Những kẻ khốn cùng lừa những người khốn khổ

(PLO)- Từng là nạn nhân của nạn mua bán người nhưng sau đó họ lại lừa nhiều người khác vào cảnh khốn khổ như mình đã chịu đựng để được hưởng tiền hoa hồng.

TAND tỉnh Hậu Giang vừa đưa ra xét xử sơ thẩm đối với ba bị cáo gồm: Lê Văn Lợi (26 tuổi), Dương Minh Cảnh (19 tuổi) và Phạm Văn Nhứt (27 tuổi) cùng về tội mua bán người.

HĐXX tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, xác định thêm số bị hại và số tiền các bị cáo hưởng lợi thông qua việc mua bán người.

Bị lừa rồi lại đi lừa bán người khác

Cáo trạng nhận xét với bản chất lười lao động, hám lợi, khi biết mình bị lừa, Lợi, Nhứt, Cảnh đã sử dụng thông tin gian dối lừa người khác sang Campuchia làm việc để hưởng tiền hoa hồng.

Theo đó, tháng 2-2022, trong lúc đang làm thuê ở TP.HCM, Lợi được rủ sang Campuchia làm cho một công ty game. Mức lương khá hấp dẫn 350 USD/tháng (khoảng 20 triệu đồng), chỉ cần biết đánh máy tính, không cần chuẩn bị giấy tờ, mọi chi phí xuất cảnh do công ty thanh toán.

Đến Campuchia làm việc được vài ngày, Lợi mới biết mình đã bị bán cho Công ty RW và bị ép lừa khách hàng thông qua các ứng dụng để thu lợi bất chính. Mỗi ngày Lợi phải làm việc 12-13 tiếng, không được nghỉ trưa, làm hết giờ không được ra khỏi công ty, nếu trốn sẽ bị đánh.

Sau đó, Lợi bị bán sang một công ty khác ở gần cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Do sợ bị bán qua nhiều công ty thì tiền chuộc sẽ tăng nên Lợi xin gia đình chuyển 53 triệu đồng để được trở về Việt Nam.

Ba bị cáo Lê Văn Lợi, Dương Minh Cảnh và Phạm Văn Nhứt cùng bị đưa ra xét xử về tội mua bán người. Ảnh: AH

Trong thời gian làm việc tại Công ty RW, Lợi liên lạc với một số người cùng quê. Biết được nhu cầu tìm việc của họ, Lợi đã tư vấn giống như Lợi từng bị lừa trước đây. Tám người, trong đó có Cảnh và Nhứt đã tin lời, sang Campuchia làm việc để rồi vỡ mộng về một “vùng đất hứa”.

Về phần Cảnh, sau khi bị Lợi lừa sang Campuchia làm chung công ty, Cảnh đã liên lạc và tư vấn cho một số người quen ở Hậu Giang để vô công ty làm kiếm tiền. Những người này rủ thêm bạn bè, người quen ở Đồng Tháp, TP.HCM sang Campuchia…

Lừa được bốn người, Cảnh nhận được 400 USD tiền hoa hồng. Trong quá trình làm việc tại Công ty RW, do không đạt chỉ tiêu, sợ bị đánh, bị bán, tháng 8-2022, Cảnh đã vượt sông Bình Di (tỉnh An Giang) trốn về Việt Nam.

Tương tự, Nhứt cũng dùng thông tin gian dối lừa một người và nhận được 6 triệu đồng. Sau đó, cũng sợ bị đánh, bị bán… nên Nhứt phải xin gia đình chuyển 100 triệu đồng rồi trốn về Việt Nam.

Phải liều mình bơi qua sông để thoát “địa ngục trần gian”

Trước đó, tháng 8-2022, người quản lý sòng bạc Golden Phoenix (thuộc xã Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) bị bắt vì có hành vi tuyển dụng lao động Việt Nam bất hợp pháp và không trả cho họ mức lương đã thỏa thuận.

Một video clip đã ghi lại cảnh tượng xót xa: Hàng chục công dân Việt Nam là nhân viên sòng bạc ở Campuchia cố gắng vượt qua con sông biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để thoát khỏi sự đàn áp của giới chủ sòng bạc.

Những công dân Việt Nam này cho biết họ bị lừa qua làm việc tại sòng bạc “địa ngục” này. Họ đã phải thực hiện cuộc tẩu thoát đầy nguy hiểm khi sòng bạc vừa mở cửa và chỉ có 7-8 người canh gác. Trong những người bỏ chạy có 1 người chết đuối và 11 người bị bắt lại.

11 người lao động Việt bị bắt lại cho biết họ bỏ trốn do tranh chấp với những người quản lý quanh việc sòng bạc không tuân thủ hợp đồng. Cụ thể là sòng bạc đã hứa trả cho họ mức lương 800 USD/tháng nhưng chỉ trả 400 USD hoặc 500 USD/tháng. Không ai trong số họ có hộ chiếu.

Cảnh sát Việt Nam và Campuchia đã hợp tác để giải quyết vấn nạn nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn. Nạn buôn người dưới hình thức lừa đảo lao động không còn mới ở Campuchia. Rất nhiều trường hợp người nước ngoài (thường là công dân Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam) bị lừa đến Campuchia làm việc với chiêu dụ dỗ thu nhập hấp dẫn.

Khuyến cáo của công an để ngăn chặn việc mua bán người

Trước thủ đoạn tinh vi, lời mời chào đầy hấp dẫn để lừa người Việt Nam sang Campuchia làm việc rồi bóc lột sức lao động, đánh đập, Công an tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức trong quản lý, giáo dục con em. Theo đó, không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo trở thành tội phạm mua bán người hoặc nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Ngoài ra, cần cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm mua bán người như kết hôn với người nước ngoài thông qua mai mối, làm việc nhẹ lương cao... Khi phát hiện tội phạm mua bán người hoặc các trường hợp nghi vấn, bà còn cần chủ động báo với cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới