Thông tin mới nhất về dự án đường vành đai 3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị đại diện cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư đoạn 1A của dự án) cho hay: “Sau hai năm đình trệ vì hiệp định vay vốn thì vừa rồi chúng tôi đã ký hiệp định vay vốn cho đoạn 1A, góp phần hiện thực hóa một bước với dự án vành đai 3”.
Dự kiến cuối năm 2021 triển khai đoạn 1A
Dù được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 nhưng đến nay đường vành đai 3 với bốn đoạn hợp cùng cao tốc Bến Lức - Long Thành qua địa bàn bốn tỉnh, thành vẫn chưa được khép kín và còn đang trong quá trình chờ được đầu tư.
Theo quy hoạch ban đầu của dự án: Đoạn 1 Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Tân Vạn (Bình Dương) dài 26,3 km, giai đoạn 1 phải hoàn thành trước năm 2017; đoạn 3 Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5 km, giai đoạn 1 phải hoàn thành trước năm 2019; đoạn 4 quốc lộ 22 (TP.HCM) - Bến Lức (Long An) dài 29,2 km, giai đoạn 1 phải hoàn thành trước năm 2020.
Riêng đoạn 2 (Mỹ Phước - Tân Vạn) dài 16,3 km qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đầu tư giai đoạn 1, hiện đoạn này đã được đưa vào khai thác.
Theo đại diện chủ đầu tư, sau khi ký hiệp định vay vốn, chủ đầu tư sẽ tuyển tư vấn thiết kế, tuyển thiết kế, sau đó tuyển nhà thầu xây lắp và dự kiến cuối quý I-2021 thì sẽ khởi công đoạn 1A (giai đoạn 1).
Cụ thể, đoạn 1: Tân Vạn - Nhơn Trạch của tuyến vành đai 3 gồm hai dự án thành phần là: 1A và 1B. Dự án 1A xây dựng đoạn từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khoảng 8,75 km gồm 6,3 km địa phận tỉnh Đồng Nai và 2,45 km địa phận TP.HCM. Đoạn 1A thực hiện bằng vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Hàn Quốc với số tiền 190,96 triệu USD.
Ở địa phận TP.HCM, hiện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư công tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Còn tại địa phận tỉnh Đồng Nai, hiện vẫn đang chờ phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng.
Đoạn 1B: Từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nối với Thủ Đức ở nút giao Tân Vạn, chiều dài 8,96 km với bốn làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, vận tốc cao nhất là 80 km/giờ. Đoạn này được đầu tư theo hình thức BOT và đang triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.
Phương án tài chính của dự án 1B: Vốn dự án BOT được thu hồi từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ, hình thức theo lượt. Nhà đầu tư được quyền thu phí và bảo trì toàn bộ dự án thành phần 1A và 1B trong thời gian khai thác (không thu phí để hoàn trả phần vốn vay ODA cho dự án thành phần 1A).
Dự án vành đai 3 đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (giai đoạn 1 của đoạn 2) đã được đưa vào khai thác. (Ảnh cắt từ clip của kênh Bình Dương Tivi)
Tiếp tục huy động vốn đầu tư
“Các đoạn còn lại như đoạn 3, đoạn 4 vẫn đang huy động vốn ODA nên chậm hơn so với đoạn 2” - đại diện Tổng Công ty Cửu Long thông tin thêm.
Tương tự, ông Trần Chí Trung, Trưởng Phòng kế hoạch đầu tư, Sở GTVT TP.HCM, cũng cho biết vừa qua khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào các tỉnh phía Nam, tại đây đại diện các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đề xuất Thủ tướng bố trí vốn để làm dự án vành đai 3 nhằm tăng tính kết nối các tỉnh khu vực này.
Theo đó, đoạn 3 dài 10,87 km và đoạn 4 dài 22,21 km, công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi do Tổng Công ty Cửu Long thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á đã hoàn thành.
Về chủ trương đầu tư đoạn 3 và 4, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Riêng về thẩm định nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ trình Bộ KH&ĐT thẩm định (đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT).
Dự án vành đai 3 kết nối liên vùng TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 có tổng chiều dài khoảng 89,3 km. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.871 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước 9.729 tỉ đồng, nhà đầu tư 10.142 tỉ đồng. Dự kiến tới năm 2022 sẽ thực hiện thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, đồng thời sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2022-2025, dự án thi công và đưa vào sử dụng, sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực. Nói về mức độ cần thiết đầu tư dự án này, trong bài viết về thực trạng và các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay mới đây (đăng ngày 29-5 trên cổng thông tin Bộ GTVT), ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết sẽ tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên các đường vành đai ở TP.HCM và Hà Nội. Về quan điểm kêu gọi đầu tư cho dự án vành đai 3, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng dự án này đã có quy hoạch và có vốn đầu tư khá cao nên cũng cần quan tâm đến việc kêu gọi xã hội hóa, đồng thời xác định rõ ưu tiên vốn cho hạng mục nào, đoạn nào để kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. |