Quyền uy như vua, như tướng quốc vẫn sợ vợ là hiện tượng không hề hiếm trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Theo ghi chép của sử sách nước này, tổng cộng có khoảng 110 ông vua qua các thời kỳ và được chia làm 7 kiểu khác nhau, như: Vua gian ác, Vua vô vị, Vua đủ phẩm hạnh, Vua làm được nhiều việc, Vua nhân từ, Vua anh minh, Vua tốt nhất. Tuy nhiên còn một loại vua nữa là “vua sợ vợ” thì không thấy liệt vào danh sách này.
Trong thời kỳ phong kiến, quan niệm “trọng nam khinh nữ” dường như ăn sâu vào ý thức của người dân Trung Quốc. Bởi vậy, các đấng mày râu trước đây được hưởng nhiều đặc quyền ngoài xã hội và trong gia đình, người phụ nữ thường bị lép vế và bị coi thường.
Trong hoàn cảnh như vậy, sợ vợ bị xem là chuyện khôi hài. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, trong lịch sử phong kiến Trung Quốc từng chứng kiến một vài hoàng đế và tướng quốc rất sợ vợ, thậm chí sợ sệt một cách mù quáng tới mức nực cười. Họ là ai?
Văn Đế Dương Kiên
Văn Đế Dương Kiên là người nam chinh bắc chiến, cố công thống nhất thiên hạ lập ra nhà Tùy. Văn Đế được văn võ bá quan và bàn dân thiên hạ kính nể. Nhưng ông lại là người rất sợ vợ và bị vợ quản rất chặt.
Bà này vốn là con gái thứ 7 trong gia đình Độc Cô Tín. Khi lấy Dương Kiên, bà đã cùng chồng “ba chìm bảy nổi” trong chiến trận và là người giúp ông đắc lực trong việc vạch định nhiều kế sách trị nước.
Bởi vậy bà được Văn Đế rất kính trọng. Khi công thành danh toại, bà là hoàng hậu quản lý hậu cung rất nghiêm ngặt, nhất là về quan hệ nam nữ và tình trạng năm thê bảy thiếp. Bà không cho phép chồng con “trăng gió hoa nguyệt”. Bởi vậy, sử sách Trung Quốc coi bà là người đi tiên phong thực hiện chính sách “một vợ một chồng”.
Văn Đế bí mật tuyển hai người tì thiếp là cung nữ rất xinh đẹp để hầu hạ mình, nhưng lại giấu nhẹm vợ. Sau khi phát giác, thừa lúc chồng lên ngự triều, bà đã cùng quân cấm vệ hãm hại hai người tì thiếp kia tới chết. Vua vô cùng phẫn nộ, nhưng không dám xử phạt hoàng hậu. Ông liền bỏ cung điện ra đi, làm quần thần văn võ bá quan rất lo sợ và phải tìm cách khuyên răn nhà vua trở lại.
Khi hoàng hậu qua đời chưa xanh cỏ, Văn Đế đã cho tuyển mỹ nữ làm thê thiếp và lao vào cuộc sống đam mê tửu sắc, cuối cùng bị chết bởi tửu sắc quá độ. Trước khi nhắm mắt, Văn Đế đã than thở rằng: “Nếu Hoàng hậu còn sống thì ta không đến nông nỗi này!”
Lại nói về sự khắt khe của bà hoàng, Thái tử Dương Dũng vì có nhiều tì thiếp nên bị bà phế truất. Hoàng tử Dương Quảng hiếu sắc nhưng bề ngoài giả bộ nghiêm chỉnh, nên được bà cho lập làm Thái tử. Sau khi lên ngôi, Dương Quảng đã bộc lộ rõ bản chất sa đọa, đam mê tửu sắc và rốt cuộc đã hủy hoại nhà Tùy.
Tể tướng Phòng Huyền Linh
Ông đường đường chính chính là tể tướng đứng đầu các quan và được Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng như các quan trong triều rất kính nể, trọng vọng. Nhưng ông lại là người vô cùng sợ vợ.
Một hôm, sau khi bãi triều, văn võ bá quan đều ra về duy chỉ có Phòng Huyền Linh vẫn đứng tại chỗ không ra về. Đường Thái Tông thấy lạ, cho rằng Tể tướng có điều gì muốn tâu vua, nên hỏi “Khanh còn có gì tấu cho Trẫm hay sao?” Phòng Huyền Linh quỳ xuống tâu rằng mình đã bị vợ đuổi ra khỏi nhà và không cho về. “Mong Bệ hạ hạ lệnh cho vợ thần phải để Tể tướng hồi gia”, Phòng Huyền Linh khẩn khoản. Lý Thế Dân trố mắt kinh ngạc và bật cười, không ngờ một tể tướng thông minh xuất chúng, học rộng tài cao, được mọi người ví như “Gia Cát Lượng của Nhà Đường” lại tới nông nỗi này. Cuối cùng, ông đành phải ra lệnh cho bà vợ kia để Phòng Huyền Linh được về nhà.
Sau đó, Lý Thế Dân ban chỉ cho Phòng Huyền Linh hai người thiếp làm vợ để dung hòa, nhưng Phòng Huyền Linh không dám nhận. Vua bèn sai hoàng hậu tới “tâm sự” để thuyết phục nhưng vợ Phòng Huyền Linh không chịu. Vua bèn ban lệnh nếu không để Phòng Huyền Linh “nạp thiếp” thì bà vợ phải uống thuốc độc tự tử. Ai ngờ, bà này ung dung cầm chai thuốc độc để uống như để khẳng định: “thà chết chứ không chịu để chồng nạp thiếp”.
Sở dĩ Phường Huyền Linh sợ vợ như vậy vì thuở hàn vi, ông là người nghèo khổ, nhưng nhờ vợ tận tâm cứu vớt, vun vén gia đình để ông chuyên tâm việc học. Trong một lần bệnh nặng, Phòng Huyền Linh nói với vợ rằng: “Tôi không qua được đâu, mình còn trẻ vì vậy phải đi bước nữa.” Nhưng bà vợ kiên quyết từ chối thậm chí đã lấy chiếc dùi đâm vào mắt để chứng tỏ lòng thủy chung của mình với chồng. Từ đó, Phòng Huyền Linh rất nể và sợ vợ, sau này khi công thành danh toại, ông vẫn không dám làm tổn thương tới tình cảm trước đây của hai người.
Đường Trung Tông Lý Hiển
Ông hoàng này được sử sách Trung Quốc ghi nhận là người sợ vợ một cách mù quáng, tới mức chính bản thân ông sau này bị vợ ám hại. Khi mới lên ngôi, Lý Hiển từng nói sẽ phong cho nhạc phụ của mình làm Tể tướng, thậm chí có thể nhường ngôi cho nhạc phụ là Vi Huyền Trinh.
Quần thần văn võ bá quan phản đối và tấu lên Thái hậu Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên nổi giận liền phế truất và đưa tới Hồ Bắc làm Lô Lăng Vương, nhưng thực ra là lưu đày Lý Hiển biệt sứ. Trong 15 năm bị lưu đày tại đây, Lý Hiển sống những ngày nơm nớp sợ hãi vì sợ bà mẹ Võ Tắc Thiên nổi giận có thể giết chết bất kỳ lúc nào.
Trong những năm tháng gian khổ ấy, người an ủi và cũng là chỗ dựa tinh thần duy nhất của Lý Hiển là người vợ Vi Hậu. Lý Hiển thề thốt với Vi Hậu nếu như được phục vị, ông sẽ ban thưởng hậu hĩnh cho bà và làm tất cả những gì Vi Hậu muốn. Quả nhiên, sau này Lý Hiển được phục vị lên ngôi hoàng đế, ông đã giữ lời hứa.
Nhưng sau khi được hưởng trọn vinh hoa phú quí, Vi Hậu trở nên ngang tàng, sa đọa, ngang nhiên tư thông với ba người trong hậu cung. Tuy biết chuyện nhưng Lý Hiển vẫn bỏ qua, thậm chí còn trừng phạt những ai dâng tấu tố cáo những hành vi ngang tàng của hoàng hậu.
Chưa hết, Vi Hậu muốn làm Hoàng đế như Võ Tắc Thiên và muốn con gái làm Hoàng Thái Nữ, nên đã dùng thuốc độc hãm hại Lý Hiển. Lý Hiển vốn là vua bất tài lại sợ vợ tới mù quáng, nên đã làm sụp đổ triều đình Đại Chu do Võ Tắc Thiên phải đổ bao mồ hôi xương máu để gây dựng.
Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm
Chu Kiến Thâm được lập Thái tử lúc còn nhỏ, nhưng bị người chú và quan thần nhiều lần phế truất. Bởi vậy, Chu Kiến Thâm sợ hãi, không dám tiếp xúc với mọi người, cam tâm sống cuộc sống rất buồn tẻ vì luôn lo sợ bị ám hại. Trong thời gian này chỉ có cung nữ Vạn Trinh Nhi, lớn hơn Chu Kiến Thâm 17 tuổi luôn ở bên cạnh chăm sóc an ủi. Khi Chu Kiến Thâm mới sinh, cung nữ Vạn Trinh Nhi được cử tới chăm sóc.
Sử sách chép rằng, Vạn Trinh Nhi giữ một vai trò phức tạp với Chu Kiến Thâm. Bà ta như vừa là chị, là mẹ, là bạn, là nô tì, cũng là người tình của ông. Sau khi lên ngôi, Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm đã tìm cách đền ơn báo đáp Vạn Trinh Nhi. Do tuổi tác của Vạn Trinh Nhi quá cao nên không thể lập vị Hoàng Hậu, Chu Kiến Thâm đã phong bà ta là Hoàng Quý Phi. Dù đã lớn tuổi, nhưng Vạn Trinh Nhi vẫn được vua hết mực yêu chiều. Sự sủng ái thái quá ấy khiến hoàng hậu cũng nổi máu Hoạn Thư, thậm chí có ý định hãm hại Vạn Trinh Nhi.
Khi Vạn Trinh Nhi 37 tuổi đã sinh hạ cho Chu Kiến Thâm một hoàng tử, nhưng chỉ sau một năm đã chết yểu. Lúc này Vạn Trinh Nhi không còn khả năng sinh con. Vì vậy, bà đã hãm hại tất cả tì thiếp, cung nữ nào có thai với vua cũng như những đứa trẻ mới sinh ra. Cung nữ họ Kỷ đã sinh hạ cho vua một hoàng tử, liền bị Vạn Trinh Nhi hãm hại, còn đứa con may nhờ các quan trong triều và Hoàng thái hậu bảo vệ nghiêm ngặt, nên mới sống sót…
Đại tướng Thích Kế Quang
Thích Kế Quang là một vị tướng tiếng tăm lẫy lừng trong quân doanh và trên chiến trận vì nhiều lần đánh thắng quân Nhật. Nhưng lạ thay, ông lại là người rất sợ vợ. Một lần, do bị vợ mắng nhiếc, ông bực tức bỏ nhà tới ở trong quân doanh, thấy vậy tướng sĩ đều cảm thấy bực thay cho ông. Họ thấy ông đường đường là một võ tướng oai vệ, nhưng lại lép vé trước phụ nữ, nên đã bàn mưu tính kế lừa bà tới quân doanh rồi ám sát để ông lấy vợ khác trẻ đẹp hơn.
Khi đã bày binh bố trận xong, Thích Kế Quang cho người gọi vợ tới. Bà xuất hiện với dáng vẻ oai vệ, khi vào trong cổng đã hô lớn: “Ông vẫn chứng nào tật ấy, gọi ta tới đây làm gì? Hãy ra đây!” Thích Kế Quang hoảng sợ vội vàng đổi giọng: “Tướng sĩ đã hàng ngũ chỉnh tề, mời bà duyệt binh!”
Sở dĩ Thích Kế Quang sợ vợ vì bà đã từng là nữ tướng chỉ huy quân lính và dân chúng đánh thắng quân Nhật vào thời điểm thành bị bao vây. Tuy nhiên bà cũng là người rất độ lượng, bao dung. Khi biết chồng năm thê bảy thiếp và có con với người khác, bà đều coi họ là người thân và những đứa trẻ là con của chính mình, càng khiến Thích Kế Quang phải khâm phục, kính nể.
Theo Ngọc Anh/Kiến Thức Gia Đình/Depplus