Những hình ảnh đặc sắc lễ rước y trang lên tháp Chăm

Những hình ảnh đặc sắc lễ rước y trang lên tháp Chăm

(PLO)- Trong lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận, lễ đón rước y trang từ các làng Chăm lên Tháp chính là “hồn cốt” của lễ hội này. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nghi thức này vẫn luôn được nâng niu, duy trì và hầu như không thay đổi.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ thăm chúc và tặng quà tại tháp Po Klong Garai. Ảnh: NÚI XANH

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ thăm chúc và tặng quà tại tháp Po Klong Garai. Ảnh: NÚI XANH

Nghi lễ rước y trang chỉ diễn ra ở 3 điểm: Rước y trang của nữ thần Po Ina Nagar từ xã miền núi Phước Hà huyện Thuận Nam về đền thờ ở làng Hữu Đức; rước y trang vua Po Klong Girai từ làng Phước Đồng lên tháp lấy tên ngài tại đồi Trầu, phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm và rước y trang vua Po Rome từ làng Hậu Sanh xã Phước Hữu lên tháp Po Rome.

Theo PGS-TS Phan Quốc Anh, nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, Việt Nam hiện có 22 nhóm tháp Chăm, tuy nhiên người Chăm chỉ chính thức thờ cúng ở 3 khu đền tháp tại Ninh Thuận. Những năm gần đây, thêm tháp Po Sah Inu cũng được người Chăm Bình Thuận thờ cúng và tổ chức các hoạt động lễ hội.

Năm nay, rất đông người dân và khách du lịch tới các đền tháp tham dự lễ hội Katê. Ảnh: NÚI XANH

Năm nay, rất đông người dân và khách du lịch tới các đền tháp tham dự lễ hội Katê. Ảnh: NÚI XANH

Theo truyền thuyết, người Chăm và Raglai là chị em ruột, người Chăm là chị cả, người Raglai là em út. Bởi chế độ mẫu hệ, nên con gái út thừa kế tài sản và phụ trách thờ cúng tổ tiên. Do vậy tất cả những y trang của các vua, thần đều do người Raglai giữ và chỉ mang xuống vào các dịp lễ hội Katê hay cúng đầu năm mới. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn đền Po Inu Nagar ở Hữu Đức là còn lễ đón y trang do dòng họ Chamalea người Raglai (Phước Hà) cất giữ. Còn y trang của vua Po Klong Girai và vua Po Rome thì người Raglai đã giao lại hẳn cho Người Chăm cất giữ. Vì thế, thay cho lễ đón, chỉ có một nghi lễ nhỏ đơn giản gồm đốt sáp, trầm, soạn lễ vật trầu, cau, trứng, rượu… chuẩn bị y trang cho lễ rước lên tháp vào sáng hôm sau mà thôi.

Lễ rước y trang về đền Po Ina Nagar và tháp Po Klong Garai. Ảnh: NÚI XANH

Lễ rước y trang về đền Po Ina Nagar và tháp Po Klong Garai. Ảnh: NÚI XANH

Vào ngày mùng 1 tháng 7 (Chăm lịch), thông thường khoảng 6 giờ sáng, các chức sắc Chăm cùng người Raglai và nhân dân trong làng tiến hành lễ rước y trang lên đền tháp. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội, diễn ra rất trọng thể. Trong lễ rước y trang, tại đền thờ trong làng Hữu Đức đoàn người Raglai tập trung đầy đủ, ông từ giữ đền dâng cúng lễ vật như: rượu, trứng, trầu, cau,… xin phép Thần cho rước y trang về tháp cúng lễ. Dẫn đầu đoàn người rước y trang là những người Raglai vừa đi vừa đánh mã la, tiếp đến là Cả sư chủ trì đền tháp; thầy kéo đàn Kanhi; bà Bóng; các chức sắc Chăm; đội múa và những nhạc công; những thanh niên trai tráng cầm cờ, khiêng kiệu đựng y phục của vua; theo sau là những người phụ lễ và dân làng.

Người Chăm mang đồ cúng lên các đền tháp để làm lễ. Ảnh: NÚI XANH

Người Chăm mang đồ cúng lên các đền tháp để làm lễ. Ảnh: NÚI XANH

Trên đường từ đền thờ làng đến tháp, các thiếu nữ thướt tha trong bộ trang phục truyền thống, vừa đi vừa múa quạt trong nhịp trống Ginăng, kèn Saranai... Khi đoàn rước kiệu đưa y trang về đến đền tháp, vị Cả sư, bà Bóng và các vị chức sắc tiến hành nghi lễ xin phép các thần linh cho mở cửa tháp, đền để đưa y trang vào tháp, sau đó là các nghi lễ tắm rửa tượng và thay y phục mới cho vua. Cả sư mang bình nước thiêng ra để tưới tắm, tẩy rửa tượng rồi dâng lễ, thay lễ phục cho các Po. Thầy Kadhar vừa kéo đàn Kanhi vừa hát mời vua thần Chăm và các vị thần hiện về tháp: Vua tắm sạch sẽ, mặc y trang lộng lẫy hưởng lễ vật mà người dân tới cúng. Những người bên ngoài tháp lúc này cùng vào khấn tế mời vua nhận lễ và cầu xin vua thần phù hộ cho con cháu.

Nghi thức múa khi cúng mở cửa tháp. Ảnh: NÚI XANH
Nghi thức múa khi cúng mở cửa tháp. Ảnh: NÚI XANH

Sau lễ hội Katê trên 3 cụm đền tháp, các làng Chăm theo tôn giáo Bàlamôn tổ chức nghi lễ cúng Katê làng, thường vào ngày thứ tư hoặc thứ bảy, tại các nhà làng hay Ban quản lý thôn. Cá biệt có làng tổ chức lễ rước kiệu từ nhà làng tới cúng đền thờ các vị được phong làm nhân thần, như rước cúng ông tổ nghề gốm Bàu Trúc tại đền Po Klong Chank. Việc cúng mở cửa đền cũng tương tự như ở các tháp.

Chuẩn bị mâm lễ cúng ở các làng. Ảnh: NÚI XANH
Chuẩn bị mâm lễ cúng ở các làng. Ảnh: NÚI XANH

Khi lễ cúng Katê làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được bắt đầu. Trưởng tộc họ cúng trước, sau đó mới tới các gia đình. Khi cúng lễ ở mỗi nhà, mọi người trong gia đình phải có mặt đầy đủ để cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh được rủi ro, gặp may mắn, nhiều sức khỏe, gia đình bình an và mùa màng bội thu. Và đây cũng là thời điểm các làng mở hội múa sân, thi đấu thể thao và chơi các trò chơi dân gian. Mọi gia đình đi thăm viếng nhau như tết Nguyên đán và tổ chức mở tiệc đãi bạn bè.

Các hoạt động vui chơi được tổ chức ở các làng. Ảnh: NÚI XANH
Các hoạt động vui chơi được tổ chức ở các làng. Ảnh: NÚI XANH

Ngày nay, lễ hội Katê còn có sự tham gia tổ chức, có mặt của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương đến dự và chúc mừng. Ngoài ra, lễ Katê kèm theo phần hội với nhiều sắc màu văn hoá đặc sắc đã thu hút người dân trong vùng và khách tham quan, du lịch từ các nơi khác tìm đến giao lưu văn hóa.

Lễ tắm và mặc y trang tại đền Pô Klong Chank, làng Bàu Trúc. Ảnh: NÚI XANH
Lễ tắm và mặc y trang tại đền Pô Klong Chank, làng Bàu Trúc. Ảnh: NÚI XANH

Trong ngày cúng mở cửa rước y trang lên tháp, có một điều rất đặc biệt là không chỉ các gia đình Chăm theo đạo Bàlamôn mang đồ cúng lên tháp, mà có rất nhiều người Chăm theo đạo Bàni (đạo Hồi giáo cũ), cá biệt có cả người Kinh cũng đến bày lễ vật khấn vái. Theo giải thích của bà Thị Nín người Chăm theo đạo Bàni ở thôn Văn Lâm xã Phước Nam, thì dù khác tôn giáo, nhưng Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni cũng chỉ là một, đều chung bà mẹ xứ sở (Po Ina Nagar) hay các vị thần khác.

Nghi thức múa khi cúng mở cửa tháp. Ảnh: NÚI XANH
Nghi thức múa khi cúng mở cửa tháp. Ảnh: NÚI XANH

Anh La Văn Điểm, trưởng Ban tổ chức lễ hội Katê làng Hữu Đức cho biết: “Từ xưa đến giờ, mỗi mùa lễ hội, người Kinh và các dân tộc khác đều đến chúc mừng và cùng tham gia các hoạt động lễ hội với tình cảm rất thân tình, đầm ấm. Sau 2 năm vì dịch bệnh không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, Katê năm nay thực sự là đông vui…”.

Đọc thêm