Chiến thắng Điện Biên Phủ qua ký ức của người lính - Bài 4: Ấm lòng vì sự thay da đổi thịt của đất nước

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024)

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua ký ức của người lính - Bài 4: Ấm lòng vì sự thay da đổi thịt của đất nước

(PLO)- Sống trong hòa bình và cảm nhận rõ những thay da đổi thịt của đất nước hôm nay, những chiến sĩ Điện Biên năm ấy không khỏi tự hào và thấy ấm áp trong lòng.

Ký ức của những chiến sĩ Điện Biên là một phần quan trọng trong lịch sử Việt Nam và vẫn đọng mãi trong tâm hồn họ. Họ đã hy sinh, chiến đấu với quyết tâm cao cả để bảo vệ đất nước và dân tộc. Mỗi tấc đất, mỗi chiến hào, mỗi lô cốt đều thấm đẫm những kỷ niệm của một thời hoa lửa hào hùng. Họ cũng là những người mà hơn nửa đời đã sống và đi gần hết dòng chảy lịch sử dân tộc, từ chiến tranh cho đến hòa bình.

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đang sinh sống tại TP.HCM để góp nhặt những ký ức khó quên của một thời bom đạn. Đó là những ký ức mà thế hệ trẻ ngày hôm nay khó có thể mường tượng và hiểu hết được.

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua ký ức của người lính
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi ông Nguyễn Đình Xường. Ảnh: THANH TUYỀN

Không có chỗ cho sự chùn bước

Dù đang mệt nhưng khi nghe đến hai từ “Điện Biên”, ông Nguyễn Đình Xường, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 351 (90 tuổi, quê TP Vinh, hiện sinh sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) như sống lại một thời hoa lửa. Ông Xường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ ngày đầu đến khi kết thúc chiến dịch.

“Chúng tôi hồi đó ra trận, luôn hừng hực khí thế và dũng mãnh. Nước nhà đang khó, đâu có chỗ cho sự chùn bước” - ông Xường nói và tự hào khi nhắc về những năm tháng tham gia chiến trận từ độ tuổi 20.

Ông được huấn luyện trong ba tháng, sau đó tham gia nhiều cuộc chiến rồi mới đánh trận Điện Biên Phủ. Đội của ông Xường khi đó có 34 người nhưng trong trận chiến ấy đã có 14 đồng đội của ông hy sinh. “Chiến tranh khắc nghiệt lắm, đánh giặc là một phần, nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống mà không làm gì được vẫn phải tiếp tục chiến đấu, tôi xót và đau lắm” - ông Xường xúc động.

Công việc của ông là quan sát tình hình thực tế và tham mưu để các chiến sĩ đưa pháo vào ra đúng vị trí quy định nhằm đánh bộc phá các hầm của địch. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, ông tham gia luôn vào việc đào hầm quanh đồi A1, làm giao thông hào.

Ông Nguyễn Đình Xường chia sẻ nỗi sợ của các chiến sĩ ngày đó không phải là cái chết hay bị thương. “Sợ đói là chính. Vì đói là không có sức đào hầm, trụ vững ở chiến trận dài ngày, dần kiệt sức” - ông Xường kể lại và cho biết rất nhiều sư đoàn ở khu vực đồng bằng khi đó đã luôn túc trực ngày đêm, canh giữ vòng ngoài để giữ chân giặc, không phá đường tiếp tế lương thực của quân ta.

chien-thang-dien-bien-phu-qua-ky-uc-cua-nguoi-linh-bai-4-am-long-vi-su-thay-da-doi-thit-cua-dat-nuoc.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trò chuyện với ông Trần Quốc Dũng, chiến sĩ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong khi cánh bộ binh, pháo binh đang tham gia trực tiếp đánh đồi A1, ông Trần Quốc Dũng, năm nay đã 92 tuổi, cũng có mặt trong suốt những ngày giao tranh ác liệt của trận chiến Điện Biên Phủ ở một chiến tuyến khác. Nhiệm vụ của ông là cùng đồng đội vận chuyển lương thực, đạn dược, vũ khí cung cấp cho chiến trường từ Cao Bằng lên đến Điện Biên Phủ.

“Khó khăn nhất là chúng tôi phải tìm cách vận chuyển 16.000 tấn gạo và 1.200 tấn đạn dược, vũ khí lên Điện Biên Phủ. Phía Liên Xô đã tài trợ cho ta hơn 600 xe tải, ta huy động 11.800 xe đạp thồ với 11.000 dân công để vận chuyển liên tục, đảm bảo lương thực, thực phẩm, đạn dược cho Điện Biên Phủ” - ông Dũng lần giở những trang ký ức của mình và nói đường vận chuyển cũng lắm gian truân khi trên trời là địch, dưới đất cũng có địch, đường sá lúc đó lại không như bây giờ.

Kỳ vọng vào thế hệ tương lai

Trong không khí của những ngày tháng 5 lịch sử, tại TP.HCM, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa được trải nghiệm chuyến tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử toàn tuyến tự động.

Ông Phan Hải Tân (92 tuổi), một trong những chiến sĩ Điện Biên có mặt trên chuyến tàu nói ông không giấu được sự xúc động khi nhìn thấy sự thay da đổi thịt của TP hiện đại bậc nhất cả nước. Không chỉ riêng TP.HCM, từng con đường, bộ mặt đô thị của những địa phương khác cũng khiến người chiến sĩ năm xưa thấy ấm lòng.

Ông Tân từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ở Trung đoàn 77 với nhiệm vụ chính là huấn luyện, đưa quân ra chiến trường. “Từng trải qua một thời gian dài khó khăn của đất nước, tôi còn sống đã là một sự may mắn. Sống trong hòa bình và nhìn thấy rõ những đổi thay của đất nước, một người chiến sĩ như tôi thấy vui lắm” - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa chia sẻ.

AnhchinhP2_2.jpg
Ông Thái Hiệp Chánh đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Thái Hiệp Chánh, quê ở Bạc Liêu, từng tham gia vào chiến dịch chung của trận Điện Biên Phủ ở khu vực miền Tây. Thời điểm đó, ông Chánh tham gia quân sự, chính trị, công tác Đảng…

Dù không trực tiếp tham gia ở Điện Biên nhưng những mặt công tác dân vận chính quyền, vận động quần chúng cùng ủng hộ tinh thần chiến sĩ Điện Biên là rất cần thiết. Ông Chánh bảo ngày hay tin chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với phần thắng thuộc về quân dân ta, cả miền Nam vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Khi tham gia buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1, ông Chánh nói đầy tự hào: “Tôi rất xúc động vì nhiều anh em chiến sĩ khắp mọi miền đất nước cùng thời với tôi đã không thể nhìn thấy rõ hơn sự thay da đổi thịt của đất nước mình. Tôi nhớ đến họ. Tôi cũng thấy tự hào vì thế hệ ngày nay đã tiếp nối những giá trị mà thế hệ trước đã đánh đổi bằng máu thịt của mình, gầy dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, ngang hàng với các nước khác”…

Khi hòa bình được lập lại, các chiến sĩ Điện Biên năm ấy lại tiếp tục tham gia các công tác khác, cùng chung tay xây dựng và phát triển đất nước. Như ông Trần Quốc Dũng giữ chức phó hiệu trưởng Trường Giao thông kỹ thuật cho tới khi về hưu. Hay ông Thái Hiệp Chánh vẫn năng nổ tham gia nhiều hoạt động ngay tại địa phương, hiện ông là trưởng ban hưu trí phường, là thành viên Mặt trận của phường, trưởng tổ cựu tù chính trị, tham gia Hội Cựu chiến binh phường.

Và những ngày này, khi ngồi kể lại ký ức còn lại của mình cho thế hệ con cháu nghe, những cựu binh từng trực tiếp tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước còn không biết hết tất cả người đồng đội của mình ở mặt trận, binh đoàn khác nhau.

Dù họ không biết nhau nhưng trái tim của những người lính năm đó vẫn luôn sục sôi tinh thần đấu tranh, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Dù không biết nhau nhưng họ đã cùng chung một dòng máu, cùng chung nỗi đau đáu về sự tự do, để rồi cùng nhau đi qua cuộc chiến, đắp xây hòa bình cho thế hệ mai sau.

Cùng góp sức, tích cực đóng góp xây dựng đất nước

Hội Cựu chiến binh TP.HCM hiện có hơn 67.000 hội viên. Trong những năm qua, hội đã tích cực tham gia xây dựng bảo vệ đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Nhiều cựu chiến binh tham gia cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở, ở ấp, khu phố.

Các cấp hội cũng có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo thực hiện các cuộc vận động, phong trào địa phương, chăm lo gia đình chính sách, đồng bào nghèo trên địa bàn TP và các tỉnh trên cả nước; đồng thời tham gia tổ hòa giải, xây dựng tình nghĩa khu phố, xóm ấp trong các khu dân cư.

Hội Cựu chiến binh cũng có nhiều giải pháp, động viên cựu chiến binh nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Thiếu tướng NGUYỄN MINH HOÀNG, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM

*****

Tri ân công lao to lớn của các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), sáng 6-5, ông Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cùng đoàn đại biểu Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Tân, đã đến thăm, tặng quà cá nhân trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và gia đình liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tham gia cùng đoàn có Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp.

Đoàn đến thăm và tặng quà ông Lê Kiểu, sinh năm 1930, thương binh, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ngụ phường An Lạc. Tháng 2-1954, ông Lê Kiểu tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại đơn vị Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 333 Bộ Tư lệnh Công binh, bị thương năm 1958 tại sân bay Điện Biên Phủ.

Le Kieu.jpg
Ông Dương Ngọc Hải và ông Huỳnh Khắc Điệp trò chuyện với chiến sĩ Điện Biên Lê Kiểu. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Tại đây, ông Dương Ngọc Hải đã ân cần thăm hỏi ông Lê Kiểu và gia đình. Ông Dương Ngọc Hải đã bày tỏ sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của ông Lê Kiểu và các cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch đã đóng góp công lao to lớn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng TP ngày càng phát triển.

Ông Dương Ngọc Hải chúc ông Lê Kiểu mạnh khỏe, sống vui, sống khỏe, trường thọ, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, tiếp tục đóng góp xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Ông Lê Kiểu bày tỏ niềm vui, xúc động trước tình cảm của lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo quận Bình Tân đã quan tâm, nhớ đến các cựu chiến binh năm xưa từng chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời, ông mong muốn TP và quận tiếp tục quan tâm, thực hiện nhiều chính sách chăm lo cho các gia đình có công, gia đình chính sách đã tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Cùng ngày, đoàn công tác cũng đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tạo, người thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ngụ phường An Lạc. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng. PQ

*****

Hôm nay, kỷ niệm trọng thể 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ diễn ra vào 7 giờ 45 sáng 7-5 tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đây là sự kiện chính thức và quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức.

P3_Tin_minhanh_1h.jpg
Khối phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh do các học sinh ở TP Điện Biên Phủ rước trong buổi duyệt chương trình. Ảnh: VN

Tham dự sự kiện có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, TP và đại biểu tỉnh Điện Biên khoảng 900 đại biểu; đồng thời 270 đại biểu quốc tế, PV báo chí nước ngoài đến dự sự kiện này.

Chương trình buổi lễ gồm các hoạt động: Nghi lễ chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm; phát biểu của đại diện chiến sĩ Điện Biên; phát biểu của đại diện thế hệ trẻ; nghi lễ trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Điện Biên.

Sau lễ mít-tinh tại sân vận động tỉnh Điện Biên sẽ là lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của khoảng 12.000 người, gồm tất cả lực lượng của quân đội, dân quân tự vệ và công an, các ban ngành, đoàn thể xã hội.

Chương trình lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền quốc thiều nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau đó là phần trình diễn của chín máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài.

Tiếp đó là phần trình diễn của khối diễu binh (bốn khối nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an) và khối diễu hành (chín khối cựu chiến binh, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc) và cuối cùng phần trình diễn của khối nghệ thuật.

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn, quan trọng của lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 _ 7-5-2024) nhằm biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đọc thêm