Tôi có kể với chị rằng ngoài những cô gái bị nhiễm HIV trong bài báo, ở gầm cầu còn có những đứa trẻ rất tội nghiệp. Có em cha mẹ đều đi tù, mình bà ngoại tất tả nuôi cháu nhưng vẫn chưa có đủ tiền đóng học phí còn nợ từ năm cũ, em vẫn chưa được xếp lớp.
Cuối tuần qua, vợ chồng chị hẹn tôi gặp con trai của họ. Cậu bé năm nay lên lớp 3, có gương mặt rất đáng yêu, ôm theo một ống heo tiết kiệm tiền. Cậu bé nói: “Đây là tiền tiết kiệm trong bốn năm qua của con, con gửi cô đóng tiền học cho mấy bạn”. Tôi hỏi lại cậu bé: “Con có chắc là muốn trao cho cô không, con dành dụm bốn năm cơ đấy. Con không muốn mua gì cho mình sao?”. Cậu bé cũng thoáng ngần ngừ. Tôi gợi ý: “Con không cần phải trao hết cho cô, con có thể gửi tặng bạn một nửa hoặc một phần ba cũng tốt lắm rồi”. Cậu bé nói: “Không sao, con sẽ lại để dành tiếp bốn năm nữa. Gia tài này con gửi cô đóng tiền học phí cho bạn”. Câu trả lời của cậu bé lớp 3 khiến mắt tôi cay cay…
Mẹ cậu bé là một cô giáo khá nổi tiếng. Nhưng chị đề nghị tôi không nêu danh tính. Chị muốn trao cho con trai một bài học về lòng nhân ái. Chị đã kể con trai nghe về câu chuyện những người cùng khổ dưới gầm cầu. Cậu bé đã suy nghĩ tới… bốn ngày, mất ngủ vài đêm mới đi đến quyết định trọng đại: Trao hết cả gia tài của mình cho bạn.
Khi cậu bé chuẩn bị “mổ heo” đếm tiền, mẹ cậu đã thử thách thêm một lần nữa: “Con phải suy nghĩ thật kỹ vì khi con cần mua món gì đó lớn, mẹ sẽ không cho tiền mà con phải để dành”. Cậu bé trả lời: “Dạ, nhưng nếu không có tiền, bạn sẽ không được đi học, sau này bạn sẽ không có việc làm, không có kiến thức”. Mẹ cậu bé mỉm cười, tỏ vẻ rất hài lòng.
Gia tài của cậu bé là một xấp tiền lẻ trị giá 1,1 triệu đồng. Mẹ cậu bé cho biết bạn nhỏ kia còn thiếu 700.000 đồngnữa, có lẽ chúng ta phải đóng góp thêm. Cậu bé quay sang bàn bạc với cha mẹ như người lớn: “Nếu mẹ có tiền thì góp cho bạn. Nếu mẹ phải đi mượn nợ, con sẽ tìm cách khác”. Cách khác của cậu là sẽ đến lớp học vận động gây quỹ, chắc chắn sẽ có nhiều bạn ủng hộ. Cậu nói: “Có bạn K. trong lớp con bao cả lớp ăn bánh hai ngày vẫn còn tiền, con sẽ hỏi bạn ấy”. Cha mẹ cậu bé tỏ vẻ suy nghĩ căng thẳng lắm: “Lỡ bạn không chịu thì sao? Năm học mới đến rồi, bạn cần học phí gấp lắm. Hay là vầy, tháng này nhà mình sẽ ít coi tivi để tiết kiệm điện, nhà mình ăn uống tiết kiệm hơn để mẹ góp tiền cho bạn. Con đồng ý không?”. Cậu bé gật đầu lia lịa với gương mặt ngời ngời hạnh phúc.
Cậu bé đã làm trái tim tôi vô cùng ấm áp. Cậu bé thật may mắn vì có ông bố, bà mẹ tuyệt vời, những người đã trao cho cậu những khóa học sâu sắc về lòng nhân ái, thái độ nghiêm túc về tiền bạc, trách nhiệm với gia đình và mọi người.
Tôi, một người lớn, bỗng cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được cậu bé ấy tín nhiệm trao cho cả một gia tài lớn.