Người khuyết tật được tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp
Theo Thông tư 27/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), từ 25-9, các đối tưởng được tuyển thẳng TCCN bao gồm: Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; người đã trúng tuyển vào trường TCCN nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự, nay đã phục viên, xuất ngũ; con liệt sĩ, thương binh từ 81% trở lên hoặc người mồ côi cả cha lẫn mẹ; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị tật do hậu quả của chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thương binh, bệnh binh...
Thí sinh đoạt từ giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi Olympic, hội thi khoa học kỹ thuật, thi chọn học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên và thí sinh đoạt từ giải khuyến khích trở lên trong các giải thi đấu thể dục, thể thao từ cấp tỉnh trở lên hoặc trong các cuộc thi nghệ thuật về ca, múa, nhạc từ cấp tỉnh trở lên sẽ được tuyển thẳng vào TCCN theo ngành học phù hợp với môn đạt giải. Đặc biệt, đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic, hội thi khoa học kỹ thuật, nếu chưa tốt nghiệp THPT hoặc THCS, thí sinh sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp.
Nghỉ quá 45 buổi học/năm sẽ không được lên lớp
Cũng từ ngày 25/9, học viên nghỉ học quá 45 buổi trong 1 năm học thay vì 35 buổi học quy định hiện hành (kể cả nghỉ có phép và không phép) sẽ không được lên lớp. hông tư 26/2014/TT-BGDĐT ngày 11/08/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông quy định.
Ngoài ra, thay đổi cách tính điểm trung bình học kỳ, cả năm. Đó là, thay vì tính điểm trung bình học kỳ, cả năm theo điểm trung bình môn của tất cả các môn với hệ số môn học (ví dụ: Hệ số 02 đối với Toán, Vật lý), từ ngày 25-9, điểm trung bình các môn học kỳ được tính bằng trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ tất cả các môn học và điểm trung bình cả năm sẽ là trung bình cộng của điểm trung bình môn cả năm của tất cả các môn học.
Giảm 70% học phí cho học viên văn hóa - nghệ thuật
Từ ngày 9/9, theo Chế độ tư đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa, nghệ thuật ban hành kèm theo Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21/07/2014 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù như nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật sẽ được giảm 70% học phí từ ngày 9-9.
Học viên cũng được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề với mức bằng 40% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng và được cấp 2 bộ quần áo tập, 4 đôi giày vải và 7 đôi tất trong mỗi năm.
Đào tạo sinh viên chất lượng cao
Từ ngày 1/9, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) phải cao hơn chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích ứng với môi trường công tác và đặc biệt năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Phòng học riêng của lớp đào tạo CLC được trang bị máy tính kết nối internet; mỗi sinh viên có nơi tự học ở trường, được sử dụng mạng internet không dây; có phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở thực tập; có các phần mềm mô phỏng cần thiêt phục vụ giảng dạy và học tập…
Giảng viên của chương trình đào tạo CLC phải có trình độ thạc sĩ trở lên; riêng giảng viên dạy lý thuyết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành phải có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư, hoặc trình độ thạc sĩ tốt nghiệp các trường đại học các nước phát triển. Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo CLC trình độ đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9
Trường mầm non phải có 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn
Đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 22/9.
Ngoài việc phải có 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo trở lên, trong đó có ít nhất 30% giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và ít nhất 40% đối với các vùng khác, trường mầm non còn phải đáp ứng một số tiêu chí khác về tổ chức, quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, GV, nhân viên và trẻ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi...
Trường mầm non đạt chuẩn cấp độ I là trường đáp ứng được ít nhất 60% các tiêu chí theo quy định; trường đạt chuẩn cấp độ II có từ 70% đến dưới 85% tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó, có các tiêu chí về năng lực của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Đối với trường đạt chuẩn cấp độ III, phải có ít nhất 85% tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó phải đạt được các yêu cầu quy định ở cấp độ I.
* * *
Ngoài ra còn có các chính sách khác cũng có hiệu lực trong tháng 9, bao gồm: Trang bị vũ khí cho lực lượng kiểm ngư, tàu kiểm ngư
Từ 15-9, nghiêm cấm các hành vi kinh doanh, xuất nhập khẩu tiền chất thuốc nổ trái phép; mua bán tiền chất thuốc nổ không có hóa đơn, chứng từ; bị mất cắp thất thoát tai nạn, sự cố trong quá trình kinh doanh tiền chất thuốc nổ nhưng che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo. Tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ là doanh nghiệp phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Người trực tiếp quản lý, điều hành và công nhân liên quan đến tiền chất thuốc nổ phải được huấn luyện, đào tạo về kỹ thuật an toàn hóa chất. Nghị định 76/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định.
Ngoài ra, cũng từ 15-9, lực lượng kiểm ngư và tàu kiểm ngư cũng sẽ được được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm súng ngắn, súng tiểu liên, đại liên. Việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng trong lực lượng kiểm ngư được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn, phạt đến 140 triệu đồng
Từ ngày 15/9, DN có hành vi bắt chước sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại khác sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng; quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng, thời gian bảo hành... mức phạt tiền dao động từ 80 đến 140 triệu đồng.
Cũng từ ngày 15/9, tăng mức phạt đối với các hành vi khuyến mại cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức khuyến mại gian dối về giải thưởng; khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng... tăng từ khoảng 45 - 55 triệu đồng lên 50 - 80 triệu đồng. Đối với một số hành vi về bán hàng đa cấp cũng tăng từ khoảng 40 - 60 triệu đồng lên 60 - 100 triệu đồng. Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh quy định.
Đơn giản nhiều thủ tục hành chính về thuế
Từ 1-9, hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê mà tổng số tiền cho thuê trong năm thu được từ 100 triệu đồng trở xuống hoặc tổng số tiền cho thuê trung bình trong một tháng từ 8,4 triệu đồng trở xuống thì không phải khai, nộp thuế GTGT, thuế Thu nhập cá nhân và cơ quan thuế không thực hiện cấp hóa đơn lẻ đối với những trường hợp này. Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 156/2013/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư 08/2013/TT-BTC, Thông tư 85/2011/TT-BTC, Thông tư 39/2014/TT-BTC và Thông tư 78/2014/TT-BTC về cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế.
Cũng từ 1-9, doanh nghiệp, HTX mới thành lập thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh được tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; thay vì giới hạn giá trị của tài sản cố định, máy móc, thiết bị phải từ 1 tỷ đồng trở lên như trước đây.
Tên miền internet “hot” phải đấu giá
Từ ngày 1/9, các tiên miền Internet quốc gia “.vn” và các tên miền Internet khác có nhu cầu đăng ký sử dụng cao sẽ được xem xét mang ra đấu giá. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đấu giá quyền sử dụng tên miền Internet phải đăng ký tham gia thông qua trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập để đấu giá tên miền Internet qua mạng và nộp tiền đặt trước vào tài khoản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định trước thời điểm bắt đầu trả giá ít nhất 15 ngày. Trong đó, tiền đặt trước do Hội đồng đấu giá quy định, nhưng tối thiểu bằng 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tên miền Internet mang ra đấu giá.
Mỗi doanh nghiệp, cá nhân trúng đấu giá được phân bổ một hoặc nhiều tên miền Internet; một hoặc một số mã, số, khối số theo quy định tại hồ sơ mời đấu giá. Tổ chức và cá nhân được tham gia đấu giá quyền sử dụng tên miền Internet và chỉ doanh nghiệp mới được tham gia đấu giá kho số viễn thông. Quyết định 38/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet quy định.