Những chính sách mới về Thuế có hiệu lực thi hành trong tháng 10-2014

Giảm 50% thuế TNCN cho người làm việc trong khu kinh tế

Từ ngày 20-10, đối với cá nhân cư trú chỉ có thu nhập chịu thuế tại khu kinh tế, số thuế TNCN tạm nộp được giảm bằng 50% thuế TNCN phải khấu trừ hoặc tạm nộp hàng tháng, quý hoặc từng lần phát sinh; số thuế TNCN được giảm sẽ bằng 50% tổng số thuế TNCN phải nộp trong năm tính thuế.

Đối với cá nhân không cư trú, số thuế TNCN được giảm được tính bằng 50% tổng thu nhập chịu thuế tại khu kinh tế nhân với thuế suất thuế TNCN áp dụng cho cá nhân không lưu trú. Thông tư số 128/2014/TT-BTC ngày 5-9-2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại khu kinh tế quy định.

Riêng đối với cá nhân kinh doanh tại khu kinh tế trước ngày 1-1-2009, có phát sinh thu nhập từ kinh doanh, đang thực hiện hưởng ưu đãi đầu tư đến hết ngày 31-12-2008 mà vẫn đang trong thời gian được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì được tiếp tục hưởng ưu đãi miến thuế TNCN  cho hết thời gian miễn thuế còn lại, sau đó sẽ hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNCN theo hướng dẫn nêu trên.

Khách du lịch được mua hàng miễn thuế tối đa 1 triệu đồng/ngày 

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 72/2013/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10.

Theo đó, khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được mua hàng nhập khẩu miễn thuế mang vào nội địa với trị giá hàng hóa không quá 1 triệu đồng/người/ngày. Trường hợp trị giá hàng hóa vượt quá số tiền này, khách tham quan du lịch phải làm thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT đối với phần hàng hóa vượt định mức.

Ngoài ra, người Việt Nam và người nước ngoài trực tiếp làm việc, sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu, có thu nhập từ việc làm, sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu, thuộc diện chịu thuế TNCN sẽ được giảm 50% số thuế phải nộp.

Tạo điều kiện nộp thuế

Từ ngày 1-10, người nộp thuế được lựa chọn thực hiện nộp thuế trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước hoặc tại tổ chức tín dụng đối với hàng xuất khẩu. Trường hợp người nộp thuế nộp thuế bằng tiền mặt nhưng Kho bạc Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng không tổ chức điểm thu tại địa điểm làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan có trách nhiệm thu tiền thuế và chuyển toàn bộ số tiền thuế đã thu vào tài khoản thu ngân sách của Kho bạc Nhà nước mở tại ngân hàng thương mại theo quy định.

Thông tư số 126/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định một số thủ tục về kê khai, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định như trên.

Thông tư cũng cho phép người nộp thuế đang nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và tiền thu khác tại các cơ quan hải quan khác được nộp ngay số tiền nợ đó tại cơ quan hải quan nơi đang làm thủ tục hải quan.

Áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Từ ngày 5-10, chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5mm, được ủ hoặc được xử lý nhiệt bằng phương pháp khác và ngâm hoặc được cạo gỉ để loại bỏ tạp chất dư thừa trên bề mặt của thép không gỉ.

Những sản phẩm này có thể được tiếp tục xử lý (cắt hoăc xẻ) với điều kiện là quá trình đó không làm thay đổi các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm. Đây là nội dung quy định tại Quyết định 7896/QĐ-BCT ngày 5-9 của Bộ Công Thương quy định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Thay đổi cách tính thuế nhà thầu

Từ ngày 1-10, tất cả các nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam; có thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên, đang áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế sẽ phải nộp thuế nhà thầu nước ngoài (bao gồm thuế GTGT và thuế TNDN) theo quy định của pháp luật. Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam quy định.

Thuế GTGT phải nộp của nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài sẽ được tính theo tỷ lệ trực tiếp trên doanh thu tính thuế thay vì dựa trên GTGT như quy định hiện hành. Cụ thể, số thuế GTGT phải nộp bằng doanh thu tính thuế giá trị gia tăng nhân với tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu. Trong đó, doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp kể cả các khoản chi phí do bên Việt Nam trả thay nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

Cũng từ ngày 1-10, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia hợp đồng kinh tế/dự án tại Việt Nam, chuyển nhượng quyền tài sản tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài cũng phải chịu thuế TNDN.

Không thu phí thẩm định phim phục vụ đối ngoại

Từ 31-10, các tổ chức, cá nhân khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; thẩm định kịch bản phim và phim; thẩm định cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim và Giấy phép đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/05/2010 đều phải nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

Mức phí, lệ phí theo quy định là khoảng từ 600.000 đồng đến 8 triệu đồng tùy loại. Đây là nội dung quy định tại Thông tư 136/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 122/2013/TT-BTC quy định không thu phí thẩm định đối với chương trình nghệ thuật biểu diễn (chương trình, vở diễn) phục vụ nhiệm vụ chính trị và phim đối với chương trình chiếu phim nước ngoài tại Việt Nam phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều