Miễn thuế phương tiện cứu trợ thiên tai
Từ 20-8, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam nhập khẩu, tái xuất khẩu phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai được miễn thuế, lệ phí nhập khẩu, xuất khẩu. Các phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa này sau khi hoàn thành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai sẽ được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ.
Ngoài ra, người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sẽ được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ; trường hợp ứng phó khẩn cấp, nếu chưa có thị thực, sẽ được cấp thị thực ngay tại cửa khẩu. Đây là nội dung được quy định tại Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.
Căn cứ vào thành tích tập thể để xét khen thưởng lãnh đạo
Cũng từ ngày 20- 8, khi xem xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo. Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng có quá trình cống hiến được giảm 3 năm so với quy định chung. Ưu tiên xét khen thưởng đối cá nhân và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có cùng điều kiện, tiêu chuẩn, thành tích. Nghị định 65/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8 quy định.
Nghị định quy định nguyên tắc khen thưởng là thành tích đạt được trong khó khăn, có ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng người trực tiếp tham gia lao động, công tác, chiến đấu.
Theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì xe taxi phải có phù hiệu “Xe Taxi”, có hộp đèn với chữ "Taxi" gắn trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.Đối với xe taxi của các đơn vị có Giấy phép kinh doanh vận tải do Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội cấp phải có phù hiệu “Taxi Hà Nội” và việc đổi phù hiệu đối với xe taxi tại Hà Nội sẽ được thực hiện từ nay đến trước ngày 30/10/2014.
Cũng theo Thông tư 23, từ ngày 15/08, xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, vận tải hành khách du lịch, vận tải hành khách theo hợp đồng trong 03 tháng liên tục có hơn 02 lần bị xử lý vi phạm do chở hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải theo quy định hoặc do xếp hàng trên xe làm lệch xe sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu trong một tháng.
Lãnh đạo Chính phủ phải tiếp dân ít nhất 1 ngày trong tháng
Từ 15-8, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập phải trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình và phải công khai về lịch tiếp công dân, thành phần tham dự, dự kiến nội dung tiếp công dân của các buổi tiếp công dân định kỳ tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa điểm tiếp công dân và trên trang thông tin của cơ quan, đơn vị (nếu có).
Ngoài việc tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập cũng trực tiếp thực hiện tiếp công dân đột xuất đối với những vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các đơn vị khác nhau và những vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8 quy định.
Gói thầu dịch vụ tư vấn được lựa chọn nhà thầu qua mạng
Từ ngày 25-8, khi thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, bên mời thầu, nhà thầu phải thực hiện đăng ký một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đồng thời với thông báo mời thầu.
Trường hợp có sự sai khác giữa văn bản đính kèm và nội dung điền trong mẫu thì văn bản điện tử đính kèm sẽ có giá trị pháp lý. Đặc biệt, đối với mỗi gói thầu, nhà thầu chỉ nộp hồ sơ một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đồng thời thực hiện nộp bảo lãnh dự thầu thông qua ngân hàng có kết nối đến hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đấy là những nội dung được quy định tại nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định như trên.
Nghệ nhân ưu tú phải có 15 năm trong nghề
Danh hiệu này chỉ được xét tặng cho những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Ngoài việc phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên, người được xét tặng còn phải đáp ứng các tiêu chí như nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị; tâm huyết với nghề;…
Với danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, người được xét tặng phải có thời gian hoạt động trong nghề tối thiểu là 20 năm và đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/06/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định, có hiệu lực từ ngày 7-8-2014.
Phà phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách
Từ tháng 8, bến phà phải có nơi đỗ xe ô tô chờ qua phà và nhà chờ cho hành khách ở trước biển báo dừng lại ngoài cổng chắn của bến; mặt bến phải chắc chắn, sạch sẽ, không trơn trượt, không có ổ gà, không để chướng ngại vật, đủ cọc neo…
Phà phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, đạt tiêu chuẩn chất lượng; được trang bị đủ số lượng, đúng chủng loại các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy; có ghế ngồi cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai và trẻ em khi đi phà. Lưỡi phà phải chắn chắn, không trơn trượt, không lồi lõm; không để chướng ngại vật.
Người lái phà phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; các thuyền viên phải được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ an toàn giao thông; thuyền viên và nhân viên bến phải có thiết bị liên lạc không dây cầm tay để phối hợp nhịp nhàng, thuận lợi trong công việc và hoạt động vận tải đảm bảo an toàn, thông suốt… Đây là nội dung sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 8 quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BGTVT hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô.
Đ.LIÊN giới thiệu
Tiếp theo: "Những chính sách về đất đai có hiệu lực trong tháng 8"