Từ xưa hình ảnh người phụ nữ ở nông thôn ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời lo từng hạt lúa, mò cua bắt ốc kiếm miếng ăn cho chồng con đã được ví von như những thân cò lặn lội bắt tép nuôi con. Ngày nay, ngay tại các TP lớn như Hà Nội, Sài Gòn… vẫn còn nhiều lắm những “thân cò” bất kể nắng mưa lặn lội kiếm từng đồng bạc nuôi con ăn học.
Sự nhọc nhằn của những con người lưu lạc…
Không mất nhiều thời gian và cũng chẳng phải đi đâu xa, chỉ một buổi sáng Chủ nhật tại khu chung cư tôi, ngồi ở quán cà phê cóc cạnh đó đã có thể chứng kiến nhiều hình ảnh về những “thân cò”: Mấy gia đình ở trên lầu mang lỉnh kỉnh đủ thứ đồ hư nát, báo cũ xuống sân bán cho một phụ nữ mua phế liệu - thường gọi là “ve chai đồng nát” - có lẽ đã hẹn trước (bây giờ từ dân bán hàng rong, mua phế liệu đều xài điện thoại di động). Qua giọng nói biết chị gốc người Bình Định hay Phú Yên, tuổi chừng trên dưới 40. Chị chất đầy xe đẩy với cả chục món đồ phế thải bằng sắt thép và thùng giấy, giấy báo cũ mà chỉ trả khoảng vài trăm ngàn. Nhìn nét mặt chị phấn khởi nhờ mua được giá hời, bởi mấy người bán là công, tư chức trung lưu vừa bán vừa cho để trống nhà. Chất và cột hàng hóa xong, chị tươi cười ngồi xuống bực thềm uống nước.
Tôi bước từ quán cà phê sang lân la nhận đồng hương làm quen. Chị cho biết chị vào TP đã gần 10 năm nay, ban đầu thuê phòng dưới Gò Vấp ở chung với hai người nữa cùng cảnh ngộ, cả tiền điện, nước mỗi người hết 500.000 đồng/tháng, ban ngày đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, mua được gì chiều về bán lại cho vựa, hôm nào khá kiếm được vài ba trăm ngàn, có hôm đi rạc cả chân chỉ kiếm được bảy, tám chục. Tối về nấu ăn chung cho rẻ, dành dụm hằng tháng gửi về cho chồng 4-5 triệu đồng nuôi mẹ già và hai đứa con ăn học. Chị ngậm ngùi bảo chồng chị vào TP làm phụ hồ chẳng may té gãy xương bánh chè, giờ đi lại khó khăn đâu làm gì được, chỉ ở nhà lo cơm nước cho bà mẹ già và hai đứa con đi học. Sang năm thằng lớn vô được đại học chị sẽ thuê nhà hai mẹ con ở chung để lo cho nó… Chị bảo gần đây chị thấy về Gò Vấp xa quá mà cả ngày đẩy xe rạc cả chân nên chiều tối chở hàng đến vựa xong, ăn uống qua loa rồi kiếm chỗ nào tiện tấp xe vào lề, ngủ đại trong cái xe đẩy này. Phủ bạt lên là thành cái giường có mùng che. “Ngó vậy chớ cũng ấm áp lắm, còn hơn nhiều người ngủ gầm cầu, vỉa hè…” - chị chia sẻ.
Thân phận những lưu dân nơi thành phố phồn hoa.
Và nỗi lo toan của những “thân cò” thành phố
Đâu chỉ những phụ nữ lưu dân mới vất vả lặn lội thân cò khắp thị thành hoa lệ oằn vai mưu sinh, nuôi con ăn học, mà cả những phụ nữ người TP. Không chỉ người nghèo, có thu nhập thấp mà nhiều phụ nữ trung lưu, công tư chức vẫn vất vả lo chuyện học hành cho con, từ đưa đón đến kèm cặp con cái khỏi rơi vào vòng xoáy của những trò chơi không lành mạnh tràn ngập trên mạng. Có nhiều bà, nhiều cô tuy mang tiếng có chồng nhưng vẫn phải oằn lưng gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái, còn ông chồng nhiều khi chỉ lo kiếm tiền, đem tiền về cho vợ nghĩ là đã xong bổn phận, rồi hết chầu nhậu này tới cuộc rượu kia, mọi chuyện giao hết cho vợ. Chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh mỗi chiều sau giờ tan tầm, nhiều bà mẹ trẻ len lỏi, luồn lách giữa dòng xe cộ tất tả đi đón con. Đón đứa bé ở nhà trẻ hay mẫu giáo, rồi chạy đi đón đứa lớn ở trường tiểu học, trung học. Có những hôm trời mưa lớn đường ngập nước, kẹt xe nhìn thấy tình cảnh những bà mẹ trẻ ngồi nhấp nha nhấp nhổm trên yên xe lo không kịp đón con, hay dắt chiếc xe chết máy vì ngập nước, mặt mày xanh xám, nhiều người không khỏi cám cảnh những “thân cò” giữa phố thị mà không biết chia sẻ ra sao!
Một chị bạn tôi là giáo viên, mới ngoài 50 tuổi nhưng xin về hưu non. Chị lãnh trách nhiệm đưa đón hai đứa cháu ngoại, đứa mẫu giáo, đứa lớp 2 cho cô con gái làm kế toán một công ty xuất nhập khẩu, thường xuyên về trễ. Chị than với tôi: “Trường hai đứa cháu cách nhau chừng hơn 1 km mà tôi đã vất vả đưa đón, nhất là mấy hôm trời mưa. Tôi thấy thật tội mấy cô vừa đi làm vừa về đón con, đi chợ lo cơm nước, có thua gì những thân cò lặn lội bắt tép nuôi con trong ca dao”.