Cuối tháng 7 vừa qua, tôi đã tiếp xúc với những “cư dân” sống dưới gầm cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 8, TP.HCM) và cầu Him Lam (quận Bình Chánh). Bài viết “Những phận người hiu hắt dưới chân cầu” (đăng ngày 31-7) chỉ kể một phần cuộc sống của những người rất nghèo khổ mà tôi ghi nhận được. Thế nhưng vẫn còn những câu chuyện rất buồn…
Đó là bốn đứa trẻ sống chung với bà ngoại ĐTL. Mấy bà cháu từng sống lay lắt dưới gầm cầu cho đến khi con trai bà ra tù, thuê được cho mẹ và các cháu một chỗ ở tàm tạm. Bốn đứa trẻ có cha mẹ chứ không phải trẻ mồ côi. Nhưng cha mẹ chúng cũng đi tù hết vì dính vào ma túy. Bà ngoại chúng vừa đi làm mướn, giúp việc để nuôi cháu. Thỉnh thoảng vẫn phải… lén đi khách để có tiền. Thế nhưng vẫn không thể nào trang trải đủ. Hai đứa cháu của bà còn nợ tiền học từ năm học trước. Trong đó, một bé vẫn chưa được xếp lớp cũng do chưa đóng học phí…
“Để tôi lo cho cô gái nhiễm HIV”
Khi nghe tôi kể câu chuyện về cô gái nhiễm HIV tên NL đang sống lay lắt ở gầm cầu Him Lam, rất cần được giúp đỡ, nhất là để mua giúp cô cái thẻ BHYT để cô yên tâm trị bệnh…, bà ĐTL đã sốt sắng nhờ tôi đưa đến chân cầu Him Lam để gặp NL.
Bà cho biết bà là cộng tác viên của nhiều nhóm công tác xã hội (CTXH). Bởi thông qua bà, họ tiếp cận được rất nhiều nhóm đối tượng xã hội bao gồm gái mại dâm, nghiện và sau cai, người nhiễm HIV… Bà là cầu nối của khá nhiều mảnh đời bất hạnh kết nối với các nhóm CTXH. Cũng nhờ đó mà bà biết được nhiều chương trình giúp đỡ người nhiễm HIV.
Bà ĐTL và NL trò chuyện với nhau trong “căn nhà” của NL dưới gầm cầu. Bà đã giúp cô gái sẵn sàng quay trở lại hòa nhập cuộc sống. Ảnh: HỒNG MINH
Chúng tôi đã đến chân cầu Him Lam chờ NL một buổi chiều nhưng hôm đó cô đi lượm ve chai mãi không thấy về nên chúng tôi đành quay về. Nhưng sáng hôm sau, bà gọi điện thoại cho tôi mừng rỡ khoe bà đã trình bày hoàn cảnh của NL với một nhóm CTXH, họ đã đồng ý mua BHYT cho NL. Họ cũng đồng ý hỗ trợ cho NL được nhận thuốc điều trị hằng tháng ở địa phương. Bà còn hớn hở khoe: “Cô ấy sẽ được nhận quà, được gặp nhiều người cùng cảnh nữa, cổ sẽ thấy vui hơn nhiều”.
Bà cùng tôi quay lại chân cầu kiên nhẫn chờ “chủ nhà”. Trong gầm cầu tối om, chỉ có một ngọn đèn, hai phụ nữ nắm tay trò chuyện rất lâu. NL rất vui vì “em biết uống thuốc ARV là sẽ kéo dài cuộc sống. Em còn ba đứa con…”. Bà ĐTL an ủi NL, cô sẽ có thêm nhiều người bạn mới. Khi có những cuộc họp mặt, tuyên truyền cho người bị nhiễm, nếu cô không đi được bà sẽ chạy đến chở cô đi. Vấn đề còn lại là NL nghèo quá, không có nổi một chiếc xe đạp, cũng không có điện thoại nên khi cần không biết tìm cô ở đâu.
Sáng hôm sau, bà lại gọi cho tôi, bàn bạc: “Sáng nay tôi tìm được chỗ bán xe đạp cũ và điện thoại cũ rẻ rề, tất cả chừng bốn, năm trăm ngàn. Chúng ta ráng giúp NL thêm xíu nữa được không? Trong tháng này có mấy nhóm CTXH tổ chức gặp mặt với người bị nhiễm, tôi rất muốn NL được tham dự…”.
Tôi đồng ý mà trong lòng vô cùng hạnh phúc. Tôi không thể nào giúp NL trọn vẹn như cách mà bà ĐTL đang giúp cho cô được. Tôi hỏi tại sao bà lo cho NL nhiều vậy, bà trả lời: “Thì mấy cô cũng xúm vô giúp cháu tôi mà”.
Chú gửi con ít tiền chạy xe ôm
Sau khi yên tâm “giao” NL cho bà ĐTL, tôi quay lại BV Nhi đồng 1 để làm thủ tục thăm khám cho một cháu bé hai tuổi có khối u lớn trên cổ. Câu chuyện về bé cũng chưa từng được kể trên báo. Đó cũng là một câu chuyện rất buồn. Bé sinh ra trong một gia đình có hộ khẩu ở phường Cầu Kho, quận 1, kế bên chân cầu Nguyễn Văn Cừ.
Bé tên TVT, con của một cô gái bán dâm, mù chữ, sống chung với đại gia đình hơn chục người trong căn nhà đúng… 4 m2. Bé còn có hai anh chị nữa. Mẹ bé cũng không biết cha của các bé là ai. Mẹ bé buôn bán lặt vặt như bán chuối chiên, bánh xò… Chưa bao giờ cô để dành được 500.000 đồng để đưa con đi chữa bệnh. Cứ mỗi lần cô đưa con đi khám, sau khi trả tiền khám và siêu âm là cô hết tiền nên bác sĩ kê đơn thuốc cho uống cầm chừng. Chỉ sau vài tháng, khối u của bé đã lan đến nách.
Số tiền để có thể đóng viện phí ban đầu cũng do các bạn đọc hảo tâm giúp đỡ. Nhưng tôi rất lo lắng vì chi phí cho ca mổ có thể cao hơn rất nhiều. Khi đã khám xong cho bé và đặt lịch mổ (dự kiến sẽ là hôm nay, thứ Sáu, 18-8), tôi đã bất ngờ gặp lại người quen là bác tài xế xe ôm Nguyễn Ngọc Minh, nhân vật trong bài viết “Cuộc đời buồn của bác xe ôm” (đăng ngày 10-4-2017).
Biết chuyện của cháu bé, ông Minh đã ủng hộ ngay 500.000 đồng và dặn đi dặn lại: “Có gì cần Minh cứ gọi cho chú. Nay chú chạy xe ôm được rồi, cũng có khách lai rai. Tiền nhà hảo tâm cho chú vẫn còn để dành…”. Để chắc ăn hơn, ông còn hỏi tôi: “Hay để ngày mai chú gặp con đưa thêm nhé?”. Thế nhưng tôi từ chối, bởi những điều ông đã trao đi là quá đủ!
Có những ngày thân mệt nhoài mà tâm cứ hạnh phúc, nhẹ nhõm thênh thênh…
Ba trong số bốn đứa cháu của bà ĐTL đã quay lại trường học Trong đó, có hai cháu nợ học phí từ năm học trước với số tiền tổng cộng là 3,5 triệu đồng. Một cậu bé lớp 3 (quận Bình Tân) đã trao cho tôi số tiền cậu dành dụm trong ống heo bốn năm qua trị giá 1,1 triệu đồng để tặng bạn đóng học phí. Mẹ của cậu góp thêm 1,9 triệu đồng. Tuy nhiên, năm học này chúng tôi vẫn chưa có nguồn giúp đỡ học phí cho các bé. |