Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc: Bài ca không quên

(PLO)- Ra mắt bạn đọc giữa những ngày trước thềm kỷ niệm Ngày Thương Binh - Liệt sĩ 27-7-2024, sự có mặt của cuốn sách Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc còn như một lời tri ân và khẳng định: Không sự hy sinh nào bị quên lãng!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Biên cương đã im tiếng súng, nhưng thời gian không thể làm suy suyển sự thật và bản chất lịch sử. Lịch sử cần được nhìn nhận, ghi nhớ, không phải nhen lên thù hận dân tộc, mà để xây đắp cho ước vọng hoà bình, để chúng ta không bao giờ bị bất ngờ trong nhiệm vụ tối hậu: bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng..."

Đó là lời giới thiệu của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam về cuốn sách Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc.

những mảnh ký ức.jpg
Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc được nhóm tác giả Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh ấp ủ từ 10 năm trước và thực hiện trong 3 năm, cuốn sách vừa được NXB Trẻ ấn hành đầu tháng 7 này là một công trình đúng nghĩa.

Được nhóm tác giả Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh ấp ủ từ 10 năm trước và thực hiện trong 3 năm, cuốn sách Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc vừa được NXB Trẻ ấn hành đầu tháng 7 này là một công trình đúng nghĩa.

Tôi đã tự hỏi nó thuộc thể loại nào, bởi một cuốn sách ngồn ngộn tư liệu, được diễn đạt và trình bày rất báo chí, lớp lang và khoa học như một hồ sơ; song những tư liệu, hồi ức rất trung thực (các tác giả không dụng công để diễn đạt lại) vẫn chứa đầy cảm xúc về một thời bi tráng, lộng lẫy kể cả trước cái chết của những người trẻ để bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Là những mảnh hồi ức, nhưng cách sắp xếp dữ kiện của cuốn sách cho phép người đọc đặt hồi ức ấy vào những diễn biến ngoại giao, chính trị để lý giải, để cho thấy sự chính nghĩa, để khẳng định một tình yêu to lớn và giản dị của người dân Việt Nam, của mỗi người lính với đất nước bé nhỏ này. Thông qua những mảnh hồi ức của 120 nhân vật là người trong cuộc. Dù đó là một trinh sát pháo binh, một sĩ quan quân khí, một chỉ huy hay là một người dân, tất cả chỉ có một mục tiêu là chiến đấu để giữ đất bằng mọi giá.

Tác giả không nói ra, nhưng những hồi ức chân thật được trình bày trong cuốn sách đã gián tiếp lý giải một cách đầy tự hào vì sao đất nước này qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, qua bao mưa bom bão đạn, vẫn hiên ngang sừng sững trọn vẹn đến bây giờ: Tình yêu hoà bình, yêu đất nước, nâng niu chủ quyền thiêng liêng để sẵn sàng sống và chết vì nó là mạch nguồn chảy suốt trong lòng dân tộc, qua bao nhiêu thế hệ.

Không có bài báo, cuốn sách nào được viết ra mà tác giả của nó không cảm thấy nuối tiếc, ray rứt về những điều chưa trọn vẹn. Cuốn sách này cũng thế.

Tuy nhiên để chắt chiu được 300 trang sách, các tác giả đã tiếp xúc với một lượng thông tin đồ sộ, phỏng vấn hàng trăm nhân chứng và thực địa ở nhiều địa phương, địa danh trải dài hơn 1400 km biên giới và mặt trận...

Cả ba tác giả Đào Thanh Huyền, Hà Hương và Phạm Hoài Thanh đều nói cuốn sách có những điều chưa trọn vẹn, thông tin về các mặt trận chưa thật sự cân bằng:

sách 2.jpg
"Gần 120 người kể chuyện bao gồm người dân và cựu chiến binh là con số nhỏ nhoi so với hàng trăm ngàn người đã trải qua 10 năm bi thương ở biên giới" - Hà Hương.
z5644804979658_c9f3cfc9dbd62986c2aab6f2dd1f2f90.jpg
"Chúng tôi cố gắng chắp nối những mảnh vụn hồi ức của những người trong cuộc, với hy vọng người đọc sẽ cảm nhận rõ hơn về chiến tranh và trân trọng những gì ta đang có trong hoà bình" - Phạm Hoài Thanh.
sách.jpg
"Cũng bởi phần lớn người kể chuyện cho chúng tôi không viết hồi ký. Ghi chép của họ, nếu có, chỉ là những mẩu rất nhỏ của ký ức" - Đào Thanh Huyền.

Dù vậy, 300 trang hồ sơ về cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc đã dựng lên chân dung một cuộc chiến đấu.

Cuốn sách Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc góp phần lấp đầy những khoảng trống tư liệu và nối dài những cảm xúc đáng trân trọng, tự hào về những gì đồng bào, chiến sĩ ta đã làm trong một giai đoạn 10 năm "trong lúc tôi và bạn bè mải miết với công việc và hưởng thụ cuộc sống thì hàng vạn trai trẻ gồng mình dưới bom đạn vô cùng khốc liệt..." (Phạm Hoài Thanh).

Vì thế, Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc ra mắt bạn đọc giữa những ngày trước thềm kỷ niệm Ngày Thương Binh - Liệt sĩ 27-7-2024, sự có mặt của cuốn sách còn như một lời tri ân và khẳng định: Không sự hy sinh nào bị quên lãng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm