Những đứa con không bao giờ được lớn…

Ông trao đổi với một hành khách nam ngồi bên cạnh rằng ông xuống Vũng Tàu để tìm cậu con trai đã bỏ nhà đi mấy ngày nay.

Ông nói con trai ông đi học nước ngoài, mới về nước được vài tháng. Mấy hôm nay vì không đồng quan điểm với cha mẹ nên lấy xe máy, ít quần áo rồi đi. Lần cuối cùng liên lạc được, cậu con trai cho gia đình hay mình đang ở Vũng Tàu. Cậu dặn gia đình đừng liên lạc vì sẽ đi khám phá vài ngày ở vùng đất này, dự tính tìm một việc làm yêu thích trong ngành cơ khí.

Ông kể vợ chồng ông muốn con trai làm một công việc khác nhưng cậu không thích. Ông lo sợ con ông mới về nước chưa rành đường, sợ con túng thiếu rồi sợ xuống Vũng Tàu gặp bạn bè xấu rủ rê vào các quán bar thì hư...

Ông kể con trai ông trắng trẻo, thư sinh, cháu từng làm thêm khi đi du học. Ông cũng cho biết chưa bao giờ xuống Vũng Tàu, chưa biết bắt đầu tìm kiếm từ đâu. Ông dự kiến sẽ thuê một xe ôm “thổ địa” chở đi quanh Vũng Tàu để tìm con, hy vọng sẽ gặp.

Nghe câu chuyện của ông, tôi và hai bạn trẻ ngồi ghế trên cũng quay xuống hỏi han. Tôi hỏi “Con anh bao nhiêu tuổi” thì ngạc nhiên khi nghe ông trả lời con trai đã 26 tuổi. Tôi có ý nói ông nên để cháu đi thoải mái, cháu lớn rồi sẽ tự lo, tự kiếm việc và tự về nhà. Nghe tôi nói vậy ông tỏ thái độ khó chịu: “Cô nói sao vậy, sao không lo, không đi kiếm cho được”. Thấy vậy tôi im lặng vì có lẽ quan điểm “để con tự lập, nhất là khi con đã 26 tuổi” của tôi không hợp với tâm trạng ông lúc đó.

Hai bạn trẻ ngồi cạnh tôi cũng hỏi han, chỉ cho ông khu có khách sạn rẻ để thuê phòng, thuê xe đi tìm. Các bạn cũng xin số điện thoại của ông để nếu bắt gặp sẽ báo giùm ông. Lát sau ông xuống xe trước, lững thững vác balô đi tìm xe ôm bắt đầu hành trình tìm con…

Đây không phải trường hợp đầu tiên tôi gặp ông bố, bà mẹ nhất quyết không để con mình lớn. Họ muốn con phải chọn lựa theo ý mình về công việc, cách sống và đôi khi là cả chuyện lập gia đình.

Gia đình nào, dù khá giả hay cuộc sống khó khăn, cha mẹ cũng đều thương yêu con vô điều kiện, mong muốn làm những điều tốt nhất vì con. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn có tư tưởng thương con thật lạ. Cứ muốn bảo bọc, quán xuyến con, dù con đã qua tuổi trưởng thành.

Tôi nghĩ thương yêu con cái cũng cần đúng cách. Cha mẹ chỉ nên là người bạn lớn tuổi cùng chia sẻ để thực sự hiểu con mình muốn gì, tư vấn một hướng đi tốt nhất, phù hợp với khả năng, sự chọn lựa của con. Quan trọng nữa, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ đôi khi phải học cách “nhẫn tâm, bỏ rơi” con để tạo cho con ý thức tự lập, dám thử thách, chấp nhận thất bại và đứng dậy - những kỹ năng mềm rất quan trọng, nền tảng đầu tiên cho con bước vào đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới