Ông Nguyễn Xuân Thiều nguyên là chiến sĩ thuộc Bộ Tổng tham mưu, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số 30 Hoàng Diệu. “Đại tướng bình dị, gần gũi lắm. Cứ mỗi chiều, sau giờ làm việc, ông lại thay quân phục rồi xuống sân đánh bóng chơi thể thao với anh em cảnh vệ. Không phân biệt tướng - lính, mỗi người đều cố chơi hết sức mình”. Có lần ông Thiều va chạm bóng với Đại tướng bị té, chảy máu. “Anh Văn xem vết thương rồi bế thốc tôi vào khu nhà cảnh vệ nghỉ ngơi. Tối đó ông còn dặn cận vệ xuống xem tình hình sức khỏe của tôi thế nào”.
Lần đi nghỉ dưỡng tại Hạ Long, ông Thiều được mời lên ăn cơm cùng Đại tướng. “Bữa cơm đơn giản. Đại tướng vừa ăn vừa hỏi han chuyện gia đình ở miền Nam. Được Đại tướng quan tâm, tôi cảm động rơi nước mắt” - ông Thiều kể.
Ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn in đậm trong tâm trí người cựu binh già. Ảnh: TẤN TÀI
Mỗi dịp tết, Đại tướng lại xuống tận đơn vị chúc tết, động viên từng người. “Đến bữa cơm tất niên, ông cho người gọi mấy anh em cảnh vệ lên ăn cùng. Ban đầu, nhiều anh em còn ngại. Đồng chí cận vệ phải chạy xuống gọi hai lần mới dám lên. Với tôi, bữa cơm với anh Văn là bữa cơm ấm cúng và tràn đầy tình cảm gia đình nhất trong những ngày xa quê hương miền Nam”.
Cuối năm 1961, ông Thiều cùng sáu đồng chí khác nhận lệnh về Nam chiến đấu. Trước ngày đi, Đại tướng gọi lên, ân cần dặn: “Các anh vô đó sẽ phải chịu nhiều khó khăn gian khổ, cận kề cái chết. Nhưng phải giữ vững lòng trung thành với Đảng, với nhân dân. Phải tìm cách khôn khéo, “bịt mắt địch” mà hoạt động”. Đại tướng ôm chào, tạm biệt từng người. Ai cũng rưng rưng.
Nhận được tin Đại tướng qua đời, không đêm nào ông Thiều ngủ trọn giấc. Những kỷ niệm ngày xưa cứ tràn về. Ông Thiều ngậm ngùi ngâm mấy câu thơ vừa sáng tác: “Em ở xa Anh mấy dặm đường/ Nghe tin Anh mất quá đau thương/ Ước gì có cánh bay ra đó/ Quỳ trước linh sàn đốt nến hương…”.
TẤN TÀI