Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015 về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động (NLĐ) chưa có việc làm, có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương - nơi NLĐ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, NLĐ phải khai báo tình trạng việc làm hàng tháng để đảm bảo họ vẫn đủ điều kiện nhận trợ cấp. Việc không khai báo đúng hạn có thể dẫn đến tạm dừng nhận tiền đã khiến chị gặp không ít trở ngại.
Nhiều NLĐ cho rằng quy trình này phức tạp và gây nhiều bất tiện, đặc biệt là với những người có điều kiện di chuyển hạn chế hoặc sống xa các trung tâm dịch vụ việc làm.
Đi lại nhiều lần để làm thủ tục
Chia sẻ với PLO, chị Lệ Hằng (ngụ tại TP Thủ Đức) cho biết chị được phê duyệt trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng. Trong thời gian chờ nhận trợ cấp, chị phải mở thêm quầy bán nước ven đường để mưu sinh.
“Để hoàn thành thủ tục hồ sơ, tôi phải đi lại nhiều lần. Sau khi nộp hồ sơ, tôi phải chờ hơn một tháng mới nhận được tiền. Mỗi tháng, tôi đều phải khai báo việc làm và luôn canh đúng ngày để không bị trễ, vì chỉ cần chậm một ngày là mất một tháng trợ cấp. Gia đình tôi thực sự không biết xoay xở thế nào trong những trường hợp như vậy” - chị Hằng bộc bạch.
Không chỉ dừng lại ở việc chờ đợi, chị Hằng còn gặp khó khăn khi bị mất căn cước công dân (CCCD) trong quá trình hưởng trợ cấp. Dù đã được cơ quan công an cấp giấy hẹn lấy CCCD mới, chị vẫn không thể tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp.
“Tôi chỉ mong có hệ thống kết nối giữa trung tâm và công an để xác minh thông tin người lao động, giúp những trường hợp như tôi vẫn có thể nhận được trợ cấp kịp thời” - chị Hằng nói.
Cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn tất nhiều thủ tục hành chính để nhận được trợ cấp thất nghiệp, chị LH (ngụ tại quận 5, TP.HCM), bày tỏ:
“Tôi nghĩ chỉ cần nộp hồ sơ là sẽ được nhận trợ cấp, nhưng thực tế tôi phải điền rất nhiều giấy tờ và đến trung tâm dịch vụ việc làm để xác nhận. Chưa kể những lần đi làm thiếu giấy tờ, tôi phải quay lại bổ sung.
Tôi mất rất nhiều thời gian và công sức mới hoàn thành đủ hồ sơ để được nhận tiền trợ cấp. Mỗi tháng tôi còn phải đến trung tâm khai báo rằng mình vẫn chưa tìm được việc làm. Nếu không khai báo đúng hạn, trợ cấp thất nghiệp của tôi sẽ bị cắt" - chị H cho hay.
Cũng nhận trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng với số tiền hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, chị Ngọc Thủy (ngụ tại quận 10, TP.HCM) cho biết khoản trợ cấp này đã hỗ trợ gia đình chị rất nhiều.
“Trước khi nhận được trợ cấp, tôi phải trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp. Vì có con nhỏ, tôi không thể hoàn thành hồ sơ nhanh chóng. Mỗi lần đi làm thủ tục, tôi đều phải nhờ hàng xóm trông con giúp cả buổi.
Có lần tôi suýt quên ngày khai báo, nhưng may sao vẫn kịp thời. Tôi phải vội gửi con cho hàng xóm rồi chạy ngay lên trung tâm để làm thủ tục” - chị Thủy nói và bày tỏ khó khăn ở chỗ để nhận được trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng chị phải lên trung tâm khai báo việc làm.
Dễ hơn khi nộp hồ sơ trực tuyến
Để giải quyết điểm khó trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã niêm yết mã QR dẫn tới đường link khảo sát trực tuyến tại các bộ phận giải quyết hồ sơ. Đây là sáng kiến giúp NLĐ dễ dàng tham gia ý kiến, đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng phối hợp phát phiếu khảo sát trực tiếp tại bộ phận giải quyết hồ sơ để thu thập ý kiến từ NLĐ.
Đáng chú ý, hiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đang thực hiện quy trình một cửa, giúp tiết kiệm thời gian cho NLĐ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. NLĐ sẽ được tư vấn và hướng dẫn ngay từ khâu đầu tiên, không phải trải qua nhiều khâu như trước đây.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, việc khai báo tình trạng thất nghiệp hàng tháng là một trong những điều kiện tiên quyết để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu trong vòng 3 ngày mà NLĐ không đến, họ sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Bà Thục nhấn mạnh việc này nhằm ngăn chặn tình trạng NLĐ đi làm ở nơi khác hoặc ra nước ngoài mà không thông báo. Điều này có thể dẫn đến việc ngân sách nhà nước bị thất thoát.
Ngoài ra, bà Thục cho biết trung tâm không chỉ thực hiện việc cấp trợ cấp mà còn chú trọng đến việc tư vấn và giới thiệu việc làm cho NLĐ.
Theo quy định, thời gian xử lý hồ sơ để NLĐ nhận được quyết định hưởng trợ cấp là 20 ngày. Tuy nhiên, trung tâm đã nỗ lực rút ngắn thời gian này xuống còn 18 ngày, giúp NLĐ sớm nhận được hỗ trợ cần thiết.
"Thay vì yêu cầu NLĐ đến trực tiếp, hiện trung tâm đang tích cực vận động người dân yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp chuyển sang sử dụng dịch vụ công trực tuyến" - bà Hạnh Thục nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, trong tháng 9 đầu năm 2024, tổng số hồ sơ nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công một cửa TP.HCM đạt 8.422/10.693 hồ sơ (chiếm 78,76% tổng số hồ sơ tiếp nhận).
Riêng trong tháng 8, tổng số hồ sơ nộp là 10.011/13.457 hồ sơ (chiếm 74,39%).
Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc người lao động lựa chọn phương thức nộp hồ sơ trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính minh bạch trong quy trình xử lý hồ sơ.