Những kế sách hiệu quả trong phòng chống dịch tại Bắc Giang

Với sự tấn công bất ngờ và dồn dập của virus SARS-COV-2, Bắc Giang có những lúng túng ban đầu nhưng đến nay, tình hình đã được kiểm soát. Có được kết quả như hôm nay là nhờ những kế sách mới của Bộ Y tế và phải kể đến bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đang làm việc tại đây.

Xét nghiệm cấp tốc COVID-19 tại Bắc Giang. Ảnh: HP

Thay đổi phương án cách ly, xét nghiệm

Đợt dịch lần này tại Bắc Giang so với các làn sóng dịch trước đó tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương có rất nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan lẫn mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Bắc Giang và bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế gặp phải vấn đề nan giải, khi quy mô lây lan dịch bệnh tại địa phương diễn ra nhanh trên diện rộng, xuất hiện số lượng lớn ca mắc ở nhiều ổ dịch. Đặc biệt, do dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên số lượng công nhân có liên quan dịch tễ tại ổ dịch quá lớn, lên tới vài chục ngàn người, dẫn tới thực tế là không thể tổ chức cách ly tập trung hết được những người này.

Để ứng phó tình huống cấp bách trên, các chuyên gia của Bộ Y tế thuộc tổ điều tra, giám sát dịch tễ do PGS-TS Trần Như Dương đứng đầu, đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng phong tỏa ngay các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu... Đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực này để thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ nhằm khoanh vùng, khống chế dịch ngay.

Cùng với các biện pháp trên, Bắc Giang cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm quét định kỳ ba ngày/lần tại những khu vực phong tỏa để phát hiện và đưa nhanh người nhiễm ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình làm sạch ổ dịch, được tỉnh đã và đang làm rất kiên trì, thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp/mẫu đơn được chỉ định linh hoạt theo tình hình dịch tại từng khu vực, test nhanh cũng được vận dụng đa dạng.

Phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng thực hiện theo hình thức mới, chia nhỏ các nhóm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu nhằm hạn chế tới mức tối đa việc lây nhiễm chéo. Nhờ áp dụng phương pháp mới trên mà các ổ dịch nóng tại Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng (huyện Việt Yên) đã từng bước được sàng lọc, làm sạch.

 

Thêm 211 ca nhiễm mới trong ngày 

Bộ Y tế tối 7-6 ghi nhận thêm 75 ca nhiễm COVID-19 mới trong nước. Như vậy trong ngày 7-6, Việt Nam ghi nhận thêm 211 ca trong nước, trong đó 200 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca tại Bắc Giang lên 3.211, Bắc Ninh 1.122, Hà Nội 438, TP.HCM 422, Bình Dương 8.

Phân loại bệnh nhân để thuận lợi điều trị

Một khó khăn mà Bắc Giang gặp phải chính là công tác điều trị bệnh nhân, với số lượng bệnh nhân quá lớn, không thể nào thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến cùng lúc vì rất tốn kém và mất thời gian.

Bộ phận thường trực đã thảo luận và thống nhất với UBND tỉnh Bắc Giang để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của tỉnh. Cụ thể, tận dụng ký túc xá các trường CĐ Ngô Gia Tự, CĐ nghề công nghệ Việt - Hàn, Trung tâm Chăm sóc người có công… và một số cơ sở khác nhằm thiết lập làm cơ sở thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân mắc COVID-19.

Điểm mới thứ hai trong công tác điều trị lần này, tổ điều trị nhận thấy biểu hiện lâm sàng của ca bệnh khác với đợt dịch trước. Cụ thể là ngay cả những người trẻ không có bệnh nền thì diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, thường xảy ra từ ngày thứ bảy đến ngày thứ 10, chỉ cần từ khi có triệu chứng sau vài ngày đã xuất hiện mờ trắng hai bên phổi. Do đó, nguy cơ tử vong có thể ở các nhóm độ tuổi. Vì vậy, để đáp ứng dự báo tình hình số ca mắc tăng nặng, phương án thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất từ trước đến nay đã được ra đời, đáp ứng yêu cầu với đầy đủ hệ thống và phương tiện cần thiết.

Ngoài việc lựa chọn BV Phổi Bắc Giang để thiết lập trung tâm hồi sức tích cực với 58 giường, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) quy mô lớn nhất miền Bắc với 101 giường đã được ra mắt ngày 4-6, sau năm ngày khẩn trương triển khai thi công. Để vận hành được trung tâm ICU này, Bộ Y tế đã huy động các kíp chuyên môn kỹ thuật từ các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh để cùng tham gia vận hành. Qua đây cũng là dịp để các y, bác sĩ ở tỉnh Bắc Giang trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để tham gia vào điều trị bệnh nhân nặng trong đợt dịch này.•

 

Bắc Giang điều chỉnh mức độ cách ly phòng dịch COVID-19
tại hai huyện

Ngày 7-6, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định về điều chỉnh áp dụng biện pháp cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, hai huyện Lục Nam và Yên Thế sẽ được chuyển từ giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng sang Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Việc điều chỉnh bắt đầu từ 12 giờ ngày 7-6.

Sau khi điều chỉnh, việc thực hiện giãn cách xã hội tại hai huyện này gồm: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 10 người trong một phòng; không tụ tập từ năm người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm