50% trẻ bị tiêu chảy cấp do rotavirus
Cũng theo BS Phúc, tuy số lượng bệnh nhân đến khám nhiều nhưng bệnh nhân nhập viện lại ít hơn năm trước đối với nhóm tiêu chảy cấp (tiêu chảy phân nước). Nhưng với nhóm tiêu chảy (kiết lị, tiêu đàm máu) lại cao hơn, 16 ca/tuần (năm ngoái 12 ca/tuần).
Hiện BV Nhi đồng 1 có 70-90 trẻ bị tiêu chảy điều trị tại khoa Tiêu hóa, trong đó 50% trẻ bị tiêu chảy cấp do rotavirus. Theo BS Phúc, ở BV Nhi đồng 1 không có khái niệm bệnh theo mùa mà bệnh nhân quanh năm đều đông, nhiều nhất là sau tết. Tuy nhiên, bệnh kiết lị, tiêu đàm máu thì xuất hiện nhiều vào mùa mưa.
“Có hơn 20 tác nhân gây nên bệnh tiêu chảy. Nghiên cứu thấy nhóm tiêu chảy cấp nhập viện do rotavirus chiếm hơn 50%. Tiêu chảy cấp điều trị nguyên nhân, còn lại điều trị phác đồ giống nhau. Muốn ngừa tiêu chảy cấp do rotavitrus chỉ có cách chủng ngừa” - BS Phúc nói.
Cũng theo BS Phúc, đa số trẻ bị tiêu chảy đều ở lứa tuổi dưới năm, phần lớn là tuổi ăn dặm vì lúc này trẻ hay cầm nắm đồ chơi chung, ngậm vào miệng...
Sai lầm của cha mẹ là một trong những nguyên nhân khiến con trẻ bị bệnh nặng hơn. Ảnh: TÙNG SƠN
Vì sao trẻ dễ bị tiêu chảy mùa nắng?
Theo BS Phúc, mùa này trẻ dễ bị tiêu chảy hơn do trẻ có xu hướng khát nước nhiều nhưng nguồn nước sẵn có không an toàn, trẻ đụng đâu uống đó. Thứ hai, thực phẩm bảo quản dễ bị hư hơn, nếu trẻ ăn trúng thực phẩm hư sẽ gây tiêu chảy.
Tuy nhiên, nếu trẻ được huấn luyện theo nguyên tắc ăn chín, uống sôi thì khó mắc bệnh vì tiêu chảy lây qua đường tay-miệng. Chính vì khát nước, uống nước thiếu nên tỉ lệ trẻ khi bị tiêu chảy dễ bị mất nước cao, do vậy nguy cơ sẽ đưa tới tình trạng cơ thể mất nước. Nặng hơn là làm máu khô, sốc do máu thiếu nước và tử vong.
“Người lớn khát nước tự tìm uống, còn trẻ em, nhất là những em nhỏ chưa biết mở nước, chưa biết tự uống nước gì nên khi bị tiêu chảy, dẫn tới cơ thể thiếu nước và mất nước” - BS Phúc khuyến cáo.
Những sai lầm của phụ huynh khi xử lý trẻ bị tiêu chảy
Theo BS Phúc thì sai lầm thứ nhất là phụ huynh cho trẻ nhịn ăn. Tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy nặng cũng có thể hấp thu thức ăn đến 70%. Tiêu chảy do vi trùng, siêu vi tấn công vào niêm mạc ruột, do vậy muốn hết bệnh trẻ phải có năng lượng, nếu không trẻ sẽ bị nặng hơn, sự hồi phục chậm hơn và sau này bị suy dinh dưỡng.
Số lượng bệnh nhân bị tiêu chảy, bệnh tiêu hóa tăng vọt khi bắt đầu vào mùa nắng nóng. Ảnh: TÙNG SƠN
Sai lầm thứ hai là phụ huynh nôn nóng muốn ngay lập tức ngưng tiêu chảy nên cho bé uống thuốc cầm tiêu chảy (trong khi WHO chỉ định cấm sử dụng thuốc này cho trẻ dưới năm tuổi). Khi uống thuốc này vào, trẻ bị mất nước nhưng nước không đào thải ra ngoài được làm trẻ bị trướng bụng nên phải mổ.
Sai lầm thứ ba nhiều phụ huynh cũng hay mắc phải là cho trẻ truyền nước biển để bù dịch, trong khi cần nhất là đồ ăn, nước uống. Uống nhiều sẽ ngừa được mất nước. Chỉ cần biết uống dung dịch phù hợp sẽ tránh được tình trạng phải nhập viện.
“Hầu như trẻ tiêu chảy lại kèm theo nôn ói giai đoạn đầu hoặc sau đó, nôn ói cản trở đứa bé uống bù dịch. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh, dọn dẹp chất ói, thay đồ cho bé vì mùi sẽ làm bé ói nhiều hơn hoặc bé nhìn chất ói sẽ sợ” - BS Phúc khuyến cáo thêm.
Theo BS Phúc, nhiều người thấy con tiêu chảy nên cho uống các loại lá mơ, đọt ổi, măng cụt vì các lá này có chất chát làm se niêm mạc. Tuy nhiên, những loại này chưa có đủ bằng chứng khoa học nghiên cứu về hiệu quả nên không thể kết luận có nên hay không nên làm theo.
Ngoài ra, song song với uống nươc lọc thì cha mẹ nên cho bé uống các loại nước bù, nước canh, nước dừa, bú mẹ (nếu trẻ còn bú), cho trẻ ăn sữa chua. Nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, không nên cho trẻ ăn thực phẩm ngọt vì sẽ làm tình trạng tiêu chảy có xu hướng xấu hơn.
Hơn 90% trường hợp trẻ bị tiêu chảy cha mẹ có thể xử lý tại nhà. Cụ thể: - Cho trẻ uống nhiều hơn để khỏi mất nước. - Cho trẻ ăn nhiều hơn để trẻ có sức, phục hồi niêm mạc ruột và tăng cường sức khỏe. - Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ. Thức ăn ở dạng lỏng, dễ nuốt, dễ ăn. - Giữ vệ sinh nơi ở, đồ đạc sạch sẽ, vệ sinh. - Đưa trẻ tới BV ngay khi gặp các triệu chứng: Sốt cao khó hạ, tiêu phân kèm máu cần kháng sinh, bị lồng ruột do nhu động ruột rối loạn phải mổ, trở nên khát nước nhiều, li bì khó đánh thức - ngủ gà, bị co giật - mắt nhìn lên... |