Thuở nhỏ tôi đã nghe ca khúc Thời hoa đỏ nhạc Nguyễn Đình Bảng phổ từ thơ Thanh Tùng nhưng chưa biết nhà thơ là người con của đất “hoa phượng đỏ” Hải Phòng. Chính mảnh đất ấy, nhà thơ đã để đời Thời hoa đỏ về một tình yêu quá đỗi đẹp. Và tôi chỉ mong một ngày nào đó được gặp ông dù chỉ một lần.
Nhà thơ Thanh Tùng (1935-2017)
Cơ duyên ấy đã đến, đó là quãng thời gian 1995-1996 tôi khăn gói vào Sài Gòn học đại học. Quen biết bạn thơ Lý Đợi, Bùi Chát và được hai bạn học cùng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCMđưa đến nhà riêng của tác giả Thời hoa đỏ trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh.
Tình nghệ sĩ dễ đồng cảm. Chỉ mới gặp lần đầu đã tay bắt mặt mừng. Tôi "chào chú", ông cười khì khì: "Trong văn chương không có chú cháu chỉ có anh-em" xưng "anh-em" (dù tuổi của ông bằng tuổi ba tôi). Thế rồi những bình bia hơi và vài bịch lạc rang kéo dài đến chiều tối. Tôi thích thú nghe ông đọc thơ, hai bạn thơ trẻ cũng cùng tranh nhau đọc những bài thơ mình sáng tác đã hoặc chưa in báo. Riêng tôi chỉ mê chứ chưa biết làm thơ.
Thời sinh viên nghèo khó, làm thêm bằng việc phụ chạy bàn nhà hàng, dạy kèm... nhưng hễ mỗi khi có "viện trợ" của gia đình từ Cam Ranh gửi vào là y như rằng tôi lại rủ Lý Đợi cùng đèo ông đi những quán bia hơi bình dân khi thì vỉa hè lúc lại ngồi bệt bên dòng kênh...
Rồi những trưa Sài Gòn nắng như đổ lửa tôi cùng Lý Đợi đến đèo ông đi trên chiếc xe đạp cà tàng ghé vào quán nhậu trên bờ kè (nay là đường Nguyễn Phúc Nguyên, hướng chạy ra sân khấu Lan Anh) làm vài bình bia hơi, ngồi ngắm những ngôi nhà tôn lợp lở dở. Tôi thi hứng buột miệng: Nhà em hứng nắng suốt buổi chiều. Ông cười giơ ly cụng, tuyệt nhiên không nói tiếng nào.
Sau đó tôi lại cùng nhà văn Phan Đức Nam có nhiều dịp uống rượu cùng ông. Nghe ông đọc những bài thơ mới hay bất chợt trong lúc thi tửu dâng tràn. Thanh Tùng bình dị là thế đó...
Những buổi ra mắt tập thơ của bạn bè, Thanh Tùng đều có mặt. Và người hay chở ông đến là nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Ông mê bạn bè cũng như mê thơ. Được sống trong không khí văn chương ông hồn nhiên như trẻ con. Ông đọc thơ và khóc ngon lành.
Thanh Tùng có "lý lịch" đặc biệt ở chỗ tuy không giữ vị trí hay tham gia cách mạng ông chỉ là công nhân đóng tàu ở Hải Phòng nhưng với thơ ông có chỗ đứng riêng. Bạn bè, đồng nghiệp yêu mến Thời hoa đỏ như chính con người ông cuồn cuộn cơ bắp, hào sảng, ăn to nói lớn không nhún nhường, rụt rè trước quan văn, quan võ nào cả. Rất nghĩa khí.
Rồi ông cũng ra tập thơ "Thời hoa đỏ" riêng cho chính mình và đoạt giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003. Đến năm 2005 ông trình làng tập thơ “Phương Nam Hành Trường Ca” (NXB Văn học, 2005). Đây là tập thơ thứ hai được Thanh Tùng ấp ủ sau nhiều năm vào Sài thành sinh sống.
Mở đầu trường ca:
Thế là thơ có thêm chỗ trú
Tôi tin có thể đến gõ cửa nửa đêm
Uống rượu và khoác lác
Tôi tin không phải trong mơ
Bởi mỗi cánh cửa mở ra có trời riêng rất thực
Có dây leo như đường viền xanh mướt của bài thơ
… Trong nhịp điệu dịu êm và bốc lửa
Tôi xin làm vệ sĩ của Người
Giữ gìn câu thần chú như giữ chìa khóa tòa kho bạc
“Vừng ơi mở cửa!”
Như giữ gìn trong sáng của thơ”.
Và ở đoản khúc 2 trở đi, nhà thơ miêu tả những nơi mình từng đặt chân đến bằng những kỷ niệm rất người:
Lắng nghe kênh Nhiêu Lộc thở than
Để thơ tôi đổi thay tội ác
Để thơ tôi không như người tối tối rửa chân rồi yên tâm đi ngủ
Và bước chân đưa nhà thơ đến với Cần Giờ, Vườn trầu (Bà Điểm, Hóc Môn), địa đạo Củ Chi… rồi nhà thơ mơ ước - một ước mơ quá đỗi bình thường như bao mong ước của nhiều người nhưng có thực hiện được hay không, nhà thơ cất tiếng:
…Ôi cái cười sảng khoái của ruộng đồng
Của tưng bừng quán xá
Xóa cho tôi yếu đuối cuối cùng
Gạt mọi đề phòng bất trắc
Như ban đêm không cần cài của
Lẽ nào phải cảnh giác với nắng, gió, trái cây và trẻ nhỏ.
Và đã là nhà thơ - công việc của người nói thay tiếng nói thời đại với trách nhiệm:
Thơ không thể mộng mơ
Khi ngoài kia nước lũ cuốn người đi
Khi trẻ em đang gào trên đê sạt lở
Khi kẻ gian đang rình mò ám sát cả bóng đêm
Khi những đoàn nông dân chờ trả lại ruộng đất
Ngủ đầy trên vỉa hè đường phố
Tôi đã vất vả bốn mươi năm làm thợ
Nhưng chưa thể nghỉ ngơi
Ăn một trái tươi phải trả lại gì cho vườn tược
Thơ phải là nước mắt và mồ hôi
… Tôi phải đem thơ đến những công trường, đường phố
Rót vào những hồn người đang khô khát
Vẻ đẹp thơ phải ra khỏi giá sách, xuống đường
Làm nước uống như nước dừa tươi
Đam mê thơ phải tranh giành với đam mê ma túy
Cứu tuổi trẻ hôm nay đang lao xuống bờ vực thẳm
Phải thay máu cho những “xóm liều” nhơ nhục để bước lên sang trọng của thơ
Liệu thơ có ru được vết thương lành?
Thành phố Sài Gòn ngày xưa của Nguyễn Hữu Cảnh khai hoang lập ấp, nay tự hào đã mang tên Người - thành phố Hồ Chí Minh hơn 40 năm (1976-2017), nay lại tự hào và vinh dự là “Thành phố anh hùng” trong thời kỳ đổi mới, càng phải là “Thành phố đi trước, về trước” - đó là mong ước thay nhân dân Sài Gòn nói của nhà lãnh đạo, còn nhà thơ thì sao? họ có cái mơ ước chung của thời đại, đó là:
Ngọn cỏ anh khâu lại dấu bom xưa
Câu hát xua đi mùi thuốc độc
Cho hạnh phúc về như trẻ con với kẹo
Cho máy reo giàu có Phương Nam
… Ta đang làm một Điện Biên tấn công vào khó nghèo
Thành phố dậy thì hoa lang thang khắp vỉa hè ôm gọi chân người quấn quýt
Những mắt nghèo cũng rủ được hoa về
Cho mồ hôi bụi bết, cho mệt mỏi ưu phiền
Cho những con đường rát nắng, oằn khô
Cho Sài Gòn mộng mơ – Sài Gòn xanh – Sài Gòn hoa.
Xưa thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính đã có một chuyến “Hành Phương Nam” thì nay Thanh Tùng - nhà thơ quai búa của Hải Phòng lại có trường ca “Phương Nam Hành” rất tình đời tình người vậy.
Vĩnh biệt ông một người làm thơ đã trọn vai trả nợ con chữ với đời. Riêng tôi vẫn nghe vang vọng một câu thơ hay nhất trong bài thơ Thời hoa đỏ "Trong câu thơ của em anh không có mặt"...
Một số hình ảnh những ngày rong chơi tôi chụp lưu lại được:
Thanh Tùng đọc thơ trong những buổi ra sách mới của bạn bè
Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn-người bạn cùng đồng hành với ông. Đây là bức ảnh tại tang lễ nhà văn Lê Văn Thảo (2016).
Thanh Tùng cùng bạn văn Nguyễn Khoa Đăng
Thanh Tùng say sưa đọc tập sách do tôi ký tặng
Nhân dịp ra tiểu thuyết lịch sử "Năm Lăng- Anh hùng thư sinh" tôi đã đãi ba người anh bằng tiệc rượu nhắm gà luộc. Đây cũng là bức ảnh cuối cùng khi tôi được uống rượu cùng ông. (Từ phải sang): Nhà văn Nguyễn Mạnh Cường, nhà thơ Thanh Tùng, nhà văn Phan Đức Nam và tôi.