Nhóm statin làm giảm cholesterol và LDL là chính, giảm nhẹ triglycerid và tăng nhẹ HDL (lipoprotein tỉ trọng cao). Cụ thể, trên chuyển hóa lipid nhóm thuốc này làm: giảm cholesterol 15%-30%, giảm LDL 18%-55%, tăng HDL 5%-15%, giảm triglicerid 7%-30%. Liều dùng của nhóm thuốc này tùy theo hoạt chất và tình trạng của bệnh nhân.
Máu nhiễm mỡ còn được gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu hay mỡ máu cao. Ảnh minh họa.
Ban đầu, bác sĩ thường kê liều thấp nhất rồi tăng dần theo tình trạng bệnh. Một điều lưu ý khi điều chỉnh liều statin là cần đưa LDL cholesterol của bệnh nhân về mục tiêu cần đạt là giảm ít nhất 30%-40% nồng độ LDL cholesterol và giảm trên 50% trong trường hợp phải hạ được LDL cholesterol xuống còn dưới 70 mg/dl. Không nên dùng một lượng nhỏ thuốc điều trị vì giảm được ít LDL cholesterol, hầu như không thể đạt được mức khuyến cáo.
Để đạt được hiệu quả tối đa, cần tăng liều statin (và các chất hạ lipid máu khác) sau mỗi 4-6 tuần để đưa nồng độ LDL cholesterol đạt theo tiêu chuẩn. Một khi đã đạt được mục tiêu, nên kiểm tra nồng độ lipid máu sau mỗi 6-12 tháng. Ngoài một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn thì người ta thường lưu ý đến tác dụng gây đau và tiêu cơ vân do tăng phân giải cơ dẫn tới myoglobulin niệu của nhóm thuốc này.
Tuy nhiên, tác dụng phụ này hiếm xảy ra khi sử dụng liệu pháp hạ lipid đơn độc.
Đối với bệnh nhân có rối loạn lipid máu, việc điều trị có hiệu quả tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn và luyện tập. Cần duy trì cân nặng lý tưởng, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý như giảm lượng chất béo bão hòa (mỡ động vật), dùng chất béo không no thay thế (dầu thực vật), giảm bia rượu, tăng rau quả tươi, hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật,...
Chúc bạn thành công!
BS Nguyễn Thị Hương
Theo suckhoedoisong