Dù khó khăn trăm bề nhưng rất nhiều nghệ sĩ vẫn gồng gánh, cống hiến bằng cả trái tim để giúp sân khấu kịch luôn sáng đèn.
Một thời vàng son của sân khấu kịch
Nói về thời hoàng kim của sân khấu kịch,NSƯT Thành Hội của Sân khấu Hoàng Thái Thanh nhớ lại: “Tôi từng sống trong thời kỳ của kịch nói. Khi đó, hoạt động lưu diễn luôn cực kỳ thu hút.
NSƯT Mỹ Uyên và nghệ sĩ Chánh Trực. Ảnh: FBNV |
Sau khi tốt nghiệp trường sân khấu, tôi về diễn tại đoàn kịch Cửu Long Giang từ năm 1981. Đây là đoàn kịch tiền thân của Nhà hát kịch TP.HCM bây giờ.Ngày ấy, khán giả xếp hàng rồng rắn, nối đuôi nhau đi xem kịch”.
Gắn bó với 5B từ những năm cuối thập niên 1990, NSƯT Mỹ Uyên khi đó là một cô diễn viên trẻ, vừa có một số vai diễn gây ấn tượng trên truyền hình.
Từ những vai diễn nhỏ đến vai chính rồi đạt NSƯT và trở thành bà bầu của 5B nhưng đối với nữ nghệ sĩ, những ký ức về thuở mới vào nghề hay giai đoạn giao thời, lúc sân khấu kín rạp cứ mới mẻ như vừa diễn ra vào ngày hôm qua.
NSƯT Mỹ Uyên tâm sự: “Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã trải nghiệm công việc tại sân khấu chuyên nghiệp là Nhà hát kịch TP. Sau đó, tôi mới về Sân khấu 5B.
NSƯT Thành Hội trong vở Bên kia... nửa đời ngơ ngác. Ảnh: NSCC |
Khi về 5B, tôi gần như phải học lại từ đầu vì đó là mô hình sân khấu nhỏ, thoại trực tiếp không micro. Do đó, sau khi mở lớp dạy diễn xuất tôi vẫn nói các em cần phải luôn học qua từng vai diễn, qua từng tác phẩm mà ta nhận được” - nữ nghệ sĩ trải lòng.
Hết mình cống hiến dù thời thế đổi thay
Theo dòng chảy của thời gian, khán giả đón nhận những tiến bộ vượt bậc của xã hội cũng là lúc hào quang sân khấu kịch đã dần lùi lại.
Đặc biệt, sau hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, sân khấu kịch càng gặp khó khăn muôn phần. Khán giả ra rạp ngày càng ít khiến phần lớn các ông bà bầu phải bù lỗ. Nhiều sân khấu kịch dần đóng cửa hoặc chuyển sang phương thức hoạt động mới.
Mong khán giả đến với sân khấu chính thống
Tôi nghĩ khán giả trẻ nên đến sân khấu chính thống xem xiếc, xem kịch, xem nhạc giao hưởng, ca múa nhạc, kịch, cải lương, hát bội… Đó là điều những người làm sân khấu chính thống rất ao ước và mong mỏi. Cần lắm sự yêu thương của khán giả để chúng tôi còn sức, còn tinh thần và tình yêu để giữ lửa nghề.
NSƯT MỸ UYÊN
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, NSƯT Mỹ Uyên bày tỏ: “Những anh chị được gọi là ông bà bầu để đứng mũi chịu sào lèo lái con thuyền của mình đã đóng cửa và chọn cách diễn theo mùa.
Thực sự, câu nói chọn diễn theo mùa cũng chỉ là cách dùng từ để xoa dịu thôi chứ thực ra họ cũng nản lắm dù các anh chị vẫn luôn muốn sống chết với nghề và bản thân tôi cũng vậy.
Mỗi tối nhìn xuống hàng ghế khán giả vắng lặng thấy chắc chắn là bù lỗ dù buồn nhưng cũng cố gắng duy trì sân khấu sáng đèn. Và với tôi bây giờ cũng không còn trẻ gì nhưng vẫn cứ cố gắng giữ lửa. Mình còn sức thì còn làm thôi”.
NSƯT Mỹ Uyên cũng nhận định khó khăn lớn nhất vẫn là về khán giả, khi lượng người đến rạp xem kịch quá ít.
“Họ không chịu ra rạp dù họ biết mình diễn hay. Tôi cũng sẵn sàng làm marketing để PR bằng cách gửi vé mời họ đi xem thử một lần. Lúc đi xem họ thích lắm, họ khen ngợi rất nhiều nhưng lần sau họ làm biếng quay lại rạp.
Hiện thực có thể thấy khán giả chọn giải trí bằng cách đi hát với nhau, đi karaoke, đi quán nhậu chứ họ không đi xem nghệ thuật sân khấu chính thống” - NSƯT Mỹ Uyên bộc bạch.
Nghệ sĩ Thành Hội, ông bầu của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, cho biết trước thực trạng sân khấu đang mất dần khán giả, Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng luôn cố gắng làm bằng cả tâm huyết.
“Thực trạng sân khấu lâm nguy chứ không phải sống được nên chúng tôi buộc phải thay đổi để tồn tại. Chúng tôi có thể thành công và ngược lại nhưng mong mọi người hiểu cho một điều là chúng tôi đã làm hết sức mình và làm bằng cả trái tim, bất chấp hậu quả.
Với hướng đi mới của những vở diễn tử tế, đầy xúc cảm, được trình bày theo hình thức múa diễn, mong rằng những vở diễn sẽ lại đông kín người xem đúng với quan điểm “Những giá trị không còn nhiều cơ hội chiêm ngưỡng sẽ giúp người ta trân quý”” - NSƯT Thành Hội tâm sự.
Còn với NSƯT Mỹ Uyên, dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với động lực từ những khán giả yêu mến kịch nói cũng như những diễn viên trẻ luôn cháy bỏng với nghề, nữ nghệ sĩ đã luôn tìm cách xoay xở, gồng gánh sân khấu.
Sự cố gắng không mệt mỏi của nữ nghệ sĩ đã dần được đền đáp khi đưa được khán giả nhỏ tuổi đến với Sân khấu 5B. Điều hạnh phúc là những ông bố, bà mẹ chịu dắt con ra rạp xem kịch vào hai ngày cuối tuần.
“Có thể nói đây là một sự gan dạ của tôi. Nó không phải sân khấu như anh Thành Lộc là làm vở hoành tráng để diễn hơn 1 giờ đồng hồ nhưng nó vẫn là câu chuyện ý nghĩa nhằm giáo dục thiếu nhi, nó cũng mang tính giải trí thời thượng xen vào sự mới mẻ bắt kịp xu hướng trên mạng xã hội và được các con hưởng ứng rất nhiều. Đó là sự đổi mới của mình, quá nhiều ngoạn mục, dù sân khấu mình là sân khấu chính thống” - nữ nghệ sĩ cho hay.
Bằng chứng buồn cho tình trạng khán giả không còn
“đói” văn nghệ
Ông bầu Thành Hội cho hay: “Rồi đến giai đoạn, đầu tuần tôi được phát một cọc thiệp mời để mời người coi kịch giùm, có thể nói vé mời của đoàn kịch Cửu Long Giang mà tôi nhận để mời có thể dán kín phòng ngủ. Đây là một minh chứng của thời kịch suy thoái.
Ngày nay, đoàn kịch phải diễn miễn phí mà khán giả phải xem thử kịch hay thì mới vào xem, điều đó chứng tỏ khán giả không còn “đói” văn nghệ như xưa và họ có nhiều lựa chọn giải trí trong thời đại số hóa.