Mẹ con chị Hoài và chiếc xe ve chai

Tôi gặp hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hoài (35 tuổi) vào một buổi tối trên đường đi công việc ở quận 7. Đứa bé ngồi sau xe đạp của mẹ. Phía trước giỏ xe chở lỉnh kỉnh nào là bao bọc, chai nhựa. Yên xe có thanh chắn phía sau. Đứa bé yên tâm ôm chắc mẹ bằng đôi tay nhỏ xíu, thỉnh thoảng dụi đầu vào lưng mẹ, lắc lư qua lại, miệng lẩm nhẩm đủ thứ điều.

Mẹ con chị Hoài

Mẹ chở con trên chiếc xe ve chai

Hình ảnh hai mẹ con nhỏ bé, lạc lõng, không ăn nhập gì với mọi thứ xung quanh nhưng đầy ấm áp. Đáng lẽ cho xe vượt qua mẹ con họ, tôi lại chạy chầm chậm phía sau, cảm nhận tình cảm ấm áp lan tỏa.

Hai mẹ con ghé vào một trung tâm thương mại lớn. Tôi tò mò nên dừng lại hỏi thăm. Chị bảo, chị ghé vào mua đồ cho các công nhân ở chỗ chị làm để tích điểm mua hàng . Vì tò mò nên tôi hỏi luôn câu hỏi hơi tế nhị lẽ ra chưa nên hỏi: “Chồng chị trông nhà còn hai mẹ con đi chơi hả?”. Bất ngờ, ánh mắt chị tối sầm như chực khóc: “Nói ra thì buồn lắm, chồng chị có đi được đâu, nằm một chỗ ở quê”. “Anh bị sao vậy chị?”“- Tai nạn em à”. 

Tôi ngỏ ý muốn gặp chị vào ngày mai, chị ngập ngừng trả lời: “Để làm chi em, em gặp chị ở đây hỏi chị là được rồi. Sau khi xin số chị, tôi ra về, thấy quãng đường đến nhà trọ chị khá xa. Tôi gọi lại hẹn ngày mai sẽ đến nhà chị chơi. Chị ngập ngừng bảo: “Thôi, chị bận lắm, không tăng ca thì chị đi nhặt ve chai. Chị cũng không biết em là ai nên sợ bị lừa lắm”. Dùng dằng thuyết phục mãi rồi chị cũng đồng ý.

Chẳng có gì để lừa cả

Chị ở trọ trong con hẻm trên đường Nguyễn Văn Quỳ (quận 7) tập trung khá đông các cặp vợ chồng là công nhân. Phòng trọ của chị có tủ lạnh, tivi là hai thứ đáng giá nhất. Trước cửa phòng, những tấm bìa các tông, chai lọ nằm ngổn ngang, đều là những thứ hàng xóm gom lại cho chị vì biết chị tối tối thường đi nhặt ve chai.

Đứa bé gái con chị năm nay lên ba tuổi hay chạy qua nhà hàng xóm chơi. Chủ nhật có lẽ là ngày hai mẹ con có thời gian bên nhau nhiều nhất. Ngày thường, chị gửi bé cho một người cùng khu trọ trông để đi làm ở Khu chế xuất Tân Thuận, nếu không tăng ca thì 5 giờ sẽ đón bé về còn không thì phải đến 8 giờ rưỡi tối.

“Ai cũng bảo mẹ gì suốt ngày bỏ con nhưng không tăng ca thì lương thấp lắm. May nhờ trời sinh trời dưỡng nên được vậy chứ không ăn bao nhiêu”, chị vừa nựng đứa con bụ bẫm vừa nói.

Chị Hoài sinh ra trong một gia đình có bảy người con ở xã Diễn Hải, Diễn Châu (Nghệ An). Học xong lớp 12, chị vào thành phố làm công nhân phụ bố mẹ lo hai đứa em nhỏ. Đến năm 2014, chị mới quen và kết hôn với ông xã là người Phan Thiết (Bình Thuận) làm công nhân ở Đồng Nai.

Cưới chồng vừa tròn năm tháng, chị nhận hung tin chồng gặp tai nạn lao động. Chiếc xe nâng bị đứt dây xích khiến anh rơi từ độ cao 4m xuống đất, gãy cổ, dập tủy. Dù thần trí vẫn bình thường nhưng anh vĩnh viễn không thể cử động được nữa. Lúc đó, chị vừa có thai ba tháng. Vì tình hình không khả quan nên ba mẹ già đón anh về lại quê cho tiện bề chăm sóc.

“Mình không lo nổi cho chồng nên phải để ông bà lo chứ ở nhà chăm ảnh thì ai nuôi con cho mình”, chị trăn trở. Mỗi năm, chị cố gắng dành dụm để đưa con về thăm ba. “Bữa tết về, anh nói có ai thương thì lấy đi, anh vô dụng rồi. Mình cũng đùa rằng muốn lấy chồng mới thì anh phải ký vào đơn li dị, anh cầm bút còn không được mà sao kí đơn. Nhưng nói thế thôi chứ không thể nhẫn tâm được, thà họ đối xử với mình tệ, đằng này họ luôn suy nghĩ cho mình mà mình lại quay lưng thì làm không được”, chị nói.

 Dù khó khăn, nụ cười vẫn luôn tỏa nắng với hai mẹ con chị Hoài. ẢNH: HOÀNG LAN.

Hơn 5 giờ, chị xin phép chở con đi nhặt ve chai. Bóng tối nhập nhoạng dần ôm lấy hai mẹ con. Họ lại lầm lũi chở nhau đi trên chiếc xe cà tàng, không đèn, không còi nhưng đối với tôi, họkhông hòa lẫn vào đâu giữa lòng thành phố tấp nập…

 

Xung quanh nhà lỉnh kỉnh hàng hóa, chị bảo đó là hàng mua giùm cho các công nhân để tích điểm, hay có đợt khuyến mãi mua giùm hàng 500 ngàn là được phiếu 30 ngàn, phiếu này coi như là trả công cho chị. Hoặc nếu mua hàng nhiều, thỉnh thoảng chị sẽ mua được sữa cho con với giá rẻ hơn.“Mua hàng trên 200 ngàn sẽ có người mang hàng đến tận nhà. Nhưng sáng mai, mình phải đạp xe chở hàng đến công ty để giao”, chị cho biết.

--------------------------------------

Dù hoàn cảnh bi đát khi chồng bị tai nạn nằm liệt một chỗ ở quê, phải tự mình bươn chải mọi việc để lo cho mình và con nhưng chị Hoài không bao giờ than vãn. Cùng là công nhân, lại hay tăng ca, sau giờ làm hẳn rất mệt, nhưng chị Hoài luôn chịu khó đi lượm ve chai, đi mua hàng siêu thị để tích điểm. Có khi 11, 12 giờ chị vẫn chưa về nhà. Nhiều lần tôi khuyên chị làm ít lại để giữ sức khỏe chứ không bệnh xuống lại khổ. Chị Trần Thị Huệ, hàng xóm cùng nhà trọ với chị Hoài

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm