Chị Bảo Châu, một người mẹ có con đang học tiểu học, kể lại: “Một hôm tôi đang làm việc tại văn phòng thì nhận được một cuộc điện thoại. Câu mở đầu là “Chị có phải là phụ huynh của cháu X. hay không?”. Phản ứng đầu tiên của tôi là hoang mang tột độ, cứ nghĩ con mình gặp chuyện không hay nên nhà trường gọi điện thoại thông báo. Tôi run giọng trả lời “Vâng” thì người ở đầu dây bên kia bắt đầu một cuộc tư vấn bảo hiểm và mời sử dụng dịch vụ. Tuy thở phào nhẹ nhõm nhưng tâm trạng của tôi là vô cùng tức giận, công việc cũng bị ảnh hưởng phần nào sau cuộc gọi đó. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại rơi vào tâm trạng hỗn loạn như vậy”.
Trường hợp của chị Bảo Châu không phải cá biệt. Gần như chủ thuê bao điện thoại nào cũng có thể nhận những cuộc gọi tương tự từ nhân viên của nhiều đơn vị: Bất động sản, cho vay tiêu dùng, trung tâm gia sư, bảo hiểm, giới thiệu việc làm… Ngoài sự phiền toái, không ít người dân rất lo lắng vì thông tin cá nhân của họ đã có dấu hiệu bị xâm phạm nghiêm trọng.
Về mặt kinh tế, thử hỏi những đơn vị, những người gọi tư vấn qua điện thoại có bao giờ suy nghĩ về hiệu ứng của người nghe sau cuộc gọi của mình? Có bao giờ họ thống kê bao nhiêu % người nghe sẽ chấp nhận sử dụng dịch vụ của họ sau những cuộc điện thoại trên? Họ có bao giờ nghĩ đến hiệu ứng ngược khi khách hàng ngày càng dị ứng bởi những phiền phức này? Có bao giờ nghĩ rằng mình đang làm xấu hình ảnh của ngành nghề và ảnh hưởng đến những đơn vị cùng kinh doanh một mặt hàng... Riêng cá nhân tôi cho rằng “khủng bố” qua điện thoại là cách hay nhất để khách hàng… xa lánh dịch vụ mà họ đang chào mời. Bởi dịch vụ có tốt đến mấy thì khách hàng cũng không chấp nhận sử dụng sau khi nhận một cuộc gọi với nội dung “khủng bố” như trên.
Luật pháp đã quy định việc gọi điện thoại gây phiền toái là hành vi quấy rối, bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, những đơn vị, nhân viên môi giới này vẫn nghĩ ra nhiều cách để mời chào khách hàng một cách bất chấp. Có cảm giác họ tìm đủ mọi cách miễn tiếp cận được khách hàng, nói được điều cần nói. Còn tâm trạng, cảm giác của khách hàng thì không phải là vấn đề đáng quan tâm. Nếu đúng vậy thì đạo đức nghề nghiệp của họ đã là một con số 0 tròn trĩnh.
Còn xét về mặt pháp luật, Điều 78 Nghị định 185/2013 quy định hành vi quấy rối người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 2 triệu đồng. Điều 65 nghị định này quy định hành vi tiết lộ thông tin của khách hàng mà chưa có sự đồng ý thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Luật An toàn thông tin mạng 2015 cũng quy định: Người nào có hành vi vi phạm về an toàn thông tin mạng thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Như vậy, quy định pháp luật đã có nhưng tới giờ gần như chưa có cá nhân, đơn vị nào “khủng bố” qua điện thoại bị xử lý. Người dân đang mong chờ câu trả lời từ các đơn vị có trách nhiệm!