn sức khỏe diện tích ít nhất là 10 m2, cố định và tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình; người chịu trách nhiệm chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình và có thời gian thực hành khám, chữa bệnh ít nhất 36 tháng, trong đó có đủ 24 tháng khám, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình...

Hướng dẫn nộp phí quản lý công ty đại chúng chưa đăng ký giao dịch

Từ ngày 1/7, tổ chức được chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng phải nộp phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch với mức phí là 10 triệu đồng/12 tháng x thời gian tính phí (tháng). Thời gian nộp phí được tính từ ngày 01/12 đến ngày 31/12 hàng năm. Đây là nội dung quy định tại Thông tư 67/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực Chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Toàn bộ tiền phí thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Lệ phí cấp Giấy phép thành lập VPĐD của DN quảng cáo nước ngoài

Theo Thông tư số 66/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/05/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7, lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam sẽ là 3 triệu đồng/giấy phép trong trường hợp cấp mới và 1,5 triệu đồng/giấy phép trong trường hợp cấp lại, sửa đổi, bổ sung. Lệ phí được thu bằng Đồng Việt Nam.

Trả trước 95% khi mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư

Từ ngày 9/7, bên mua nhà ở thương mại là Chủ đầu tư trực tiếp mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư đều phải có trách nhiệm trả số tiền bằng 95% giá trị hợp đồng cho Bên bán nhà trước khi nhận bàn giao nhà ở; trả 5% giá trị hợp đồng còn lại sau khi hộ gia đình, cá nhân tái định cư được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bên bán nhà có trách nhiệm bảo hành các căn hộ chung cư thương mại, các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất ở tái định cư (nếu có); mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để gửi 2% kinh phí bảo trì và bàn giao tài khoản kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư khi Ban quản trị được bầu để quản lý kinh phí bảo trì. Đồng thời, bên bán nhà có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan chức năng của địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho từng hộ gia đình, cá nhân tái định cư. Thông tư 07/2014/TT-BXD quy định.

10 trường hợp đăng ký biến động được cấp sổ đỏ

Đó là các trường hợp: Hợp thửa, tách thửa; chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất; người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một phần diện tích đất, tài sản gắn liền với đất trên GCN đã cấp cho đất đã tách thửa hoặc hợp nhất; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, vợ và chồng hoặc của nhóm người cùng sở hữu, sử dụng; chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp GCN và thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính... Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7.

Trường hợp người được cấp GCN quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất là tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Văn phòng đăng ký có trách nhiệm lập danh sách, gửi về Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày giao GCN cho người được cấp và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Học thạc sĩ chỉ từ 1 đến 2 năm 

Theo thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thời gian đào tạo trình độ Thạc sĩ chỉ tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên.

Theo quy định, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ có thời gian từ từ 1 đến 2 năm học; thời gian tối thiểu 1 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên; thời gian từ 1,5 - 2 năm học áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành còn lại.

Việc tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức tối đa 2 lần/năm và thực hiện theo phương thức thi tuyển đối với người Việt Nam; xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại VN.

Còn tiếp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều