Những ‘chợ âm hồn’ ở Sài Gòn

chợ cá Chánh Hưng, Xóm Củi (quận 8); chợ thịt Phạm Văn Hai (quận Tân Bình); chợ rau trái Tân Xuân (huyện Hóc Môn)... Trước kia chợ rau trái Cầu Ông Lãnh cũng chuyên nhóm vào ban đêm nhưng từ ngày dời lên chợ đầu mối Tam Bình (quận Thủ Đức) thì được nhóm họp bán buôn cả ngày đêm.

Nếu như hàng hóa được chở tới các chợ đầu mối lớn bằng những xe tải kìn kịt đầy hàng thì với những chợ đêm đầu mối nhỏ thuộc dạng chợ “chồm hổm” nhóm trên những con đường nhỏ, hầu hết hàng hóa được chở đến chợ bằng xe hai bánh, đôi khi là xe ba bánh (trước kia là xe lam, nay là ba bánh Trung Quốc). Nhờ chợ họp đêm khuya, đường phố vắng vẻ nên những chiếc xe hai bánh chất hàng cồng kềnh cao ngất chở tới chợ cũng ít khi bị CSGT tuýt còi.

Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức hoạt động tấp nập về đêm, là một trong những điểm trung chuyển hàng nông sản lớn nhất TP.HCM.

Nhiều người gọi đùa những chợ đêm chồm hổm là những “chợ âm hồn” vì chợ chỉ nhóm vào nửa đêm về sáng, tờ mờ sớm đã được dọn dẹp sạch sẽ, trả đường thông thoáng lại cho giao thông. Đến sáng, mọi người qua lại con đường này nhiều không biết đêm qua có nhóm họp chợ ở đây. Vậy không phải “chợ âm hồn” là gì? Đó là chưa kể đến việc một số “chợ âm hồn” cũng chỉ cần “hô biến”, hôm sau đã được di dời sang địa điểm khác thuận lợi hơn để các “tiểu đầu nậu” nửa đêm về sáng đến đây lấy hàng đem phân phối cho các “tiểu thương chồm hổm” ở bên rìa các chợ gần đó.

Khó có thể kể hết những chợ đêm “âm hồn” ở Sài Gòn bởi nó rất cơ động, nhiều chợ thoắt ẩn thoắt hiện. Như chợ cá “âm hồn” bên lề đường Nguyễn Thị Định, gần Khu công nghiệp Cát Lái (quận 2) chỉ nhóm vào nửa đêm về sáng, bán cả cá biển lẫn cá đồng cho các tiểu đầu nậu lấy hàng rồi chở bằng xe máy đem phân phối cho các chợ nhỏ trong quận. Một chợ cá đêm khác nằm bên lề đường Đỗ Xuân Hợp - giáp giới giữa quận 2 và quận 9 - gần khu đô thị mới Lake View City (quận 2). Chợ dẹp có hơi trễ nhưng cũng độ tầm 6 giờ rưỡi sáng, trước khi công nhân đến làm là “bế mạc”. Ở Bình Thạnh có một chợ đêm “âm hồn” chuyên bán buôn rau trái trên con đường nhỏ Huỳnh Đình Hai, cách chợ Bà Chiểu vài trăm mét. Chợ họp lúc gần nửa đêm với đủ loại rau trái từ Hóc Môn chở lên, cung cấp cho các tiểu đầu nậu mang đi phân phối lại cho các tiểu thương chợ Bà Chiểu, chợ Cây Thị ở đường Phan Văn Trị, chợ Cây Quéo trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh)... Cố GS-nhạc sĩ Trần Văn Khê ở trong căn biệt thự do TP cấp nằm trên con đường này. Một lần tôi đến thăm và làm bài phỏng vấn nhạc sư viết bài cho một tờ báo ở Hà Nội. Phỏng vấn xong, ngồi lại nói năm điều bảy chuyện với vị giáo sư âm nhạc, cụ bảo: “Về ở đây rất lâu tôi biết ngoài kia, cách nơi tôi ở vài trăm mét, có một cái chợ đầu mối nhỏ chuyên bán rau trái đêm đêm nhóm họp đông đảo”. Cụ kể vào giờ đó cụ ít khi ra ngoài nhưng có lần cụ đi dự một buổi trình diễn âm nhạc dân tộc, đến khuya xe đưa về, cụ mới phát hiện cái chợ đầu mối đang nhóm ồn ào náo nhiệt cả nửa con đường nơi mình ở. Chợ rau trái Huỳnh Đình Hai nhóm vào khoảng 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Vị nhạc sư già bảo: “Có khi chuyện xảy ra ngay trước mắt mà mình không biết lại đi tìm nơi xa xôi”. Rồi cụ ví von: “Như âm nhạc dân tộc bàng bạc quanh ta nhưng ít người quan tâm, lại đi tìm ở tận đâu đâu”.

Một chợ đêm nhỏ chuyên bán hoa tươi nằm trên đường Hồ Thị Kỷ, quận 10 (con đường nhỏ, dài chừng hơn 500 m, nối từ đường Lý Thái Tổ sang đường Hùng Vương). Chợ chuyên cung cấp hoa tươi Đà Lạt cho các shop hoa ở các quận 1, 3, 5, 10... Chợ bán sỉ đủ loại hoa vào ban đêm cho các đầu nậu mang đi phân phối và ban ngày bán lẻ cho khách.

Nhắc tới chợ hoa lại nhớ tới một thời chưa xa lắm, hình ảnh những chiếc xe thổ mộ với cái đèn dầu leo lét đung đưa theo những bước chạy nước kiệu của các chú ngựa già, chở đầy rau trái và hoa từ xứ rau 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, Hóc Môn đưa về trung tâm TP. Con đường từ Bà Điểm chạy lên chợ Bến Thành thẳng tắp (nay là đường Trường Chinh nối với đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Phạm Hồng Thái). Đến cuối những năm 1980, những chiếc xe ngựa chở rau trái, hoa tươi vẫn còn. Nhưng vài chục năm nay, những chiếc xe ngựa dần dần biến mất. Trước nữa, thời cuối những năm 1950 đầu 1960, đêm đêm những chiếc xe ngựa chở đầy hoa trái đến đậu dọc con đường nhỏ phía sau chợ Tân Định, nối từ đường Nguyễn Hữu Cầu sang đường Bà Lê Chân - hiện nay vẫn còn mang tên đường Mã Lộ... Những hình ảnh chỉ còn trong ký ức những người Sài Gòn cao tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm