Những điều cần biết để thuê bao điện thoại không bị khóa

(PLO)- Sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa hai chiều, thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa lại thông tin sẽ bị nhà mạng thu hồi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau ngày 31-3, những thuê bao không chuẩn hóa thông tin theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa một chiều.

Liên quan đến việc thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, một số bạn đọc có những thắc mắc như làm thế nào để tiếp tục sử dụng khi thuê bao đã bị khóa; chưa có CCCD có phải chuẩn hóa thông tin…

Cục Viễn thông, Bộ TT&TT và đại diện nhà mạng đã có những giải đáp xoay quanh câu hỏi thắc mắc của bạn đọc.

Người dân thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ảnh: THU HÀ

Người dân thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ảnh: THU HÀ

Một người dùng được bao nhiêu SIM?

. Phóng viên: Tôi dùng nhiều SIM nhưng chỉ có một SIM đăng ký bằng CCCD. Như vậy, tôi có thể sử dụng CCCD để đăng ký tiếp cho những SIM còn lại không, mỗi người được đăng ký bao nhiêu SIM?

+ Cục Viễn thông: Với các SIM chưa có thông tin gắn với thông tin của người sử dụng, đề nghị khách hàng liên hệ với nhà mạng theo các cách thức đã được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ TT&TT: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/157677/Bo-TT-TT-huong-dan-cach-chuan-hoa-thong-tin-thue-bao.html) để cập nhật, bảo đảm quyền lợi của bản thân.

Nghị định 49/2017 quy định không hạn chế số lượng SIM trả trước đối với mỗi người, tổ chức sử dụng. Đồng thời, với ba SIM đầu, người mua chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao; từ số thuê bao thứ tư trở lên cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.

. Trước đây tôi có đăng ký SIM theo thông tin của mình, sau đó tôi đưa SIM này cho con tôi sử dụng. Vậy tôi có phải chuẩn hóa thông tin không?

+ Cục Viễn thông: Theo quy định tại Nghị định 49/2017, đối với người dưới 14 tuổi hoặc người được giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện.

Tuy nhiên, khi con bạn đã có CCCD, nên cập nhật thông tin để có thể sử dụng thuận lợi trên điện thoại thông minh hoặc dùng các ứng dụng tài chính, ngân hàng...

115.000 là số thuê bao di động bị khóa một chiều trong ngày 1 và 2-4 đã đi chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Ngày 3-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết như trên.

Cách mở lại SIM khi bị khóa?

. SIM của tôi đã bị khóa một chiều vì chưa thực hiện việc chuẩn hóa thông tin. Vậy tôi muốn sử dụng lại thì tôi phải làm cách nào?

+ Đại diện một nhà mạng di động tại Việt Nam: Khi số điện thoại bị khóa liên lạc một chiều do chưa chuẩn hóa thông tin, người dân cần thực hiện một số giải pháp.

Khi bị khóa liên lạc một chiều, số điện thoại của khách hàng vẫn có thể thực hiện gọi miễn phí đến nhà mạng để được giải đáp hướng dẫn. Khách hàng cũng có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin trên các app, web của nhà mạng để được mở lại liên lạc hoặc đến các điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Sau khi bị khóa một chiều, nếu không thực hiện chuẩn hóa thông tin, số thuê bao sẽ tiếp tục bị khóa hai chiều trong 15 ngày tiếp theo và sẽ bị thu hồi sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa hai chiều.

Sau khi bị khóa liên lạc hai chiều, khách hàng cần đến các điểm giao dịch trên toàn quốc để được hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa hai chiều, các số thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa lại thông tin sẽ bị nhà mạng thu hồi theo quy định của pháp luật.

. Trường hợp cá nhân đã đăng ký thông tin thuê bao chính chủ bằng CMND do chưa làm CCCD thì có thuộc diện khóa SIM sau ngày 31-3 không?

+ Đại diện một nhà mạng di động tại Việt Nam: Trước đây, nhiều người khi đăng ký thông tin cá nhân với nhà mạng đã sử dụng số CMND cũ vì chưa được cấp CCCD, do vậy thông tin số CMND vẫn được ghi nhận.

Những người dùng này không bắt buộc phải chuyển sang số CCCD mới khi chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.

Việc thông tin thuê bao đã đăng ký chính chủ bằng CMND cũng có hiệu lực tương đương số CCCD.

Tuy nhiên, nếu đã có CCCD, người dân nên sớm cập nhật lại thông tin thuê bao theo giấy tờ CCCD mới nhất vì khi cần sử dụng dịch vụ, đăng ký qua cổng dịch vụ công quốc gia sẽ phải kiểm tra, đối chiếu thông tin thuê bao với các nhà mạng.•

Lý do phải chuẩn hóa thông tin

. Năm 2018 đã có đợt đăng ký thông tin thuê bao trên cả nước, vì sao đợt này lại tiếp tục việc chuẩn hóa thông tin?

+ Cục Viễn thông: Công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm bảo đảm thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động được quản lý đầy đủ, chính xác và có vai trò hết sức quan trọng.

Trước đây, việc chuẩn hóa chỉ dừng ở mức đối chiếu, bảo đảm trùng khớp giữa thông tin được khách hàng cung cấp khi mua, đăng ký SIM và thông tin lưu trữ tại nhà mạng. Lần này, sau khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm dữ liệu “gốc” để đối chiếu, xác thực thì việc chuẩn hóa hướng tới mục tiêu bảo đảm thông tin thuê bao đúng quy định và trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ đó, góp phần làm giảm các hoạt động lợi dụng SIM có thông tin thuê bao không đúng để thực hiện các hoạt động quảng cáo không đúng sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm