Uống nhiều nước lạnh, ăn nhiều đồ lạnh
Mùa nóng, không ít người có thói quen uống nhiều nước đá lạnh thay vì uống nước lọc, nước trái cây để giải nhiệt. Tuy nhiên đây lại là thói quen không tốt, rất có hại cho sức khỏe.
Uống nhiều nước đá lạnh trời nóng sẽ dễ dẫn tới viêm họng, cảm sốt... Ảnh: Internet
Thay vì uống nhiều nước lạnh, bạn nên uống nước lọc bình thường, hoặc tốt nhất là nước ấm để chúng giúp lỗ chân lông nở ra khiến mồ hôi thoát ra giúp cơ thể mát hơn. Nếu uống nước đá lạnh, mồ hôi sẽ không tiết được ra ngoài, đọng lại trong cơ thể không tốt cho lưu thông máu.
Việc ăn uống nhiều đồ lạnh, uống nhiều nước đá lạnh khi cơ thể còn đang nóng nực sẽ khiến dạ dày, ruột co thắt, nguy cơ bị đau bụng cấp tính. Cạnh đó cũng dễ khiến bạn mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, cảm sốt, viêm phổi…
Vào ngay phòng máy lạnh
Vào ngay phòng máy lạnh khi vừa đi ngoài trời nắng nóng về khiến cơ thể đang từ môi trường nắng nóng đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thấp sẽ rất có hại. Sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không thoát ra được làm tổn hại đến hệ thần kinh. Nếu nhẹ có thể khiến bạn mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu chóng mặt ngay sau đó. Nặng hơn sẽ làm tăng nhịp tim, rồi khó thở, thậm chí hôn mê, tử vong… Điều này đặc biệt nguy hiểm với người già, trẻ nhỏ.
Không nên để nhiệt độ máy lạnh quá thấp vào những ngày nắng nóng. (Hình minh họa)
Tốt nhất là khi vừa ở ngoài nắng về, bạn nên lau khô mồ hôi, ngồi ở ngoài một lúc rồi mới vào phòng có máy lạnh. Cạnh đó, thói quen để máy lạnh nhiệt độ quá thấp khi trời nóng cũng khiến bạn dễ bị đau đầu, viêm họng, ngạt mũi... Tốt nhất là nên để máy lạnh từ 25-28 độ C.
Tắm ngay khi mới ở ngoài nắng về
Trời nắng nóng, nhiều người khi đi ở ngoài đường về cảm thấy nóng nực và muốn xối nước tắm luôn để giải nhiệt. Đúng là tắm khi đó có thể khiến bạn sảng khoái, nhưng việc thay đổi đột ngột về nhiệt độ sẽ khiến cơ thể bạn không thích nghi kịp, dẫn tới đau đầu, cảm lạnh, đau đầu mạn tính… Nặng hơn nữa có thể gây tai biến, đột quỵ.
Theo nguyên lý điều hòa nhiệt lượng, hơi nóng ở đầu, mặt, toàn thân sẽ dần được chuyển xuống cơ thể, sau đó thoát ra ngoài theo các lỗ chân lông. Vì vậy tốt nhất là bạn cần ngồi chỗ thoáng đãng cho khô mồ hôi, rửa tay chân, rửa mặt, sau đó mới tắm để cơ thể thích nghi dần dần.
“Dí mặt” vào quạt hoặc máy lạnh
Rất nhiều người kêu sao trời nóng quạt hoài vẫn nóng, do đó họ hay có thói quen ngồi thật gần máy lạnh hoặc quạt. Nhưng việc ngồi quá gần máy lạnh, quạt sẽ khiến cơ thể bạn bị nhiễm lạnh, dễ mắc các bệnh như sụt sịt, sổ mũi, đau đầu, viêm họng… Đó là chưa kể ngồi quá gần quạt sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh dẫn đến mất cân xứng nhiệt, làm bạn đau đầu, choáng váng, thậm chí trúng gió.
Ngồi quá gần quạt sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh. Ảnh: Internet
Trường hợp cơ thể đang quá nhiều mồ hôi mà ngồi ngay trước quạt cũng có hại. Nếu bạn ngồi trước gió quạt lúc này, quá trình bài tiết mồ hôi sẽ bị ngưng trệ, làm mất cân bằng sinh nhiệt, tán nhiệt của cơ thể.
Uống nhiều nước ngọt có ga
Hầu hết nước ngọt có ga đều chứa nhiều đường và các chất làm ngọt, tạo màu hóa học. Uống nhiều nước ngọt có ga khi trời nắng nóng không những không có tác dụng giải nhiệt mà còn có thể khiến bạn tăng cân béo phì, khó tiêu, dễ cáu kỉnh, đau đầu…
Uống nước ừng ực, vội vàng
Đi nắng về, bạn vớ lấy chai nước và tu ừng ực cho “đã khát” … Thế nhưng cách này lại rất hại cho sức khỏe vì uống nước cách đó sẽ làm máu nhanh chóng bị loãng ra, tăng gánh nặng cho tim. Cạnh đó, những ngày nắng bạn đổ mồ hôi rất nhiều, uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn sẽ làm tăng tiết mồ hôi, kéo theo đó là tăng thêm sự mất mát của các chất điện giải như natri, kali.
Ngoài ra, uống vội vàng có thể làm bạn bị nấc cụt hoặc chướng bụng rất khó chịu. Cách tốt nhất là dù khát đến đâu bạn cũng nên uống từ từ, chia nhỏ lượng nước uống.