Những ngày cuối cùng của Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14

(PLO)-  BV dã chiến ba tầng số 14 (TP.HCM) đang bước vào những ngày cuối cùng trước khi giải thể, hoàn thành sứ mệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 suốt thời gian vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, TP đã lên kế hoạch tạm ngưng hoạt động các bệnh viện (BV) dã chiến, chỉ giữ lại BV dã chiến số 13.

Tất cả BV trên địa bàn TP phải vừa khám bệnh vừa lập Khoa COVID-19. Như thế đồng nghĩa với việc BV dã chiến ba tầng số 14 sẽ chính thức giải thể trong những ngày tới đây.

Tình đồng đội, nghĩa đồng bào tạo nên ký ức đẹp

Vào một buổi sáng nọ, chúng tôi có mặt tại BV dã chiến ba tầng số 14. Nơi đây đã từng là điểm tiếp nhận điều trị các ca bệnh COVID-19 có diễn tiến rất nặng. Thời điểm đó, BV ngập trong tiếng báo động liên tục của máy thở, tiếng monitor theo dõi bệnh nhân (BN) hay tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi, tiếng khóc cười của những cuộc chia ly, sum họp.

BS Nguyễn Thành Tâm ghé thăm trước khi bệnh viện giải thể. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Nguyễn Thành Tâm ghé thăm trước khi bệnh viện giải thể. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Vậy mà nay BV chỉ còn lại sự yên tĩnh và trầm lặng. Thỉnh thoảng có vài ba nhân viên tới lui hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng trước ngày nơi đây chính thức giải thể.

Gặp bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Tâm (BS BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM), người đã chiến đấu trong tâm dịch suốt 10 tháng qua ba BV dã chiến, anh cho biết BV dã chiến ba tầng số 14 là nơi cuối cùng anh tham gia chống dịch trong trận chiến với COVID 19 vừa qua.

Nhớ lại khoảng thời gian dịch lên đến đỉnh điểm, anh nói lúc đó mình và đồng đội làm việc 24/7 chứ không chia theo ca kíp. Một đội gồm năm BS, tám điều dưỡng phụ trách khoảng 300-400 BN. BN vô lúc nào thì nhận lúc đó, nhận vô theo dõi thường xuyên. Lúc đó mọi người gần như không có thời gian nghỉ ngơi mà phải làm việc liên tục.

“Có thể nói đây là cột mốc quan trọng, không thể quên trong sự nghiệp làm nghề y của tôi. Bởi lẽ chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian hết sức khủng khiếp mà sau này nhớ lại có lẽ chính bản thân tôi còn không dám tin” - BS Tâm trải lòng.

Đến hiện tại, khi BV dã chiến chính thức giải thể, ngoài những ký ức đau thương, những mất mát hy sinh, BS Tâm cũng đã giữ lại cho mình những mảng ký ức đẹp. Anh bộc bạch: “Ký ức đẹp nhất, sâu nhất trong trận dịch vừa qua đối với tôi có lẽ là tình đồng đội và nghĩa đồng bào. Anh chị em làm việc 24/7, không ngại khó, không ngại khổ và gần như tất cả đều tạm gác những hạnh phúc riêng tư mà dồn hết trí lực cho cuộc chiến cam go này” .

Khu điều trị bệnh nguy kịch nay chỉ còn lại những chiếc giường trống. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Khu điều trị bệnh nguy kịch nay chỉ còn lại những chiếc giường trống. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Tâm kể thêm: tình đồng đội là từ những món quà quê gia đình gửi hoặc cơ quan tiếp tế đến những chuyện vui buồn đều cùng chia sẻ cho nhau. Việc nào khó có anh em hỗ trợ, cùng ăn - cùng ở - cùng làm. Có thể nói nơi đây là gia đình thứ hai của nhân viên y tế tại thời điểm đó.

Nghĩa đồng bào là tinh thần tương thân tương ái được nhân lên và truyền đi rộng khắp. Hằng ngày có hàng chục chuyến xe chở hàng hóa, nông sản của bà con đóng góp từ các tỉnh, thành đến hỗ trợ cho TP.HCM. Các bếp ăn từ thiện, ATM gạo, xe chuyển bệnh từ thiện, những tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc BN F0 tại bệnh viện, những nhân viên y tế về hưu hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà… Có rất nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đóng góp tích cực trong trận dịch vừa qua.

BV Bệnh nhiệt đới tiếp quản BV dã chiến ba tầng số 14 từ ngày 15-12-2021. Qua gần năm tháng hoạt động, BV đã tiếp nhận và điều trị khoảng 400 ca mức độ nặng - nguy kịch, hơn 65% được xuất viện, hơn 25% số ca thở máy được cai máy thành công. Trong đó có hai ca chạy ECMO được điều trị thành công.

Nỗ lực cống hiến vì niềm vui chung của TP

BS Nguyễn Thành Tâm bồi hồi nói rằng, hơn 10 tháng tham gia chống dịch tại các BV dã chiến là một thử thách to lớn đối với anh. Tất cả đều mới mẻ, khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi cường độ làm việc rất cao. Có những lúc anh và đồng đội tưởng chừng như muốn gục ngã. Nhưng với ý chí quyết tâm cao, đội ngũ nhân viên y tế đã vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Với đội ngũ nhân viên y tế ở đây thời đỉnh điểm hay bây giờ, họ đến với BV dã chiến cũng chỉ vì người bệnh, vì sự bình yên của TP. Làm sao đem sức trẻ cống hiến để sớm đẩy lùi dịch bệnh, để TP quay về thời bình yên vốn có. Đây là những điều đẹp nhất mà có lẽ tôi sẽ lưu giữ mãi đến tận sau này” - BS Tâm bày tỏ.

Suốt 17 năm bền bỉ với công việc điều dưỡng, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã có năm tháng tham gia chống dịch tại BV dã chiến ba tầng số 14. Chúng tôi gặp chị trong những ngày cuối cùng trước khi BV giải thể.

Chị xúc động chia sẻ: “Tôi nhớ hoài hình ảnh một BN chạy ECMO đầu tiên được xuất viện sau mấy tháng ròng rã chiến đấu. Lúc đó lòng mình tự nhiên thấy vui và xúc động lắm, có lẽ vì cảm giác hoàn thành trách nhiệm giữ lại sự sống cho BN. Cũng nhớ những lần BN không hợp tác, chúng tôi phải chia sẻ, động viên rất nhiều”.

Chị Oanh kể lại những ngày đầu tiếp nhận công việc ở đây, mọi thứ phải thay đổi hoàn toàn từ thói quen hằng ngày đến cách tiếp xúc đồng nghiệp. Môi trường làm việc cũng khác đi rất nhiều, đi sớm về khuya đủ cả. Nhưng lâu dần chị cũng tập quen, thích nghi được với công việc, với tập thể.

“Tôi buồn vì khi tổng kết lại số ca tử vong trong thời gian đó thật sự quá nhanh và vô thường. Nhưng thật may vì mọi thứ đã qua đi, hiện tại TP đã gần như lấy lại sự bình yên vốn có của nó” - chị Oanh nghẹn ngào.

Thoáng chốc đã đến ngày BV dã chiến giải thể. Mấy ngày này, chị Oanh có mặt từ 7 giờ 30 để thực hiện công việc kiểm tra, rà soát công văn, giấy tờ, hồ sơ bệnh án, thống kê các trang thiết bị đã sử dụng và chuẩn bị công tác bàn giao tài sản cho Sở Y tế.

Có lẽ cảm giác đau lòng vẫn còn đọng lại trong thâm tâm của một người làm ngành y. “Nhắc về những điều từng trải ở nơi hằng ngày phải chứng kiến biết bao sự sống, cái chết, tôi không sợ hãi mà chỉ có cảm giác buồn. Tôi buồn vì khi tổng kết lại số ca tử vong trong thời gian đó thật sự quá nhanh và vô thường. Nhưng thật may vì mọi thứ đã qua đi, hiện tại TP đã gần như lấy lại sự bình yên vốn có của nó” - chị Oanh nghẹn ngào.

Một số hình ảnh những ngày cuối cùng tại BV dã chiến số 14:

Những chiếc giường trong khu chờ xuất viện, nệm đã được gấp

Những chiếc giường trong khu chờ xuất viện, nệm đã được gấp

Tủ đựng đồ cho bệnh nhân nay đã trống

Tủ đựng đồ cho bệnh nhân nay đã trống

Trang thiết bị y tế đã được kiểm tra, sắp xếp để chuẩn bị bàn giao

Trang thiết bị y tế đã được kiểm tra, sắp xếp để chuẩn bị bàn giao

Xe đẩy vệ sinh nằm gọn một chỗ, không còn dùng tới

Xe đẩy vệ sinh nằm gọn một chỗ, không còn dùng tới

Khu hồi sức đã vắng bệnh nhân

Khu hồi sức đã vắng bệnh nhân

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.