Bác sĩ Cao Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, cạo gió vốn là một biện pháp được sử dụng rộng rãi trong dân gian.
Trong Đông y, cạo gió cũng được xem là một thủ thuật chữa bệnh nhưng phải do bác sĩ trực tiếp làm với từng bệnh nhân nhất định. Cạo gió thường cạo các bộ phận chính trên cơ thể như hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng, dọc theo xương sống nửa thân trên, dọc cánh tay mặt theo mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay.
Theo bác sĩ Hương, khi gặp gió, gặp lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể có phản ứng co thắt để bảo vệ cơ thể, gây ứ đọng huyết độc, khí độc gây đau người, nhức mỏi, nhức đầu, mỏi mệt,…
Lúc này, cạo gió tác động lên vùng cơ bị nhức mỏi kết hợp tính nóng của dầu xoa làm giãn cơ, giúp lưu thông khí huyết. Do đó, cạo gió chỉ có hiệu quả trong trường hợp bị cảm lạnh. Thậm chí không cần cạo gió, việc bôi dầu nóng hoặc rượu gừng cũng rất có hiệu quả trong trường hợp này.
“Khi cạo gió, người ta hay dùng dây bạc nhét vào trong quả trứng luộc bởi khi đánh cảm, các lỗ chân lông giãn ra. Khi đó cơ thể dễ bị khí độc xâm nhập hơn. Lòng trắng trứng lúc này có tác dụng bịt các lỗ chân lông, ngăn không cho khí tiếp tục vào cơ thể”, bác sĩ Hương phân tích.
Nguy cơ tai biến từ cạo gió
Bác sĩ Hương khuyến cáo, cạo gió nếu không đúng cách và sai trường hợp sẽ gây nguy hại khôn lường. Trong khi đó, nhiều người có thói quen cạo gió mỗi khi thấy đau mỏi hoặc khó chịu trong người. Nguy hiểm nhất là cạo gió khi đang bị cảm phong nhiệt.
“Cơ thể của người cảm phong nhiệt hoặc say nắng có nhiệt độ rất cao, muốn trị bệnh phải tìm đến các phương pháp lạnh để hạ nhiệt. Nhiều người không biết, không hiểu kỹ lại dùng dầu gió, dầu nóng, rượu gừng để cạo gió đánh cảm. Việc này không những không giảm bệnh, không làm mát cơ thể mà còn làm cho khí nóng tích tụ thêm vào cơ thể khi cạo gió, sức nóng vốn tích tụ trong cơ thể vẫn bị tích lại làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Thậm chí, cạo gió lúc này còn làm cho huyết áp tăng cao dẫn đến các tai biến như nguy cơ bị xuất huyết não”, bác sĩ phân tích. Do đó, cần phân biệt đâu là cảm lạnh, đâu là cảm phong nhiệt.
Theo bác sĩ Hương, người bị cảm lạnh thường ít sốt, gai gai lạnh trong khi người bị cảm phong nhiệt sẽ nóng, không sợ lạnh, khô môi, nước tiểu vàng, ra mồ hôi. Nếu nhầm lẫn, cạo gió có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ liệt mặt, méo mồm, xuất huyết não,...
Ngoài ra, tuyệt đối không tiến hành cạo gió với trẻ em. Da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ xung huyết, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. “Bệnh nhân tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió cũng là những đối tượng tuyệt đối không cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Trong trường hợp bị cảm lạnh nhưng cơ thể có dấu hiệu suy nhược cũng cần tránh cạo gió để tránh mất huyết, vỡ mạch, ép cơ thể phải sản sinh ra huyết nhiều hơn.
Theo bác sĩ Hương, mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3-5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím. Nhiều nhất cũng không nên cạo quá 10 phút, cũng không nên dùng lực cưỡng bức để tạo vết. Khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh. Phải khử trùng vật cạo trước và sau khi cạo. Cấm cạo chỗ có vết lở loét, da có độ mẫn cảm quá cao.