Những chính sách mới về DN, lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 9

Nhân viên TCTD hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đào tạo liên tục

Đây là nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 02/07/2014 hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, từ 1-9, TCTD, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải xây dựng chương trình đào tạo, phối hợp với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức đào tạo (có thể lựa chọn đào tạo tập trung, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật) và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm cho nhân viên TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Trong đó, thời gian đào tạo tối thiểu là 4 giờ/1 sản phẩm bảo hiểm và tối thiểu 16 giờ đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư. Đặc biệt, đối với nhân viên TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, thời gian đào tạo thường xuyên định kỳ hàng quý tối thiểu là 3 giờ.

Tổ chức đào tạo nhân lực cho DN nhỏ và vừa

Từ 26-9, nhà nước hỗ trợ một phần chi phí tổ chức đào tạo khởi sự DN cho các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng thành lập DN, DN nhỏ và vừa. Theo đó, mức hỗ trợ bao gồm: Chi thù lao giảng viên, chi phụ cấp tiền ăn giảng viên; chi tài liệu học tập theo nội dung chương trình khóa đào tạo cho học viên; chi khen thưởng cho học viên; văn phòng phẩm; chi uống nước, giải khát giữa giờ; chi phí cấp chứng chỉ, chi phí chiêu sinh và các nội dung chi khác phục vụ trực tiếp lớp học...  với mức hỗ trợ cho 1 khóa đào tạo tối đa bằng 50% tổng chi phí của 1 khóa đào tạo. Phần kinh phí còn lại được chi trả từ các nguồn kinh phí tài trợ, huy động được từ DN, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và học phí do học viên đóng góp.

Trong đó, thời lượng đào tạo của khóa đào tạo khởi sự DN và khóa đào tạo quản trị DN lần lượt là 03 ngày và 05 ngày; số học viên tối thiểu mỗi khóa là 30 người; đối với khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu, tùy theo nội dung đào tạo, đơn vị đào tạo có thể quyết định thời lượng đào tạo phù hợp nhưng phải đảm bảo tối thiểu 07 ngày và số học viên tối thiểu mỗi khóa là 20 ngày. Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa quy định.

Những chính sách mới về DN, lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 9 ảnh 1
 

DN nước ngoài tuyển dụng lao động VN

Từ 15-9, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng người lao động VN, phải có văn bản đề nghị tuyển dụng, nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và tổ chức... gửi tổ chức có thẩm quyền. Nghị định 75/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định.

Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp văn bản đề nghị, tổ chức, cá nhân đó được phép trực tiếp tuyển dụng nếu tổ chức có thẩm quyền không tuyển chọn, giới thiệu được người lao động VN theo đề nghị của mình và phải gửi thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký trong 7 ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động với người VN (trường hợp tuyển dụng được).

Nhiều đối tượng không được phép làm việc cho tổ chức nước ngoài

Cũng theo nghị định 75/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9, có 6 nhóm đối tượng không được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ, công nhân, viên chức, công chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, học viên, công nhân, viên chức, công chức trong Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu; cán bộ, công chức; người làm trong ngành, nghề liên quan đến bí mật nhà nước; vợ hoặc chồng của người đang làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước; người đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tiết lộ bí mật nhà nước hoặc an ninh quốc gia; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành bản án hình sự của Tòa án hoặc người chưa được xóa án tích, chưa hết thời hạn, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật hình sự.

Quy định về kinh doanh casino

Từ ngày 6/9, DN kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có thu ngoại tệ tiền mặt (từ máy trò chơi, từ việc bán đồng tiền quy ước; từ chuyển khoản chuyển khoản từ nước ngoài về…) phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác. Giấy phép sẽ có thời hạn tối đa 10 năm kể từ ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thưởng có hiệu lực thi hành. DN được cấp Giấy phép phải mở một tài khoản chuyên dùng cho từng loại ngoại tệ tại một ngân hàng được phép. Thông tư 15/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 6/9 quy định.

Chậm nhất ngày 6/9/2015, các DN đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thu, chi ngoại tệ tiền mặt đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận trước đây sang Giấy phép. Quá thời hạn nêu trên, DN không làm thủ tục chuyển đổi phải chấm dứt việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Những chính sách mới về DN, lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 9 ảnh 2
 

Cán bộ quan trắc TNMT hưởng phụ cấp độc hại

Từ ngày 10/9, viên chức trực tiếp quan trắc tài nguyên môi trường và viên chức trực tiếp làm công việc phân tích mẫu cơ lý đất, cơ lý đá, cơ lý nước; đo địa vật lý về tài nguyên nước sẽ được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm bằng 0,1 mức lương cơ sở. Đối với viên chức trực tiếp quan trắc TNMT thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước, phụ cấp lưu động sẽ được áp dụng hệ số 0,4 mức lương cơ sở. Trưởng nhóm hoặc tổ trưởng quan trắc TNMT; đội trưởng hoặc tổ trưởng đội khoan tài nguyên nước và đội trưởng hoặc tổ trưởng tổ điều tra cơ bản tài nguyên nước được hưởng phụ cấp trách nhiệm với hệ số áp dụng bằng 0,2 mức lương cơ sở. Thông tư 41/2014/TT-BTNMT quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động và phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với viên chức quan trắc TNMT quy định.

Thêm trường hợp được thuê lại lao động

Từ 15-9, những doanh nghiệp vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa có nhiệm vụ góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia (theo đề án tái cơ cấu đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) được phép cho thuê lại lao động giữa doanh nghiệp cho thuê và các doanh nghiệp khác trong công ty mẹ hoặc tập đoàn kinh tế mà doanh nghiệp này là thành viên, với những những công việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành. Nghị định 73/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 29 Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

Công chức bị đình chỉ công tác vẫn đóng BHYT

Từ 1-9, công chức, viên chức đang trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật, vẫn được hưởng 50% lương; công chức vẫn phải đóng BHYT theo mức tiền lương thực tế bằng 50% mức lương hiện hưởng theo ngạch bậc. Trường hợp không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan sai được truy lĩnh 50% lương còn lại và bị truy thu số tiền đóng BHYT theo số lương được truy lĩnh trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hay tạm đình chỉ công tác. Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BYT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của TTLT 09/2009/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm