Vụ án mạng xảy ra ở ngã tư Hàng Xanh mấy ngày trước, do một chuyện không đâu, một thanh niên đã mang dao vào quán nước đâm chết hai thanh niên khác.
Nếu có một phép màu cho thời gian quay trở lại, tuyệt đại đa số những kẻ đâm chém để giải quyết mâu thuẫn sẽ không chọn lựa cách ứng xử tàn ác ấy. Lý do là họ sợ hậu quả phải gánh chịu, lo sợ phải trả giá.
Trong khi đó, những người chọn cái chết của mình như sự hy sinh cho những điều thiêng liêng và cao cả như vì danh dự, vì Tổ quốc, vì người yêu thương… sẽ vẫn chọn lựa hy sinh ấy. Bởi trong họ không có sự sợ hãi; hoặc nếu có, sự sợ hãi ấy nhỏ nhoi hơn ngàn lần điều họ vươn đến.
Để một con người biết kiềm chế phần thú tính và vươn đến điều cao đẹp là cả một quá trình dài được giáo dục, tiếp nhận thông tin xã hội, quan sát cách ứng xử của người khác. Không ai muốn bị cô lập, vì vậy người ta sẽ chấp nhận những quy tắc hành xử chung nhất đã được thừa nhận, đã trở thành những giá trị văn hóa và đạo đức.
Và khi văn hóa lẫn đạo đức bó tay thì pháp luật ra tay.
Pháp luật có những công cụ mà văn hóa và đạo đức không có, đó là sức mạnh cưỡng chế, nó tước đoạt tự do cá nhân của kẻ gây hại. Và một công cụ nữa: Sự trừng trị. Sự trừng phạt của pháp luật không phải là sự trả đũa thông thường. Nó đánh vào nỗi sợ hãi của con người, lên gương tày liếp cho kẻ khác. Thiếu đi công cụ trừng trị, pháp luật sẽ không đủ sức thực hiện sứ mệnh của nó.
Thế những kẻ thực hiện hành vi tàn ác như giết người có sợ hãi không? Họ có nhận thức được cái giá phải trả không? Có! Thậm chí nhiều kẻ trong số đó còn sợ hãi cái chết hơn người bình thường, bởi họ không có điểm tựa chính nghĩa cho hành vi đã gây ra, bởi hậu quả mà họ phải gánh chịu là sự trả giá chứ không phải sự hy sinh.
Những vụ giết người có nguyên nhân từ mâu thuẫn xã hội, đa số xảy ra do bột phát, không có dự mưu.
Một lần, tại trại giam Z30D, chúng tôi được tiếp xúc với 40 phạm nhân có hoàn cảnh phạm tội như thế. Đa phần những người mà tôi phỏng vấn trả lời họ sẽ không giết người nếu sự kiện chậm lại chừng ít phút. Một cô bé ở quận 8 sau khi gọi điện thoại hẹn người tình của mẹ ra quán cà phê để nói chuyện phải quấy, đã rút dao đâm ông này gục rồi buông dao khóc vì sợ hãi. Một anh thợ hồ vụt gậy vào đầu bạn xong điếng người, không bước nổi mà cũng không đủ bình tĩnh để kêu người tiếp cứu. Trước khi xuống tay, họ vẫn là người lương thiện và sau đó một khoảnh khắc, họ đã mang thân phận khác. Nhận thức đã không đủ trở thành chiếc phanh cho họ.
Với nhiều kẻ giết người man rợ, ngoài những kẻ có bệnh lý thần kinh, thì vai trò của một chiếc phanh ứng xử rất mờ nhạt. Sự giáo dục và môi trường sống của họ dạy rằng cần phải chiếm đoạt mới có điều mình muốn. Họ có thể từng là nạn nhân của bạo lực từ bé, có thể đã không được thương yêu đủ để biết giá trị của tình thương yêu, họ xem thường những giá trị có tính phổ quát của đạo đức. Họ xác lập một lối hành xử bất chấp chuẩn mực chung của cộng đồng. Và cũng vì thế, họ không cảm thấy sợ hãi sự trừng trị của pháp luật - vốn là sự thể chế hóa những nguyên tắc đạo đức. Họ không có niềm tin vào điều tốt đẹp.
Những bất công trong gia đình, ngoài xã hội, sự dối trá, ích kỷ, bạo lực mà họ chứng kiến hoặc từng là nạn nhân đã làm hỏng cái phanh ứng xử. Việc gây án, ngoài trách nhiệm cá nhân của họ, còn thể hiện sự bất lực của xã hội.
Nhìn vào những vụ giết người man rợ ấy, sau cảm giác sốc ban đầu, điều phải nghĩ là họ đã bị “hỏng phanh”. Và trách nhiệm sự hỏng phanh ấy, xã hội trong đó có mỗi chúng ta, trong một lúc nào đó có thể đã có phần can dự.