Ngày 18-10, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và tặng quà cho đoàn viên công đoàn, người lao động (NLĐ) góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) năm 2024.
Đề xuất NLĐ hưu trí có thể nhận thêm 30% trợ cấp thất nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho hay Luật Công đoàn 2012 và Luật Việc làm 2013 đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ và thúc đẩy phát triển công đoàn Việt Nam.
Sau hơn 10 năm triển khai, luật đã bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi cần được tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam.
Cạnh đó, Luật Công đoàn và Luật Việc làm sửa đổi phải đáp ứng kịp thời với xu hướng phát triển kinh tế, xã hội, trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp trong môi trường hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và đào tạo nghề đòi hỏi phải sửa đổi Luật Việc làm để tiếp tục thu hút NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhiều đối tượng thụ hưởng, việc làm bền vững, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, …
Ông Trần Thanh Sơn, đại diện công nhân lao động, Công đoàn Công ty May mặc Song Ngọc, cho biết quy định hiện tại về việc không cho NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp là bất lợi.
Khi NLĐ đủ điều kiện nhận lương hưu, họ không còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, mặc dù đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trong suốt quá trình làm việc. Điều này có nghĩa là phần quyền lợi trợ cấp thất nghiệp mà họ đã đóng góp có thể không được nhận lại.
Theo đó, ông Sơn đề xuất nên sửa đổi điều khoản này để NLĐ có thể nhận 30% tiền trợ cấp thất nghiệp, nhưng không quá 18 tháng, bao gồm cả thời gian họ đã nhận trước đó. Điều này nhằm khuyến khích người lao động không nghỉ việc sớm để hưởng trợ cấp thất nghiệp trước khi đủ điều kiện nghỉ hưu.
Ông Sơn bày tỏ quan ngại về quy định mức đóng bảo hiểm tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng, nhưng mức trợ cấp tối đa chỉ được nhận 5 lần.
“Tôi đề xuất sửa đổi theo hướng NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tính theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ mỗi 12 tháng đóng đủ, NLĐ sẽ được nhận 1,5 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, mỗi 12 tháng tiếp theo sẽ được nhận thêm 1 tháng trợ cấp (tối đa không quá 12 tháng mỗi lần) và tổng cộng không quá 18 tháng.
Sự thay đổi này nhằm ngăn chặn tình trạng NLĐ lợi dụng quy định, đồng thời khuyến khích họ tiếp tục làm việc” - ông Sơn cho hay.
Tiếp lời tại hội nghị, ông Lê Văn Lắm, đại diện công nhân một công ty dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, cho rằng NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Quy định trên cần được xem xét bỏ vì Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ về việc giải quyết tranh chấp giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
Cụ thể, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, họ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho doanh nghiệp. Việc này đã đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và xử lý hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Nếu thêm quy định không cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, như vậy NLĐ phải vừa bồi thường cho doanh nghiệp, vừa mất quyền nhận trợ cấp thất nghiệp” - ông Lắm nói.
Mở rộng đối tượng được vay vốn
Cũng theo ông Trần Thanh Sơn, đại diện công nhân lao động, Công đoàn Công ty May mặc Song Ngọc, nhiều NLĐ trong giai đoạn thất nghiệp thường phải tìm công việc tạm thời hoặc thử việc (chưa ký hợp đồng chính thức) để đảm bảo thu nhập cho gia đình.
“Do đó, tôi đề nghị sửa đổi quy định này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ trong việc thực hiện thông báo mà không cần trực tiếp trình diện hàng tháng” - ông Sơn nói.
Cạnh đó, theo ông Đặng Huy Cường, đại diện NLĐ Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, cho biết nếu NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bị sa thải thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp NLĐ buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc bỏ việc do mâu thuẫn công việc, không khí căng thẳng mà không được sự chấp thuận từ người sử dụng lao động, họ cần được xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
“NLĐ đã đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp trong suốt quá trình làm việc. Khi đến tuổi hưu, họ nên được nhận trợ cấp thất nghiệp tương tự như hình thức nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần” - ông Cường nói.
Đồng thời ông Cường cũng đề nghị mở rộng đối tượng được vay vốn. Ngoài những trường hợp khó khăn như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và hộ nghèo đã được quy định, cần bổ sung thêm đối tượng là những lao động trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
“Cụ thể là các gia đình có hai vợ chồng nuôi con ăn học nhưng chỉ có một người đi làm, hoặc những lao động là trụ cột gia đình phải chăm sóc cha mẹ già, thu nhập không đủ sống trong điều kiện sinh hoạt bình thường” - ông Cường nhấn mạnh và đề xuất thêm việc áp dụng cho vay hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm mở rộng quyền lợi cho những người gặp khó khăn tương tự.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận những ý kiến trên là rất xác đáng, phản ánh đúng những trăn trở và khó khăn mà NLĐ đang gặp phải trong thực tế.
“Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và LĐLĐ TP.HCM, chúng tôi sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến quý báu này, tổng hợp lại để báo cáo, thảo luận và đóng góp ý kiến vào quá trình sửa đổi Luật Công đoàn và Luật Việc làm” - ông Thắng cho hay.
Tại hội nghị, LĐLĐ TP.HCM đã tặng 250 phần quà (mỗi phần 1 triệu đồng) cho 150 công nhân lao động quận Bình Tân và 100 công nhân lao động huyện Bình Chánh.
Chiều cùng ngày, LĐLĐ TP.HCM tiếp tục trao 250 phần quà cho công nhân TP Thủ Đức và các Khu Chế xuất - Công nghiệp TP.HCM.