Ngày 20-10, trao đổi với PLO, ông Đàm Xuân Hòa (chủ giếng khoan phun bọt khí cao hàng chục mét ngụ xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) xác nhận giếng khoan đã được ông lấp kín sau gần 3 tháng phun không ngừng nghỉ.
Theo ông Hòa, lý do ông lấp giếng khoan vì liên tục bị nhiều người lạ đến nhà làm phiền, nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Thậm chí, gia đình ông nhiều lần bị đe dọa, ném đá vào nhà lúc nửa đêm.
“Có rất nhiều người ở tỉnh xa đi ô tô con, xe khách đến đây xem hiện tượng lạ, xin “nước thánh” về dùng, có người còn tổ chức cầu nguyện mê tín.
Họ đến đây không có giờ giấc cố định, có khi đêm tối họ mới đi xe đến nơi, không mở cửa cho họ vào xem là không được. Mình không cho là bị người ta nói đủ điều, ban đêm bị ném đá vào nhà. Mặt khác, tôi lấp giếng để tạo sân phơi cà phê cho khô ráo”, ông Hòa nói.
Do gặp quá nhiều phiền hà nên ông Hòa quyết định dùng 10 trụ bê tông, dài khoảng 40 mét thả xuống để lấp giếng. Ông còn đóng thêm nhiều cọc tiêu xung quanh và xây bê tông cố định, ngăn hoàn toàn khí phun trào.
Việc này ông Hòa đã báo cáo với chính quyền địa phương và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT).
Trước đó, ngày 30-7, ông Hòa đang cho người đào giếng khoan ở độ sâu 186 mét bất ngờ phát hiện hiện tượng lạ, dàn khoan nặng nhiều tấn bị đẩy ngược. Khi rút dàn khoan khỏi lòng đất liền có hiện tượng lạ “giếng khoan phun nước, khí cao 20-30 mét”.
Khoảng 2 tháng sau, ông Hòa có ý tưởng tận dụng nguồn khí, nước phun lên vô tận này nên lắp bình gió đá (bình khí, có van đóng mở) để lấy khí dùng cho sinh hoạt gia đình. Mặc dù đã đầu tư hơn 40 triệu đồng mua bình khí, thuê nhân công cải tạo nhưng không thể xây lắp do luồng khí phun lên quá mạnh.
Ông Rơ Mah Hêng, Chủ tịch UBND xã Ia Kly, huyện Chư Prông, cho biết xã đã kiểm tra về độ an toàn khi ông Hòa lấp giếng khoan. Bằng cảm quan, sau lấp thấy khí, nước hầu như không còn phun lên nữa.
Khoan trúng túi khí
Như PLO đưa tin, sau khi hiện tượng lạ khí, nước phun trào xảy ra tại xã Ia Kly (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT đã khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, nước có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số phân tích nằm nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm. Kiểm tra tại hiện trường, thấy nước có vị the, hơi ngọt, nước trong.
Liên đoàn nhận định, hiện tượng hỗn hợp nước, khí tự phun tại giếng khoan xảy ra sau thời điểm xảy ra các trận động đất 5.0 độ ở Kon Tum 2 ngày nên rất ít có khả năng hiện tượng này do động đất gây ra.
Đối với hiện tượng khí, nước tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan giếng đã chạm đến một túi khí.